Đào Xuân Du 'thay áo' chuẩn bị đón Tết

Những ngày này, người trồng đào tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh lại tất bật với công đoạn tuốt lá, chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Video: Đào Xuân Du “thay áo” chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần.

Là một trong những vùng trồng đào nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, đào Xuân Du vẫn giữ được nét truyền thống từ bao đời nay. Hoa đào Xuân Du đã trở thành một thương hiệu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về

Từ giữa tháng 11 (âm lịch), người dân trồng đào xã Xuân Du đã tất bật với công đoạn tuốt lá, tỉa cành. Đây được coi như công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho đào ra hoa. Giai đoạn này yêu cầu người trồng cần tính toán kĩ lưỡng bởi chỉ cần tuốt lá sớm hay muộn quá đều ảnh hưởng đến chất lượng cây đào.

Để có được những cây đào đẹp đón xuân, người trồng đào phải chăm sóc công phu. Việc tuốt lá được coi là một trong những khâu quan trọng nhất, quyết định vụ đào có mang lại lợi nhuận cho người dân hay không.

Anh Bùi Văn Duy (thôn 6, Xã Xuân Du) cho biết: “Nhà tôi trồng được 2.000 gốc đào phụ vụ tết, thời tiết năm nay thuận lợi cho cây đào phát triển. Thông thường, khoảng giữa tháng 11 âm lịch, người trồng đào bắt đầu thực hiện công đoạn tuốt lá”.

Theo anh Duy, việc quan sát thời tiết có vai trò rất quan trọng trong việc xác định thời điểm tuốt lá cho đào. Mỗi người trồng đào sẽ có kinh nghiệm riêng để nhận biết thời điểm thích hợp nhất cho việc tuốt lá hay để đào tự xuống lá. Vì thế, bên cạnh những vườn đào đã được tuốt sạch lá chờ ra hoa thì cũng có những vườn vẫn còn nguyên lá trên cây.

Các công đoạn tuốt lá được thực hiện hoàn toàn theo phương pháp thủ công.

Việc tuốt lá đào phải được thực hiện đúng thời gian để đào có thể ra được mắt và nuôi dưỡng mắt đào, cho ra những nụ hoa to, đẹp và đều đúng dịp Tết.

Theo những người trồng đào lâu năm, công đoạn tuốt lá đào đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Tuốt lá để không gây hại đến các mắt hoa, bởi đây là những nụ hoa chuẩn bị nở. Nếu chưa thành thạo, cần tuốt từng lá đào, không nên tuốt lá thẳng từ đọt xuống, nếu không sẽ ảnh hưởng đến các mầm nụ.

Anh Quách Văn Tiến (Thôn 6, xã Xuân Du) cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 1.500 gốc đào, năm nay dự tính bán ra thị trường tết năm nay trên 1.000 gốc. Tùy từng giống đào mà thời gian tuốt lá, nuôi mắt khác nhau. Tôi thường thuê những người làm lâu năm, đã quen với nghề để đảm bảo công việc vừa nhanh vừa hiệu quả”.

“Xuân Du được biết đến là “thủ phủ” đào phai ở xứ Thanh. Vào dịp giáp Tết, nơi đây nhộn nhịp người đến mua đào. Tính đến thời điểm hiện tại có thể xem đào năm nay sẽ được mùa và đã có một số thương lái đến xem và đặt trước những gốc đào ưng ý”. Anh Tiến cho biết thêm.

Sở dĩ đào phai thu hút người chơi là do hoa có màu hồng nhạt mang vẻ đẹp thuần khiết, cộng với thân cành được người trồng tạo thành nhiều thế độc, lạ trông mộc mạc và hấp dẫn. Hiện tại ở Xuân Du đã có một số cây đào cho hoa sớm, những cây này sẽ được nông dân vào dịp tết dương lịch cho người chơi hoa.

Những cây đào ở Xuân Du khỏe khoắn, đặc biệt nụ hoa to, cánh đẹp, lâu tàn, màu sắc bắt mắt, chồi lá xanh biếc, vì thế mà hoa đào Xuân Du luôn được khách hàng ưu thích mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh cho biết: “Xã hiện có khoảng 290 ha diện tích đất trồng đào. Ủy ban xã đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị mở hội chợ đào nếu đảm bảo an toàn về dịch bệnh COVID-19, năm nay theo đánh giá thời tiết thuận lợi để cây đào phát triển tốt, nếu không bị ảnh hưởng của dịch bệnh ước tính tổng thu nhập từ cây đào toàn xã đạt khoảng 45 tỷ đổng”.

Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dao-xuan-du-thay-ao-chuan-bi-don-tet/22205.htm