Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn: Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ hiện đại

Thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch bán dẫn... là những ngành học mới, được nhiều trường tuyển sinh, đào tạo từ năm 2024.

Ngành học này hứa hẹn tiềm năng do Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, đây là một ngành học không dễ để đào tạo, cần có những bước đi thận trọng và chắc chắn.

Thiết kế vi mạch lâu nay đã là chương trình nằm trong các ngành lớn của nhiều cơ sở đào tạo. Cả nước có 35 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực cho một số công đoạn của công nghệ vi mạch. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, trong khi nhu cầu là 10.000 kỹ sư mỗi năm, hiện chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Nắm bắt cơ hội và yêu cầu của thị trường, Chính phủ đã xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 đã có hơn 10 trường đại học mở các ngành liên quan đến thiết kế vi mạch. Mở chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo kỹ thuật điện tử viễn thông và ngành kỹ thuật vi điện tử, công nghệ nano từ năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống còn 3-6 tháng. PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Trường Điện-Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện trường có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Hằng năm, có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp có thể làm thiết kế sản xuất vi mạch.

Sinh viên Trường Đại học Phenikaa thực hành trong những phòng lab trị giá hàng triệu USD. Ảnh: CẨM LỆ

Sinh viên Trường Đại học Phenikaa thực hành trong những phòng lab trị giá hàng triệu USD. Ảnh: CẨM LỆ

Trước sức nóng của vi mạch bán dẫn, từ năm học 2024-2025, Trường Đại học CMC mở ngành công nghệ kỹ thuật điện tử-viễn thông, trong đó có chương trình thiết kế vi mạch bán dẫn, dự kiến tuyển sinh 80 chỉ tiêu. Tập đoàn Công nghệ CMC đã hợp tác với Synopsys-một hãng thiết kế điện tử lớn của Mỹ-để thành lập Phòng thí nghiệm IC Design tại Trường Đại học CMC. PGS, TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho hay: “Chương trình được thiết kế theo chuẩn kiểm định của Hội đồng Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật-công nghệ của Mỹ (ABET). Nhà trường sẽ kết hợp với các đối tác nước ngoài với sự hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.

Cam kết sẽ đào tạo 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư/kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế đến năm 2030, đáp ứng 40% nhu cầu nhân lực dự kiến của ngành bán dẫn Việt Nam, Tập đoàn Phenikaa đã có những đầu tư mang tầm chiến lược. Trường Đại học Phenikaa mở rộng liên kết với các trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế, đào tạo theo đơn hàng và nhu cầu thị trường, gắn kết với doanh nghiệp; đầu tư 265 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip; hợp tác với các trường đại học danh tiếng như Arizona State University, các công ty Synopsys, Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings...

Ông Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho biết: “Phenikaa liên kết với các công ty hàng đầu thế giới về vi mạch để thực hiện sản xuất thử và chương trình đào tạo sẽ được hỗ trợ bởi các công ty và trường đại học hàng đầu, để học viên có đủ năng lực làm việc ngay sau khi hoàn thành khóa học”.

Đào tạo cần đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ hiện đại

Để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển xứng tầm với lợi thế sẵn có, đầu tư đào tạo nhân lực bán dẫn là hướng đi chiến lược, là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tỷ USD này ở Việt Nam. “Tuy nhiên, với những đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động của ngành, đào tạo nhân lực không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản, mà cần nhiều nỗ lực triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu”, GS, TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhận định.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực đòi hỏi nhiều yếu tố phức tạp và không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng thực hiện. Việc mở ngành yêu cầu trình độ giảng viên cao, cơ sở vật chất hiện đại và hệ thống giáo trình chuẩn. Giảng viên cần là tiến sĩ tốt nghiệp ngành này từ các trường đại học uy tín ở nước ngoài và có kinh nghiệm thực tế. Theo khảo sát của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, các kỹ sư có từ 10 đến 15 năm kinh nghiệm có mức lương từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/năm, còn kỹ sư mới ra trường là từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc tuyển dụng giảng viên với mức lương cao là thách thức lớn. Chưa kể, hệ thống phòng thí nghiệm và công cụ thiết kế cũng là gánh nặng tài chính lớn, với chi phí lên tới hàng triệu USD. Giáo trình cần được cập nhật liên tục theo tiến bộ công nghệ. Liên kết với đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, yêu cầu đối tác uy tín và có kinh nghiệm trong ngành vi mạch bán dẫn.

Sự ồ ạt mở ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn theo kiểu xu hướng mới của thời đại sẽ dẫn tới sự phát triển “nóng” nhưng không bền vững, như từng xảy ra với ngành kỹ thuật hạt nhân là một bài học. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề, lâu nay, thiết kế vi mạch, vi mạch bán dẫn đang là những môn học trong các ngành như cơ điện tử, kỹ thuật tự động hóa... Khi tách thành ngành riêng, cần thí điểm tại các trường đại học có kinh nghiệm và uy tín, mở rộng và đào tạo chuyên sâu hơn. Sau đó, các đơn vị nên cùng nhau rút kinh nghiệm và xây dựng hướng phát triển đại trà.

Điều này cũng đã được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra tại một hội thảo quốc tế về ngành bán dẫn. Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán, dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh phát triển "nóng", tràn lan, thiếu hiệu quả. Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

TS Bùi Quý Thuấn, Trường Đại học Phenikaa, cho biết, thách thức lớn nhất trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn là Việt Nam có rất ít công ty sản xuất trong ngành bán dẫn, vi mạch và cũng không có nhà máy sản xuất chip với công nghệ cao. Nếu Việt Nam không có nguồn nhân lực thì các công ty lớn sẽ không đầu tư vào Việt Nam, còn nếu đầu tư vào phát triển nhân lực thì chỉ được một số công đoạn ban đầu chứ chưa thể đi đến sản phẩm cuối cùng.

Bài toán này chỉ có thể vượt qua bằng cách tiếp cận từng bước, chọn đúng ngành nghề, kỹ năng cần đào tạo, liên kết với các đối tác, nhất là các đối tác nước ngoài, quy tụ nguồn nhân tài trong và ngoài nước để thực hiện việc đào tạo, đi theo một lộ trình và cả Nhà nước cũng như các bên cùng chung tay mới có thể thành công. Việc thiết lập chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải theo các quy chuẩn quốc tế.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-dap-ung-tieu-chuan-quoc-te-tiep-can-cong-nghe-hien-dai-5009344.html