Đào tuyết tình hòa Mẫu Sơn
Con xe chúng tôi mò mẫm đi theo con đường mờ mịt trong mây sương để lên đỉnh núi Mẫu Sơn. Một buổi sớm không hoàn hảo như chúng tôi nghĩ. Mặc dù những tia nắng đã lấp ló trên cao nhưng nẻo đường lưng núi vẫn mịt mờ trong những vòm mây vắt ngang đường. Những tay máy đi săn ảnh mây rất sớm réo gọi chúng tôi từ trên đỉnh núi. Họ giục nếu không nhanh sẽ mất cơ hội vàng trên thiên đường hoa đào rực rỡ.
Điệp trùng cõi mộng đào
Khi lên tới độ cao chừng 800 mét chúng tôi đã phải dừng xe vì nắng bắt đầu hừng trên những sườn núi đầy hoa đỏ thắm. Mọi người không còn biết lạnh là gì vội vã tìm chỗ đứng để chụp ảnh. Quả đúng như các bạn tôi nói, Mẫu Sơn chính là thiên đường hoa đào. Dẫy núi khổng lồ này trải dài cả hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình của Lạng Sơn. Gần trăm ngọn núi điệp trùng xa tít tắp chân trời. Hoa và hoa hút tầm mắt sau những ngày đông giá.
Toàn bộ dẫy núi Mẫu Sơn rộng tới 700km vuông có hàng trăm khe suối và thác ghềnh đổ nước về sông Kỳ Cùng. Đó là nguồn nước ngọt chảy qua thành phố Lạng Sơn tạo nên khu đất rừng trù phú xanh tươi. Câu ca xưa vẫn còn ghi dấu ấn cho một thuở tinh khôi: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/ Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em".
Sau đó chúng tôi gặp được nghệ nhân Nguyễn Gia Mến (xã Công Sơn), người có công thồ những gốc đào rừng về nhân giống tại vườn nhà. Chúng tôi bị ngập chìm trong thung lũng đào của nhà ông Mến. Hoa đào rừng tỏa hương thơm thoang thoảng dịu dàng. Chính vì thế trong các nhà khách trên khu du lịch Mẫu Sơn đã cho hái lõi nhụy hoa thả xuống những bồn nước tắm thuốc để thấm hương đào. Có người tắm xong thoảng thoảng thơm suốt cả ngày trời. Những cánh đào chuông trong vườn đỏ rực rủ xuống thành chùm như đang reo lên những âm thanh bồng bềnh trên lưng đèo. Hoa đào Mẫu Sơn thấm đẫm yếu tố tâm linh và phong thủy bao đời nay.
Nghệ nhân Nguyễn Gia Mến kể rằng hoa đào Mẫu Sơn hơn hẳn giống các vùng núi khác ở độ sắc thắm và chắc bông. Giữa những cơn mưa gió ào ạt tràn từ đỉnh núi xuống nhưng không hề rụng cánh. Hương tỏa ngát suốt đêm. Riêng giống đào quả thì không đâu có được vì độ lớn và ngọt như đường. Quả đào ở đây to, thơm, vỏ phơn phớt hồng như gò má bồ quân của các cô gái dậy thì. Mỗi quả đều mang dáng dấp của một bông hoa mang hình trái tim. Người Lạng Sơn đều gọi đó là trái đào tiên là vì vậy.
Nhìn những bạn trẻ đang chạy ào xuống rừng đào tâm hồn tôi bỗng trẻ lại. Họ chơi trò trốn tìm trong vườn cây. Hoa đã che chở họ. Các bạn trẻ cười vui và còn tìm cách nấp sau những cành tuyết chưa kịp tan. Đó là những cành hoa có vỏ đanh lại cứng cáp gọi là đào đá. Hoa tỏa hương thơm hơn cả vì ứ nhựa nảy mầm.
Từ trong lán nghỉ giai điệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên dập dìu bay trong gió lạnh. Nghe lời ca như mơ vậy: "Ôi màu hoa đào, màu hoa đào, chiều xuân nào/ Ôi màu hoa đào như môi hồng người mình yêu/ Ôi màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa/ Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du…" (Ai lên xứ hoa đào). Thì ra bài hát không chỉ dành cho vùng hoa Đà Lạt. Bởi ở nơi đây còn hàng trăm rừng hoa đào cổ đã tích tụ hàng trăm năm. Màu hoa Mẫu Sơn còn thấm đẫm nước mắt và máu của một cuộc bi tình sử về câu chuyện núi Mẹ và núi Cha. Nghệ nhân Nguyễn Gia Mến bùi ngùi kể lại cho chúng tôi nghe cùng suối ngàn chảy róc rách trên núi cao.
Hồn hoang hoa thắm cuộc tình
Chuyển kể rằng, xưa thật là xưa có đôi vợ chồng người Dao yêu nhau thắm thiết. Rừng xanh, núi cao và suối ngàn cùng chim reo vang ngợi ca cuộc tình này. Khi hai người sinh được một con trai thì cả rừng hoa đào bừng nở. Hương thơm ngào ngạt và thác vui hòa reo cùng gió bay trong mùa xuân ấm áp. Người chồng luôn ra sức chống chọi với hùm beo hay gió bão để bảo vệ cuộc sống của vợ con. Người vợ trẻ có gương mặt phúc hậu và đôi mắt long lanh như suối ngàn. Cô có giọng hát ru con làm mê hồn cả muông thú rừng xanh. Lời ru ngọt ngào trong sương bay: "Hoa đào nở hết. Anh giờ nơi đâu/ Em chờ anh mãi. Đợi đến mùa sau/ Nụ đào chúm chím. Ủ sắc nhiệm màu/ Hồn em trong suốt. Thơm hương tình yêu". Ánh trăng ngủ vùi trong sương mây. Hạnh phúc tròn đầy.
Ai dè một lần nọ quan quân cho người lên núi lệnh cho người chồng phải ra chiến trận vì giặc đã tràn vào bờ cõi. Anh ngậm ngùi tạm biệt vợ con lên đường và hẹn ngày trở về sau chiến thắng. Không ngờ ở trong thôn có một tên nhà giầu muốn chiếm đoạt người đàn bà "một con trông mòn con mắt" này. Hắn mơ một đêm trăng sao sẽ ôm ấp cô gái với đôi má hồng phơn phớt như bông hoa bên suối vắng.
Có lần hắn xông vào nhà vồ vập và hòng chiếm đoạt thân xác cô ta. Người vợ vội ôm con thề sẽ nhảy xuống vực chứ không chịu bị làm nhục. Hết lần nọ đến lần kia hắn không thể làm gì được cô ta đâm ra thù oán căm hận trong lòng. Hắn thề sẽ hãm hại cô nàng. Năm sau người chồng trở về đúng như đã hẹn. Giặc tan xóm làng bình yên. Hạnh phúc ngỡ như trở lại như ngày ban đầu bên suối hoa. Nhưng tên nhà giầu kia đã bắn tin cho người chồng biết rằng cô vợ anh ta ở nhà đã ngủ với một tên đi săn khác ở dưới núi. Người đó tên là Chóp Chài. Mọi người trong thôn đều biết.
Hay tin người chồng vô cùng tức giận. Anh ta về nhà bất ngờ đánh vợ thừa sống thiếu chết. Vừa đánh anh ta vừa nhắc đến cái tên Chóp Chài. Người vợ thanh minh rằng đó chỉ là người đi săn ngủ nhờ qua đêm vì bão tố ập đến nên không thể xuống núi. Nhưng người chồng đâu có nghe vợ nói rõ mọi chuyện. Cho dù những người trong thôn đã tới can ngăn và minh chứng cho sự trong sáng của người vợ. Chóp Chài là một chàng thanh niên hiền lành chuyên làm điều tốt cho dân bản. Họ quả quyết Chóp Chài chỉ ngủ dưới bếp và có thần lửa làm chứng trong đêm đó. Nhưng khi ngọn lửa bếp tàn lụi, người chồng hoảng loạn tâm trí đã dùng dao giết vợ, trong tiếng khóc thảm thiết của con trẻ.
Khi hồi tỉnh sau cơn say điên rồ người chồng lần nhớ lại ký ức trong trẻo ngày đầu chia tay vợ lên đường đánh giặc. Anh bất ngờ nhớ lại vết son đã đánh dấu trên bụng vợ nên vội vã lật áo lên xem. Trời đất ơi! Nó vẫn còn đó. Dấu cánh hoa đào còn giữ được bao ngày tháng qua. Người chồng vật vã ôm mặt khóc rống lên như con thú hoang. Anh ta đã hiểu ra tội lỗi của mình nhưng hối không kịp nữa rồi. Cứ thế ròng rã trong ba năm ngồi khóc vợ và tự giận mình muốn chết.
Hết tang ba năm anh vẫn khóc thương nhớ vợ không sao giải thoát được tội lỗi của mình. Hồn vợ thấy đáng thương quá nên đã tâu với Ngọc Hoàng trên trời tha lỗi cho chồng mình. Nhưng cuối cùng người chồng vẫn quyết nhận lấy cái chết để được nằm bên vợ mãi mãi. Ngọc Hoàng thấy vậy hóa kiếp cho vợ chồng họ thành hai ngọn núi (núi Cha và núi Mẹ) cùng con cháu cả thảy 80 ngọn núi thấp chạy dài liên tiếp kề bên nhau tạo thành dẫy Mẫu Sơn hùng vĩ.
Men rượu thác reo
Khu du lịch Mẫu Sơn được phát triển trên cơ sở nằm trên hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng được dựng từ thời Pháp thuộc. Chúng tôi có dịp vào thăm mấy người làm việc ở trạm khí tượng thủy văn ngay trên đỉnh núi Cháu. Kỹ sư Hùng chỉ về hướng ngọn núi cao nhất (1541 mét) gọi là núi Cha (hoặc còn gọi là Phía Pò). Ở khu vực đó những nhà khảo cổ đã tìm ra những di vật của một cổ thành ngàn năm trước. Đây là một di chỉ khá bí ẩn cần được khám phá trong tương lai.
Kỹ sư Hùng còn cho biết liền kề bên cạnh là núi Mẹ (cao 1520 mét) là một thung lũng đào rừng cổ kết hoa quanh năm. Những nguồn nước suối được chắt lọc từ đây đã cất lên cùng gạo nếp và men lá thành rượu Mẫu Sơn có vị ngọt sánh mướt đầu môi. Còn thác nguồn trên núi Cha đã ủ hương men tình yêu dồn vào những trái đào tiên giòn thơm có một không hai trên cõi đời này. Đó là vẻ đẹp bất tử với thời gian về tình yêu của non sơn gấm vóc Mẫu Sơn.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/dao-tuyet-tinh-hoa-mau-son-i682414/