Đào tạo nhân lực ngành Công Thương: Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trong ngành nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tiếp cận với trình độ quốc tế.

Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Công Thương thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là đẩy mạnh kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến nay, đã có 7/9 trường đại học trong ngành được kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 18/25 trường cao đẳng đã hoàn thành tự đánh giá chất lượng để đăng ký kiểm định cấp quốc gia. Đặc biệt, các trường đại học và cao đẳng thuộc ngành Công Thương đã chủ động tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến có uy tín trên thế giới, trong đó 2/9 trường đã áp dụng chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA (Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh) và ABET (Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng); 6 trường cao đẳng đã tham gia chương trình thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức; 3 trường cao đẳng đã tham gia đào tạo kỹ sư thực hành theo chương trình KOSEN - Nhật Bản (Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại; Cao đẳng Công nghiệp Huế; Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng).

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các trường rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên phù hợp với thực tế tuyển sinh, nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên. Trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ cán bộ quản lý các trường đã giảm trung bình 3%/năm; giảng viên biên chế giảm 5,9%; giảng viên thỉnh giảng giảm 12,6%. Các trường đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các trường tập trung đào tạo tiếng Anh theo chuẩn đầu ra ngành nghề đặc thù ngành Công Thương; tăng cường gắn kết giữa trường với doanh nghiệp, trước mắt là gắn kết với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam để triển khai mô hình đào tạo kỹ sư thực hành KOSEN - Nhật Bản. Đến nay, 85% số trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương đã có hoạt động hợp tác với DN…

Tại các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành Công Thương hiện có 5.210 người đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước; 1.004 người đang theo học thạc sĩ.

Lan Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-thuong-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-138072.html