Đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài: Nhiều nghiên cứu sinh phải bỏ cuộc

Với hàng loạt yêu cầu khắt khe về mặt học thuật, nhiều nghiên cứu sinh ở nước ngoài phải bỏ cuộc trước khi chạm vào tấm bằng tiến sĩ.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - thành viên liên đoàn Giáo dục độc lập Úc từng chứng kiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng khi đang trong quá trình nghiên cứu. Tại Úc, cơ sở đào tạo tiến sĩ dựa trên ba mô hình: Xuất bản ( PhD by publication), thực hành (Practice – based /led PhD) và đào tạo tiến sĩ chuyên nghiệp (Professional Doctorate). Dù các mô hình đào tạo tiến sĩ khác nhau nhưng đều chung giai đoạn mang tính điển hình như tổng quan nghiên cứu, bảo vệ đề cương, làm thí nghiệm/thu thập dữ liệu nghiên cứu, phân tích dữ liệu và hoàn thành đề tài.

Phần tổng quan nghiên cứu đỏi hỏi nghiên cứu sinh đọc hàng trăm tài liệu liên quan đến đề tài, tìm ra khoảng cách mà nghiên cứu trước đó chưa đề cập tới, hoặc chưa hoàn thiện. Từ đó định vị cho hướng mới của mình. Giai đoạn này có thể mất từ 6 đến 12 tháng để hoàn thành.

Giai đoạn hai hết sức quan trọng, ứng viên phải bảo vệ đề tài của mình trước hội đồng từ bốn đến năm người. Nếu bảo vệ không thành công ứng viên chỉ được bảo vệ thêm một lần duy nhất (trong vòng 2-6 tháng). Nếu không thành công ứng viên sẽ không được tiếp tục theo học chương trình.

Đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài với hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe.

Đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài với hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe.

Bảo vệ đề cương thành công, nếu đề tài liên quan đến con người hay động vật thì buộc phải có sự chấp thuận của hội đồng đạo đức. Khi nhận được sự chấp thuận của hội đồng đạo đức, nghiên cứu sinh mới có thể bước sang giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu đó là làm thí nghiệm, thu thập dữ liệu nghiên cứu và phân tích.

Trong giai đoạn viết hoàn thành đề tài, nghiên cứu sinh cũng được yêu cầu tham gia các hội thảo quốc tế để trình bày nghiên cứu của mình. Giai đoạn cuối là đệ trình nghiên cứu lên ủy ban học thuật của trường kiểm tra tính liêm chính trong học thuật, mức độ đạo văn hay gian dối trong nghiên cứu.

Mặc dù đào tạo tiến sĩ ở Úc, một số ngành và mô hình đào tạo không yêu cầu công bố quốc tế, nhưng các nghiên cứu sinh khi theo đuổi con đường học thuật đều xuất bản và có công bố trên các tạp chí uy tín để khẳng định vị trí trong giới học thuật.

“Có thể thấy hoàn thành một chương trình tiến sĩ ở Úc, nghiên cứu sinh phải trải qua rất nhiều giai đoạn chặt chẽ và khó khăn. Thậm chí có người phải bỏ cuộc giữa chừng”, ông Hiền nói.

Hoàn thành một chương trình tiến sỹ ở Úc, nghiên cứu sinh phải trải qua rất nhiều giai đoạn chặt chẽ và khó khăn. Thậm chí có người phải bỏ cuộc giữa chừng”

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền

Ông Hiền từng có 5 năm làm phó giám đốc và giám đốc trong cơ quan nhà nước tại Việt Nam. Ông cũng sở hữu nhiều loại bằng cấp tại Việt Nam và Úc: Bằng MPhil, bằng Graduate Diploma sau đại học về quản lý, bằng Diploma Công nghệ thông tin, bằng thạc sĩ quản lý giáo dục, bằng cử nhân tiếng Anh. Thế nhưng, khi ứng tuyển vào Bộ Giáo dục New South Wales, ông lại bị xếp vào đối tượng tuyển dụng “ngoài luồng” với lý do chưa có kinh nghiệm làm công việc liên quan đến phòng ban của Bộ. Trong khi đó, yêu cầu với vị trí mà ông ứng tuyển chỉ cần bằng Diploma về quản lý hoặc liên quan (tương đương Cao đẳng ở Việt nam).

Từ trải nghiệm cá nhân, có thể thấy việc tuyển dụng ở Úc hoàn toàn không dựa vào bằng cấp, dù đó có thể là những vị trí cao trong cơ quan chính phủ”, ông Hiền nói.

Còn tại Anh, theo chia sẻ của TS Ngô Đức Thế - Cán bộ làm việc tại Đại học Manchester, nghiên cứu sinh phải vượt qua các kỳ sát hạch chuyên môn nghiêm khắc từ các phản biện khoa học, để chứng tỏ họ làm nghiên cứu sinh tốt kèm với luận án tiến sĩ có chất lượng học thuật. Người làm nghiên cứu cần hoàn thành các học phần, các khóa đào tạo chuyên môn kỹ năng, hoàn thành các báo cáo sát hạch thường niên của hội đồng chuyên môn và quan trọng nhất là có luận án chất lượng.

Đào tạo tiến sĩ ở Anh không có quy định thành văn về việc phải có bài báo đăng trên tạp chí khoa học. Thay vào đó, luận án tiến sĩ ở Anh được chấm theo một quy trình rất nghiêm khắc với một phản biện nội bộ và một phản biện từ bên ngoài.

 Ở nước ngoài, một số ngành và mô hình đào tạo không yêu cầu công bố quốc tế, nhưng các nghiên cứu sinh khi theo đuổi con đường học thuật đều xuất bản và có công bố trên các tạp chí uy tín. (Ảnh minh họa)

Ở nước ngoài, một số ngành và mô hình đào tạo không yêu cầu công bố quốc tế, nhưng các nghiên cứu sinh khi theo đuổi con đường học thuật đều xuất bản và có công bố trên các tạp chí uy tín. (Ảnh minh họa)

“Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ có thể coi như một buổi thi vấn đáp mà các phản biện sẽ sát hạch ứng viên trong nhiều giờ với chi tiết từng nội dung trong luận án của ứng viên. Bảo vệ thành công chưa đảm bảo ứng viên sẽ được trao bằng mà ứng viên còn phải dành nhiều thời gian để chỉnh sửa luận án theo các đánh giá phản biện, thậm chí làm thêm nghiên cứu bổ sung nếu cần”, TS Thế cho biết.

Dù phải thỏa mãn hàng loạt yêu cầu khắt khe trước khi trở thành tiến sĩ, nhưng tại các quốc gia có nền khoa học phát triển, các loại bằng cấp, trong đó có bằng tiến sĩ lại không phải điều kiện tiên quyết để nhà tuyển dụng gật đầu.

Tại Anh, việc bổ nhiệm các chức vụ thường liên quan tới chuyên môn, kinh nghiệm và các kỹ năng của ứng viên đáp ứng theo yêu cầu của công việc đó hơn là việc yêu cầu một ứng viên có bằng tiến sĩ. “Vì tấm bằng tiến sĩ tự bản thân nó không có khả năng thể hiện một ứng viên có đáp ứng được đòi hỏi của của công việc hay không”, TS Thế cho biết.

HOÀI ANH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dao-tao-tien-si-o-nuoc-ngoai-nhieu-nghien-cuu-sinh-phai-bo-cuoc-ar675791.html