Đào tạo từ xa ngành kỹ thuật: Chỉ thực hành qua kỳ thực tập thì không đạt chuẩn

Theo các chuyên gia, đào tạo từ xa ngành kỹ thuật mà thực hành chỉ dựa trên thiết bị mô phỏng, thực tập tại doanh nghiệp sẽ không đủ đáp ứng tiêu chuẩn.

Hiện nay, xu hướng đào tạo từ xa đang ngày càng phổ biến tại các cơ sở giáo dục. Nhiều trường đại học triển khai hình thức học này nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho người học ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, việc đào tạo từ xa cho ngành kỹ thuật - một lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng thực hành cao và sự tương tác trực tiếp với thiết bị, máy móc đã làm dấy lên không ít lo ngại về chất lượng đào tạo.

Sau 2 bài viết "Đào tạo từ xa ngành kỹ thuật, trường đại học nói chất lượng y như chính quy" và "Lỗ hổng lớn của đào tạo từ xa ngành kỹ thuật: SV bị “khuyết” kỹ năng thực hành" của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, hình thức đào tạo từ xa nhóm ngành kỹ thuật hiện chưa đủ điều kiện để đảm bảo chuẩn đầu ra tương đương với hệ đại học chính quy.

Đào tạo từ xa là xu thế nhưng cần đảm bảo chất lượng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, sinh viên thuộc nhóm ngành kỹ thuật cần thực hành trực tiếp trong môi trường thực tế, không nên chỉ dựa vào các công cụ học trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, chương trình đào tạo từ xa phải được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo chính quy của ngành học tương ứng tại các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc, chất lượng đào tạo phải được đảm bảo đồng nhất. Điều này để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó bằng tốt nghiệp không phân biệt hình thức đào tạo thì chất lượng cũng phải đảm bảo sự tương đồng.

Quy chế đào tạo từ xa theo Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT và được thay thế bởi Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT quy định về chương trình đào tạo từ xa được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần bao gồm: phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức mạng máy tính và viễn thông. Tuy nhiên, đào tạo từ xa cũng không thể được hiểu là học 100% trên mạng mà cần có thêm nhiều trải nghiệm thực tế.

Thầy Nghĩa cho rằng, hiện nay, hình thức đào tạo từ xa các ngành kỹ thuật vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người học và giảng viên; bị động trước những yếu tố ngoại cảnh như đường truyền mạng, thiết bị công nghệ; yêu cầu tinh thần tự giác và khả năng tự học cao.

 Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Danh Chính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho rằng, đào tạo từ xa các ngành kỹ thuật chỉ có thể đảm bảo chất lượng nếu các cơ sở đào tạo thực hiện đúng quy trình, quy định.

“Hình thức đào tạo từ xa là xu thế chung của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Đào tạo từ xa cung cấp cơ hội học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng nghiên cứu khoa học cho các đối tượng có nhu cầu học tập mà không có điều kiện học tập trung tại các cơ sở đào tạo.

Đối với đào tạo từ xa các ngành kỹ thuật có những đặc thù riêng, tỷ lệ nội dung thực hành, thí nghiệm trong chương trình phải chiếm tỉ trọng lớn hơn so với các nội dung khác. Ngoài ra, đào tạo các ngành kỹ thuật đòi hỏi phải gắn với các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở sản xuất và gắn chặt với sự phát triển khoa học công nghệ.

Các cơ sở giáo dục cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm ảo, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng, kho học liệu và tài liệu số; các phòng thực hành mô phỏng cho đào tạo thực hành, thí nghiệm”, thầy Chính thông tin.

Thực hành không thể chỉ qua mô phỏng hay chuyển giao sang một đơn vị thứ ba

Hình thức đào tạo từ xa tạo điều kiện thuận lợi cho người học không có điều kiện học tập tại trường chủ động thời gian. Tuy nhiên, với các ngành kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng thực hành cao cần có sự tương tác trực tiếp giữa người học và giảng viên. Nhưng nếu học theo hình thức từ xa người dạy và người học gần như không có sự tương tác trực tiếp nào. Điều đó cũng khiến dư luận băn khoăn liệu người học khi hoàn thành chương trình có thực hành được hay không?

Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống bày tỏ sự lo ngại đối với chương trình đào tạo từ xa ngành kỹ thuật chỉ có các tín chỉ thực hành khi sinh viên đi thực tập, làm đồ án, phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp. Theo thầy Tống, nếu chỉ thực hành theo cách này thì đây là một chương trình không đạt tiêu chuẩn.

“Không thể thay thế việc thực hành trực tiếp bằng các phần mềm mô phỏng hay dựa vào các doanh nghiệp hỗ trợ thực tập. Trong chương trình đào tạo, cần thiết phải có những buổi học tại trường hoặc tại các cơ sở, trung tâm thực hành để sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với máy móc, trang thiết bị và có sự hướng dẫn trực tiếp từ giảng viên.

Việc học cần có trải nghiệm thực tế, thực hành và áp dụng ngay khi học xong lý thuyết. Tín chỉ thực tập chỉ chiếm một phần nhỏ trong chương trình học, đối với ngành kỹ thuật, phải thực hành thực tế trong từng môn học để bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề và va chạm thực tiễn.

Nhà trường cần có trách nhiệm quản lý và giám sát chặt chẽ, đồng thời xây dựng một chương trình học hiệu quả. Việc ưu tiên lý thuyết mà thiếu đi phần thực hành là không thể chấp nhận được, vì điều đó sẽ dẫn đến hậu quả là đào tạo ra những cá nhân thiếu năng lực.

Ngoài ra, về vấn đề thi cử, việc tổ chức thi trực tuyến 100% dễ tạo điều kiện cho gian lận. Theo quan điểm của tôi, kỳ thi nên được tổ chức trực tiếp tại trường hoặc một địa điểm do nhà trường lựa chọn để dễ dàng kiểm tra và giám sát.

Đặc biệt, đối với các ngành kỹ thuật, cần phải thi trực tiếp để đánh giá chính xác kỹ năng thực hành và tay nghề của sinh viên, đảm bảo họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu ra”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

 Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. (Ảnh: vlu.edu.vn)

Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. (Ảnh: vlu.edu.vn)

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng hình thức đào tạo từ xa đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển của công nghệ nhưng sự tương tác trực tiếp của người học với phòng thực hành, thí nghiệm chắc chắn vẫn phải tồn tại.

Theo thầy Nghĩa, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế chương trình đào tạo và xây dựng lộ trình học tập phù hợp. Một số nội dung thực hành thí nghiệm có thể được thực hiện thông qua phần mềm thí nghiệm ảo hoặc mô phỏng. Nhưng ngoài ra, có một số môn học đòi hỏi sinh viên phải được tiếp cận trực tiếp với máy móc và thiết bị thực tế, không thể thay thế bằng phần mềm mô phỏng hay hình ảnh minh họa. Ví dụ điển hình là các ngành Công nghệ ô tô, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và nhiều ngành kỹ thuật khác.

Các cơ sở giáo dục đào tạo những ngành này theo hình thức đào tạo từ xa cần xem xét lại và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về yếu tố thực hành của sinh viên để đảm bảo chất lượng đầu ra.

 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thực hành trực tiếp trên các thiết bị, máy móc tại nhà trường. (Ảnh: Website trường)

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thực hành trực tiếp trên các thiết bị, máy móc tại nhà trường. (Ảnh: Website trường)

Việc thực hành đối với sinh viên ngành kỹ thuật cũng tương tự như sinh viên y khoa phải trải qua giai đoạn "tiền lâm sàng" trước khi bước vào thực hành lâm sàng thực tế. Dù là thực hành trên phần mềm ảo hay trực tiếp, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên đạt được chuẩn đầu ra cần thiết khi tốt nghiệp.

Đồng thời, phải dựa trên kết quả đánh giá, kiểm tra, kiểm định của các cơ quan chức năng mới kết luận được một chương trình đào tạo từ xa ngành kỹ thuật có đủ đảm bảo yêu cầu hay không. Nếu thực tế triển khai chương trình đào tạo từ xa cho ngành kỹ thuật mà thiếu nhiều tín chỉ liên quan tới việc thực hành, thí nghiệm, có tính yêu cầu thực tế bắt buộc thì người học chương trình đào tạo từ xa sẽ không thể đạt chuẩn đầu ra tương đương như người học chương trình chính quy.

Cần giám sát chặt chẽ các chương trình đào tạo từ xa

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nếu đào tạo nhóm ngành kỹ thuật theo hình thức từ xa trở nên phổ biến trong tương lai, việc thực hiện đánh giá và giám sát chặt chẽ các chương trình đào tạo từ xa theo quy định của Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT là rất quan trọng.

“Các điều kiện, yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo từ xa đã được nêu rõ và đầy đủ trong Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học mở hệ đào tạo từ xa buộc phải tuân theo những quy định đã được đề ra. Đặc biệt là quy định về việc trường đại học chỉ thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 03 khóa liên tục theo hình thức chính quy.

Đối với ngành kỹ thuật, nếu mở chương trình đào tạo từ xa thì buộc chương trình đào tạo ấy cũng phải được áp dụng cho hình thức đào tạo chính quy ngành đào tạo tương ứng.

Nhà nước cần triển khai đánh giá và giám sát chặt chẽ các chương trình đào tạo từ xa theo quy định của Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT để đảm bảo chất lượng của hệ đào tạo từ xa tương đương với hệ chính quy, đặc biệt đối với ngành kỹ thuật yêu cầu cao về kỹ năng thực hành”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhận định.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nhà trường cần lấy chương trình đào tạo hệ đại học chính quy của ngành học tương ứng làm thước đo để so sánh với chương trình hệ đào tạo từ xa.

Theo thầy Tống, lý thuyết có thể được tiếp thu thông qua các hình thức học trực tuyến nhưng đối với các kiến thức thực hành, bắt buộc phải học trực tiếp. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo việc giám sát và quản lý chặt chẽ vấn đề này, tránh tình trạng các chương trình đào tạo kỹ thuật tập trung quá nhiều vào lý thuyết mà thiếu đi kỹ năng thực hành. Điều đó sẽ dẫn đến việc tạo ra những người có bằng cấp nhưng thiếu năng lực thực tế, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thực hành trực tiếp trên các thiết bị, máy móc tại nhà trường. (Ảnh: Website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thực hành trực tiếp trên các thiết bị, máy móc tại nhà trường. (Ảnh: Website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Danh Chính khẳng định, để nâng cao chất lượng và tính thực tế trong việc đào tạo từ xa cho các ngành kỹ thuật, mỗi cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hoàn thiện đầy đủ hệ thống đào tạo từ xa.

Hệ thống này bao gồm: bộ phận phụ trách tổ chức và quản lý đào tạo; các văn bản quy định liên quan đến đào tạo từ xa; chương trình học phù hợp; tài liệu học tập; đội ngũ giảng viên và cán bộ hỗ trợ; hệ thống quản lý việc dạy và học; hệ thống kiểm tra, đánh giá cũng như các phương tiện kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ quá trình học tập.

Mặt khác, Nhà nước cần hoàn thiện quy chế đào tạo từ xa theo hướng tăng cường phân cấp và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo; quy định cụ thể việc thực hiện các học phần thực hành, thí nghiệm trong chương trình đào tạo từ xa. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường hậu kiểm các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa của các cơ sở đào tạo.

Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-tu-xa-nganh-ky-thuat-chi-thuc-hanh-qua-ky-thuc-tap-thi-khong-dat-chuan-post245283.gd