Đào tạo nhân lực logistics và chuỗi cung ứng trong xu thế chuyển đổi số

Đầu tư chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics gắn với xu thế chuyển đổi số được xác định là yếu tố then chốt nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ ngành logistics thế giới.

Sáng ngày 20/6/2024, Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số”.

Hội thảo có sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia trong các cơ sở giáo dục đại học, cộng đồng doanh nghiệp logistics và chuỗi cung ứng, các đơn vị liên quan nhằm trao đổi về tình hình, xu hướng phát triển ngành Logistics hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam; các kết quả, kinh nghiệm thực tế ứng dụng trong đào tạo chất lượng cao phục vụ cho hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số.

Toàn cảnh Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số”

Toàn cảnh Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số”

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, trao đổi xung quanh 03 nhóm chủ đề chính.

Xu thế phát triển ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trên thế giới và ở Việt Nam

Xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới gần đây đang chậm lại, nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm các yếu tố đan xen phức tạp như: hiện tượng thời tiết cực đoan; thiên tai; dịch COVID-19; năng lực sản xuất yếu; thiếu hụt nguồn cung và nhân lực; chiến tranh thương mại; xung đột địa chính trị.

Trong tương lai gần, xu hướng phát triển logistics được dự báo có các đặc điểm chính.

Thứ nhất, Logistics toàn cầu vẫn tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng của thương mại điện tử (TMĐT). Dự báo đến 2025, TMĐT sẽ chiếm khoảng 27,2-27,5% tổng doanh thu logistics thế giới;

Thứ hai, lĩnh vực logistics toàn cầu sẽ chuyển dịch trọng tâm về thị trường đang phát triển tại châu Á;

Thứ ba, các thương vụ M&A sẽ đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn đầu, tuy nhiên về lâu dài, sự đầu tư vào công nghệ và con người mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của logistics toàn cầu;

Thứ tư, các hãng vận tải lớn (kể cả đường bộ và đường biển) đang có xu hướng liên minh, hợp tác, mua lại và sát nhập để giảm độ phân mảnh của thị trường, giảm các cuộc chiến về giá, tận dụng công suất trong tình hình giá nhiên liệu tăng, doanh thu giảm;

Thứ năm, tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn nạn cấp bách toàn cầu. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang tích cực phát triển chuỗi cung ứng xanh và các giải pháp logistics thân thiện môi trường.

Theo tính toán của Công ty nghiên cứu thị trường Armstrong and Associates (2017), xu hướng chuỗi cung ứng và logistics toàn cầu đến 2030 vẫn duy trì các xu hướng chính:

(i) Số hóa chuỗi cung ứng và các hoạt động cung ứng dịch vụ;

(ii) Sử dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu trong dự báo, lập kế hoạch và khai thác, vận hành;

(iii) Logistics sản xuất vận dụng công cụ B2B trong xử lý nhu cầu, cung cấp dịch vụ và phát triển sản phẩm;

(iv) Tháp điều khiển dây chuyền cung ứng và các kế hoạch kinh doanh tổng hợp được tích cực vận dụng rộng rãi;

(v) Logistics sản xuất sẽ đáp ứng yêu cầu về dịch vụ giao hàng tại nhà;

(vi) Ứng dụng điện toán đám mây trong logistics sản xuất làm giảm sự phức tạp, tăng tốc độ và khả năng hiển thị của chuỗi;

(vii) Quy trình mua sắm hiện đại;

(viii) Sử dụng các bộ cảm biến Internet-of-Things để chia sẻ thông tin;

(ix) Tích hợp chuỗi cung ứng, vận hành nhà máy và quản lý sản phẩm và dịch vụ;

(x) Sức mạnh của công nghệ trở thành nhân tố quan trọng tạo ra giá trị cho chuỗi cung ứng.

Có thể thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt công nghệ xử lý/khai phá dữ liệu đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho logistics trong thời đại công nghệ 4.0. Sự phát triển các ứng dụng này đòi hỏi yêu cầu lớn hơn về nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam có nhiều lợi thế để tranh thủ xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu về: môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; tình hình chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Môi trường pháp lý đầy đủ; chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư. Môi trường kinh doanh cải thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh được cải thiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn; lực lượng lao động trẻ, dồi dào, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp; vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hướng đến logistics xanh không chỉ là cơ hội, mà còn là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển nhanh và bền vững.

TS. Trương Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội thông tin về xu hướng đào tạo nhân lực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại các cơ sở đào tạo, cũng như chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội.

TS. Trương Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội thông tin về xu hướng đào tạo nhân lực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại các cơ sở đào tạo, cũng như chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội.

Kinh nghiệm đào tạo chất lượng cao ngành logistics tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam

Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Theo thống kê của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA), hiện nay tại Việt Nam có khoảng 50 cơ sở đào tạo có đào tạo ngành/lĩnh vực nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhân lực ngành logistics vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Với thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics đã và đang được đẩy mạnh và ưu tiên trong thời gian qua.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tế.

Dự báo đến năm 2030, ngành logistics Việt Nam cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

Đầu tư chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics được xác định là yếu tố then chốt nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ ngành logistics thế giới.

Tuy nhiên, phần lớn các trường còn hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng, ít có cơ hội cho học sinh có trải nghiệm thực hành. Thực tế khảo sát cho thấy, đa số các đơn vị đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng các phần mềm, hệ thống mô phỏng, giả lập và chỉ có một số ít trường, được đầu tư theo các nguồn kinh phí quốc tế mới có thể tổ chức các hoạt động thực hành gần với thực tiễn.

Trên thực tế, những nội dung lý luận về logistics đã được tiếp cận và đưa vào giảng dạy từ khá lâu, được lồng ghép trong các môn học như: Quản lý chuỗi cung ứng, Tổ chức và kỹ thuật thương mại, Quản trị hậu cần, giao nhận vận tải, vận tải và bảo hiểm,... Các trường đại học có tuyển sinh ngành logistics, tuy nhiên các chương trình đào tạo tại mỗi trường có sự khác nhau, chủ yếu ở các nhóm ngành: “Logistics và quản lý chuỗi cung ứng”; “Kinh tế và Kinh doanh quốc tế’; “Khai thác vận tải”;...

Đề xuất các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần chuẩn hóa chương trình đào tạo; ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn; liên kết trường đại học và doanh nghiệp logistics; tạo điều kiện cho học sinh thực tập doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đào tạo logistics; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo logistics; tổ chức học trong lớp và ngoài lớp theo mô hình “Learning by Doing”.

Đào tạo chất lượng cao ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội: Thế mạnh, cơ hội và thách thức

Với thế mạnh đào tạo các kiến thức về khối ngành kinh tế, đồng thời để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2024, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội thành lập Viện Hải quan - Thuế - Kho bạc, trong đó xây dựng định hướng chuyên ngành Logistics - Hải quan với mục tiêu xây dựng một cơ sở giáo dục đào tạo chuyên sâu chuyên nghiệp về 02 lĩnh vực đang có xu hướng phát triển mạnh và có sự gắn kết chặt chẽ.

Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số” do Viện Hải quan - Thuế - Kho bạc trực thuộc Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức nhằm đáp ứng các mục tiêu về đào tạo nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động Việt Nam cũng như môi trường kinh doanh toàn cầu.

Cơ hội về việc đào tạo ngành/chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu hướng về thực tế, thông qua các mô hình giả lập chuyên nghiệp như mô hình Beer Distribution Game (MIT Sloan School of Management) và mô hình Supply Chain Model Globe; học liệu và không gian truy cập không giới hạn; chất lượng giáo dục và đào tạo nâng cao...

Tuy nhiên, một số thách thức mà Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội phải đối mặt đó là môi trường học tập đòi hỏi sự đổi mới, tương tác thường xuyên giữa SV-SV, GV-SV; GV cần được đào tạo và nâng cao trình độ cũng như tiếp cận các nền tảng công nghệ đang được ứng dụng thực tế, hỗ trợ tham gia các khóa học chất lượng về chuyên môn; ưu tiên kinh phí sử dụng công nghệ, phần mềm phục vụ giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao phương pháp giảng dạy. Điều này không chỉ giúp đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường có lợi thế so với mặt bằng các trường đại học khối kinh tế, trong tương lai còn tiến xa hơn trong công tác ươm mầm các tài năng là thế hệ sinh viên của Nhà trường.

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số” đã góp phần đề xuất, khuyến nghị những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác đào tạo với chất lượng cao lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao học ở Việt Nam nói chung cũng như định hướng cho hoạt động đào tạo trong thời gian tới tại Viện Hải quan - Thuế - Kho bạc thuộc Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dao-tao-nhan-luc-logistics-va-chuoi-cung-ung-trong-xu-the-chuyen-doi-so-122641.htm