Đáp án cho ngàn câu hỏi 'vì sao'

Mấy hôm nay, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin và đặt nhiều câu hỏi vì sao?

Khi lợi nhuận cao, nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng thực hiện hành vi phạm pháp

Khi lợi nhuận cao, nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng thực hiện hành vi phạm pháp

Ví như: “Vì sao công an địa phương không phát hiện các vụ Nhật Cường, Trịnh Sướng?”, “Vì sao khách hàng liên tục tố Công ty Alibaba lừa đảo mà vẫn không xử lý?”, “Vì sao nhiều nạn nhân gửi đơn tố Công ty Angel Lina vẽ dự án ma chiếm đoạt tài sản khách hàng mà vẫn tồn tại?”, “Vì sao có những sai phạm nghiêm trọng như ở dự án Thủ Thiêm?”, “Vì sao có Khải Silk, Asanzo “hồn China da hàng Việt?”...

Đỉnh điểm là câu nói của Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Nguyễn Thái Luyện từ một clip lan truyền trên mạng: “Tôi hỏi anh chị là học cái gì để ra làm công an xã, học cái gì, học ngu ra làm công an xã. Các anh chị để ý mấy thằng quậy phá làng, phá xóm không làm cái gì thì kêu vô làm công an xã. Học cái gì ra làm chủ tịch xã, học làm côn đồ.

Mấy người làm công an xã, chủ tịch xã thì chạy chọt rồi lên vị trí, không học hành, không trình độ gì hết”.

Mặc dù ông Luyện đã xin lỗi và ông ta có thể đối mặt với những cáo buộc về luật pháp, nhưng từ đó cũng đặt ra một vấn đề: Các cán bộ trực tiếp quản lý ở cơ sở, sát dân nhất ở đâu trong các vụ việc trên?

Ai cũng biết, trong đời sống thường nhật, nếu có ai đó đổ một đống cát trong hẻm tràn ra, đập cái bếp để sửa, đậu xe không đúng… đều không qua được mắt các đơn vị chức năng, họ lập tức có mặt và xử phạt.

Một nhà hàng chưa kịp khám sức khỏe cho nhân viên phục vụ cũng lập tức bị hỏi thăm, mua vài thứ hàng hóa không có hóa đơn cũng bị xử phạt, huống gì Nhật Cường, Trịnh Sướng, Alibaba, Asanzo khủng như thế, liên quan đến nhiều người như thế?

Không phải suy đoán nhưng chắc chắn không thể không biết. Dự án lấy đất của dân mình, hàng hóa mình vinh danh hàng Việt Nam chất lượng cao, xăng dầu hàng vạn người dùng… sao không biết được, nhỉ?

Vấn đề là biết mà tại sao không có biện pháp, trong chức năng nhiệm vụ của mình để phát hiện, ngăn chặn và nếu quá thẩm quyền thì báo cáo lên cấp trên?

Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Nguyễn Thái Luyện miệt thị công an, cán bộ xã là “côn đồ, chạy chọt để lên”, nói chung là ít học mà vi phạm thế nhưng đâu chỉ có cán bộ chính quyền cấp nhỏ bé như xã phường, ở những cấp cao hơn vẫn để xảy ra những sai phạm lớn như hàng loạt kết luận Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra gần đây liên quan những người vướng sai phạm hầu hết là cử nhân, tiến sĩ. Họ đâu phải phạm sai lầm vì ít học.

Còn các CEO cỡ Nhật Cường, Trịnh Sướng, Nguyễn Thái Luyện Alibaba, Shark Tam Asanzo, Khải Silk… dù học cao hay ít học thì đều là người có năng khiếu kinh doanh và đã từng tự xây dựng được thương hiệu, giàu có. Họ từng “chém gió” cho triệu người nghe về lập thân, lập nghiệp, về đạo đức kinh doanh… Vì sao họ không tự nhìn lại mình mà hơn thế, còn lún sâu vào con đường dối trá?

Những câu hỏi đặt ra trên đây, để tìm lời giải đáp thì thật là vô cùng, nhưng có một đáp án chung là vì lợi ích cá nhân, nói cụ thể hơn là vì tiền. Vì tiền mà bất chấp thì rốt cục mục đích cuộc đời là gì?

Karl Marx nói, khi lợi nhuận lên 300% thì tư bản sẵn sàng thực hiện bằng mọi giá, thậm chí phải chui vào giá treo cổ cũng không sợ, bài học ai cũng đã được học, nhưng tôi tự hỏi làm ra tiền bằng mọi giá như những doanh nghiệp kia để làm gì, khi ở cuối con đường là cái “giá treo cổ” ?

Thật lạ lùng!

Nguyễn Thế Thịnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dap-an-cho-ngan-cau-hoi-vi-sao-d425542.html