Đào tạo VĐV trẻ năm 2023: Nâng cao đào tạo, tuyển chọn, tạo nền tảng cho các mục tiêu xa
Theo kế hoạch, trong năm 2023, ngành thể thao Việt Nam sẽ tập trung khoảng 1.413 VĐV cho các đội tuyển trẻ quốc gia.
Để đánh giá trình độ phát triển nền thể thao của mỗi quốc gia, bên cạnh thành tích, kỷ lục, cơ sở vật chất hay những sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức đăng cai...lực lượng tài năng trẻ cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng. Đây chính là nguồn vận động viên tiềm năng cung cấp sức mạnh thể thao cho mỗi quốc gia trong tương lai.
Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo tài năng trẻ của ngành thể thao Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng được quan tâm và chú trọng thực hiện theo hướng đồng nhất ở tất cả các cấp. Dưới sự quan tâm, theo dõi, chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trẻ, vận động viên năng khiếu và việc phong cấp cho VĐV, HLV đã được củng cố, tạo tiền đề cho các thành tích trên đấu trường quốc tế.
Gần nhất, trong năm 2022 tại SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với số huy chương vượt trội gồm 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ. Ngoài ra, hai tấm HCV bóng đá nam, bóng đá nữ tại SEA Games 31 cũng thuộc về các đội tuyển Việt Nam. Thành tích đạt được của ngành thể thao Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của các lứa VĐV trẻ được đào tạo bài bàn.
Nhằm tiếp tục duy trì công tác đào tạo trẻ, trong năm 2023, Vụ Thể thao thành tích cao I và II của Tổng cục TDTT đã lên kế hoạch và tham mưu các cấp lãnh đạo về việc "Tăng cường công tác đào tạo vận động viên trẻ chuẩn bị cho ASIAD 2026, Olympic 2028 và các đại hội thể thao trong tương lai".
Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) cho biết: "Ngay từ đầu năm 2023 Vụ Thể thao thành tích cao 1, 2 đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục thể dục thể thao về công tác đào tạo VĐV trẻ như sau. Trong đó, thành lập Hội đồng tuyển chọn, tập trung chủ yếu vào 2 độ tuổi trung bình từ 15 đến 18 tuổi và 12 đến 17 tuổi ở các môn thể dục. Dự kiến 2 Vụ sẽ tập trung đội tuyển trẻ quốc gia khoảng 1.413 VĐV, 301 HLV và 5 chuyên gia, tại 5 địa điểm tập huấn. Thời gian tập huấn đủ 365 ngày từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2023. Như vậy, việc đào tạo được liên thông cả năm và liên tục".
Cụ thể, sẽ có 444 vận động viên, 103 HLV, 2 chuyên gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; 246 VĐV, 47 HLV, 1 chuyên gia tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 284 VĐV, 57 HLV, 1 chuyên gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng; 235 VĐV, 52 HLV, 1 chuyên gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ và 204 VĐV, 42 HLV tập trung tại Đại học TDTT Bắc Ninh.
Theo dự kiến của cả 2 Vụ, trong năm 2023, các VĐV trẻ sẽ được thi đấu, cọ xát khoảng 60 giải trẻ quốc gia cùng khoảng 50 giải trẻ Đông Nam Á, Châu Á và Thế giới.
"Những giải đấu này nhằm giúp VĐV có điều kiện cọ xát, nâng cao trình độ, thành tích đồng thời kiểm tra đánh giá công tác huấn luyện nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch huấn luyện" - ông Hoàng Quốc Vinh cho biết.
Bên cạnh đó, căn cứ vào đề án 223 đã được Chính phủ phê duyệt, 2 Vụ đã lựa chọn 16 môn gồm: Điền kinh, Bóng đá, Bơi, Cử tạ, Thể dục, Bắn cung, Đua thuyền, Cầu lông, nhóm các môn võ gồm Boxing, Wushu, Karate, Silat, Teakwondo, Vật, Kiếm, Judo, được đầu tư đặc biệt cho khoảng 16 VĐV ở mỗi môn.
Riêng môn Bóng đá được đầu tư đặc biệt về số lượng khoảng 40 VĐV và chú trọng vào nữ trẻ... Theo kế hoạch này, các VĐV sẽ được tập huấn nước ngoài, thi đấu nhiều giải quốc tế và ưu tiên thuê chuyên gia có trình độ cao, đặc biệt là các môn có khả năng tranh chấp huy chương.
Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương
Ông Vinh cho biết thêm, hiện nay tại 63 tỉnh thành phố và 2 ngành Công an, Quân đội đều có các các trung tâm huấn luyện, đào tạo VĐV, ngoài ra, tại một vài địa phương còn mô hình trường năng khiếu thể thao... Có thể nói đây là nguồn cung cấp tài năng thể thao trẻ dồi dào cho Quốc gia.
"Để phát huy thế mạnh của từng địa phương, 2 Vụ đã phối hợp các trung tâm đặt hàng, đưa các đội tuyển trẻ Quốc gia tập tại đây như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Dương, Đà Nẵng và các trung tâm bóng đá trẻ như Hoàng Anh Gia lai...Việc gắn kết này sẽ tạo được động lực phát huy tối đa hiệu quả về cơ sở vật chất của các địa phương..." - ông Vinh chia sẻ.
Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, Vụ TTTTC I cùng nhấn mạnh, môi trường học văn hóa và gia đình là 2 yếu tố thách thức lớn nhất đối với việc đào tạo VĐV trẻ và giữ được các tài năng trẻ.
Hầu hết VĐV ở lứa tuổi từ 12 đến 18 tuổi đã bắt đầu định hình công việc và lựa chọn việc học nghề cho tương lai... do vậy cha, mẹ và gia đình là yếu tố hết sức quan trọng trong việc có cho con em theo thể thao hay không.
"Rất nhiều VĐV trẻ tài năng, tiềm năng nhưng không theo thể thao vì gia đình quyết định theo nghề khác... Trong công tác này chúng ta cần có sự gắn kết chặt chẽ với phụ huynh các VĐV, tuyên truyền, thuyết phục để gia đình ủng hộ và đồng hành cùng việc tập luyện và theo đuổi ước mơ thể thao. Một khó khăn nữa đó là việc ngoài thời gian tập luyện cả ngày các VĐV trẻ còn phải học văn hóa và hoàn thiện chương trình văn hóa theo quy định. Do vậy, việc phối hợp với các trường phổ thông và ngành giáo dục là rất quan trọng...để giải quyết việc này hàng năm 2 vụ đã phối hợp các trung tâm và trường sắp xếp kế hoạch học tập, thi cho các VĐV trẻ phù hợp" - ông Hoàng Quốc Vinh cho biết.