Đáp án của đề thi kiểm tra năng lực Ngữ văn thay đổi thế nào?
Đáp án đề thi, kiểm tra Ngữ văn thay đổi thế nào khi việc đánh giá kết quả dạy học môn này chuyển từ đánh giá nội dung sang đánh giá năng lực.
Khác biệt đáp án của đề thi đánh giá năng lực và đề đánh giá nội dung
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, một khi đề thi chuyển sang đánh giá năng lực thì đáp án cho đề thi ấy cũng cần thay đổi, khác với đáp án của đề đánh giá nội dung; cũng như ra đề mở cần có đáp án mở.
Đánh giá nội dung nhằm xác định học sinh có biết và nêu lên được những nội dung đã học hay không. Thực chất là nhắc lại những điều đã được học, đã nhớ và học thuộc.
Vì đề thi, kiểm tra nội dung thường chỉ yêu cầu viết về các văn bản - tác phẩm và các những gì đã học, đáp án của đề thi, kiểm tra loại này chỉ nêu lên nội dung mà học sinh cần làm được; nêu rất cụ thể, chi tiết các nội dung lớn nhỏ mà bài viết cần có (thực ra là theo yêu cầu của người ra đề); quy định điểm chi tiết cho từng ý lớn nhỏ phải có… Học sinh không nêu được đúng và đủ các ý như đáp án sẽ không được điểm cao…
Đáp án nội dung cũng có yêu cầu sáng tạo và hình thức diễn đạt trình bày, nhưng trong thực tế giáo viên chủ yếu chấm nội dung thể hiện qua các ý và số lượng (độ dài) của bài viết; ít khi chấm câu chữ, văn phong của bài viết…
Việc chấm điểm hình thức thường chỉ có khi gặp các bài làm chữ viết xấu, sai chính tả ngữ pháp trầm trọng, dễ thấy… còn những bài viết có cách diễn đạt, dùng từ, cách viết hay dễ bị bỏ qua… Đáp án nội dung dễ thấy hạn chế ở tính áp đặt, cứng nhắc...
Trong khi đó, đánh giá năng lực không chỉ nhằm xác định xem học sinh có hiểu và nêu được nội dung cụ thể của đề thi hay không mà còn biết người làm bài có hiểu và biết cách vận dụng những gì đã học để tạo ra sản phẩm (bài văn) không.
5 yêu cầu để tính điểm trong đáp án
Từ những phân tích trên, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đưa ra một số lưu ý khi nêu đáp án năng lực.
Một là, xác định được học sinh có nhận biết được dạng đề không, thể hiện thông qua việc xác định đúng kiểu bài viết, các phương thức biểu đạt cần vận dụng. Đó là kiểu bài nghị luận (xã hội hoặc văn học) hay tự sự, miêu tả, thuyết minh, biểu cảm? Phương thức biểu đạt chính là gì và có thể kết hợp các phương thức nào?
Hai là, xác định được học sinh có hiểu đề không, thông qua việc nêu vấn đề trọng tâm của bài viết; vấn đề cần trình bày, nêu lên, làm rõ là gì.
Ba là, học sinh có biết cách triển khai vấn đề trọng tâm đã xác định ở mở bài hay không. Đây chính là đánh giá khả năng vận dụng việc biết và hiểu ở trên để xây dựng được hệ thống ý cho bài viết.
Nội dung này, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nên trình bày 3 phần của bài văn với các ý lớn cần có theo hướng mở theo mô hình và cách nêu sau:
Mở bài: có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được vấn đề trọng tâm của đề văn.
Thân bài: có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần tập trung làm rõ được vấn đề trọng tâm đã nêu ở mở bài. Ví dụ: ý lớn 1 và các ý nhỏ làm rõ cho ý lớn 1; ý lớn 2 và các ý nhỏ làm rõ cho ý lớn 2; ý lớn 3 và các ý nhỏ làm rõ cho ý lớn 3…
Như thế không cần nêu quá chi tiết các nội dung cụ thể mà chú ý hơn cách nêu và triển khai ý của học sinh. Các ví dụ chỉ là một trong các cách có thể trình bày.
Kết bài: có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần khái quát lại được vấn đề, nêu lên ý nghĩa hoặc bài học từ vấn đề ấy.
Bốn là, nêu các yêu cầu về diễn đạt và trình bày, gồm hành văn, cách lập luận, cách sử dụng các phương thức biểu đạt, chữ viết, chính tả, ngữ pháp và quy định về dung lượng bài viết…
Năm là, nêu yêu cầu về sự sáng tạo và hướng mở của đề: ý tưởng, cách diễn đạt, cách triển khai…
Như thế cần có 5 yêu cầu để tính điểm trong đáp án, nội dung không cần chi tiết mà chỉ nêu ý lớn và hướng triển khai. Mỗi yêu cầu có thể xác định tỷ lệ điểm phù hợp.
“Đáp án năng lực theo hướng nêu trên chú ý xem xét cách tạo ra sản phẩm (bài văn), kiểm soát được quy trình làm bài, không chỉ căn cứ vào mình nội dung bài văn; không áp đặt, bắt buộc theo hệ thống ý có sẵn, chấp nhận nhiều cách triển khai, diễn đạt; khuyến khích sự sáng tạo miễn là có lý, có sức thuyết phục.
Đáp án năng lực không cần nêu quá chi tiết về nội dung, do đó cũng không nặng về việc xem xét độ dài của bài viết; phù hợp với yêu cầu kiểm tra những nội dung và văn bản chưa được học, đa số học sinh sẽ không viết được dài. Giáo viên có điều kiện để xem xét cả lỗi về tiếng Việt, cách diễn đạt, hành văn và hình thức trình bày…
Tóm lại sẽ đánh giá đúng được năng lực viết của mỗi học sinh khác với cách đánh giá nội dung, nghiêng về kiểm tra trí nhớ, khả năng học thuộc và chép lại của người học”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay.