Đạo và đời hòa nhịp vì một Việt Nam thịnh vượng phát triển

Sự kiện Đại lễ Phật đản - Vesak Liên Hợp quốc 2025 diễn ra tại Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Hai dòng chảy - tôn giáo và lịch sử - đã gặp nhau trong một khoảnh khắc thiêng liêng, nơi ánh sáng giác ngộ của Đức Phật giao hòa cùng ánh sáng của hòa bình, thống nhất và khát vọng phát triển của dân tộc. Mùa Vesak năm nay không chỉ là dịp trọng đại của Phật giáo, mà còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa đạo lý muôn đời và lý tưởng phụng sự con người hôm nay.

Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: M.H.

Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: M.H.

Phật đản - Hào quang giác ngộ trong dòng chảy dựng nước và giữ nước

Hơn 26 thế kỷ trước, tại vườn Lâm Tỳ Ni thanh tịnh, Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh - mở đầu cho hành trình giác ngộ, đem lại ánh sáng từ bi và trí tuệ cho nhân loại. Ngài đến với thế gian không để áp đặt niềm tin, mà để chỉ ra con đường thoát khổ, con đường sống tỉnh thức - tự mỗi người phải tự mình bước tới.

Năm nay, khi Đại lễ Vesak trở lại Việt Nam - lần thứ tư dưới mái nhà chung của hòa bình và lòng hiếu khách - không gian thiêng liêng ấy càng trở nên đặc biệt hơn khi trùng hợp với dịp cả nước kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Hai sự kiện lớn - một mang tầm vóc tâm linh toàn cầu, một là dấu mốc lịch sử dân tộc - đã cùng hòa nhịp, làm dày thêm chiều sâu văn hóa, đạo đức và tinh thần thời đại.

Trong khung cảnh ấy, ánh sáng Phật pháp không chỉ hiện hữu trong lời kinh tiếng kệ, mà còn lan tỏa trong từng nếp sống, cách ứng xử và trong cả đường hướng phát triển đất nước. Hai ngọn lửa - ngọn lửa giác ngộ từ Lâm Tỳ Ni và ngọn lửa hòa bình 30/4 lịch sử - đã cùng thắp sáng một hành trình: hành trình của một Việt Nam độc lập, nhân ái, văn minh và đầy khát vọng vươn lên.

Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Xá lợi tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Xá lợi tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Vesak 2025 còn là cột mốc ghi nhận những dấu ấn thiêng liêng: lần đầu tiên, Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - quốc bảo của Ấn Độ - được cung nghinh và tôn trí tại Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng triệu người dân được chiêm bái trong không khí trang nghiêm và thành kính. Cùng với đó, Xá lợi tim bất hoại của Bồ Tát Thích Quảng Đức - biểu tượng vĩnh hằng của tinh thần từ bi và xả thân vì đạo pháp và dân tộc - được an vị vĩnh viễn tại Tháp Đa Bảo, trở thành ngọn lửa tâm linh bất diệt giữa lòng thời đại.

Hai xá lợi - một là chứng tích của bậc Giác ngộ khai mở con đường tỉnh thức, một là trái tim thiêng liêng của vị Bồ Tát sống giữa đời thường – đã giao hòa nơi đất Việt, tạo nên sự gắn kết sâu sắc giữa đạo và đời, giữa chân lý vượt thời gian và nghĩa tình đậm hồn dân tộc.

Tại Đại lễ Vesak 2025, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: “Trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt”. Theo Chủ tịch nước, những giá trị từ bi, hòa hợp, hướng thiện của Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, góp phần bồi đắp bản sắc văn hóa và đạo lý Việt Nam, nhất là trong công cuộc xây dựng con người - nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Cũng với tinh thần bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống ấm no, an cư, lạc nghiệp, hướng tới một xã hội tiến bộ, nhân văn và bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên toàn quốc. Tại cuộc làm việc với các địa phương ngày 11/5, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành chương trình trước ngày 31/10/2025 - sớm hơn kế hoạch hai tháng - và nhấn mạnh: “Dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát; chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Hai phát biểu - một trong không gian tâm linh, một giữa hành lang điều hành quốc kế dân sinh - đều gặp nhau ở một điểm chung cốt lõi: lấy nhân dân làm gốc, lấy sự ấm no, hạnh phúc của con người làm đích đến. Không hô hào, không phô trương, nhưng đó chính là biểu hiện sinh động cho sự hòa quyện giữa những giá trị đạo lý truyền thống và hành động vì cộng đồng trong thời đại mới. Vesak 2025 vì thế không đơn thuần là một mùa lễ hội tôn giáo. Đó là nhịp kết nối giữa tâm linh và lý tưởng sống đẹp, là sự đồng điệu giữa ánh đạo và hành trình phụng sự đất nước. Là nơi mà đạo gặp đời, niềm tin gặp trách nhiệm, và yêu thương gặp hành động. Là sự gặp gỡ thiêng liêng giữa giá trị vĩnh cửu và tinh thần đổi mới hôm nay.

Tượng Đức Phật đản sanh đặt tại Tu Di tòa.

Tượng Đức Phật đản sanh đặt tại Tu Di tòa.

Và trong những ngày cả nước hân hoan đón mừng Phật đản, khi từng đóa sen đang bung nở bên dòng sông lịch sử, từng tiếng chuông ngân vang giữa phố thị bình yên, mỗi người lại lặng lẽ soi chiếu chính mình - để sống tử tế hơn, sâu sắc hơn và cống hiến nhiều hơn cho gia đình, cộng đồng và Tổ quốc.

Phật đản không chỉ là ngày tưởng nhớ một bậc vĩ nhân ra đời - mà là dịp để mỗi người khơi dậy hạt mầm tỉnh thức trong nội tâm. Và từ hạt mầm ấy, một mùa xuân của đạo lý, yêu thương và trách nhiệm sẽ đơm hoa - vì một Việt Nam hòa bình, nhân ái và trường tồn.

Hồ Khánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dao-va-doi-hoa-nhip-vi-mot-viet-nam-thinh-vuong-phat-trien.701838.html