Đắp lá trị rắn cắn, bé 13 tuổi nguy kịch đến tính mạng
Đang soi đèn bắt cua bên bờ suối, cậu bé bất ngờ bị rắn độc cắn vào gót chân. Tuy nhiên, thay vì đưa đến bệnh viện, gia đình lại tự điều trị bằng phương pháp đắp lá cây và khiến bệnh nhi rơi vào tình trạng nguy kịch.
Ngày 29/8, BS Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm độc rất nặng.
Bệnh nhi là bé trai Đ.H (13 tuổi, ngụ tại Bình Phước) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đại tiện ra máu, vết thương ở gót chân bên phải sưng và bầm tím, có nguy cơ hoại tử.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà bệnh nhi ghi nhận, trước khi nhập viện, cậu bé đi dọc bờ suối gần nhà và soi đèn pin bắt cua. Đang đi thì bé bị rắn cắn vào gót chân phải. Con rắn (không rõ loại) đã bị đánh chết và vứt xuống suối.
Gia đình của bệnh nhi nghi bé bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế cấp cứu, gia đình lại lấy lá cây đắp vào vết thương để điều trị vì cho rằng lá cây xung quanh khu vực rắn sống có tác dụng kháng nọc độc.
Một ngày sau khi đắp lá, sức khỏe của bệnh nhi chẳng những không thuyên giảm mà càng diễn tiến xấu hơn. Vết thương ở chân bầm tím, có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, hoại tử. Lúc này gia đình mới vội đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận, xác định bệnh nhi bị nhiễm độc nặng, đang nguy kịch, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và quyết định sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn độc điều trị tích cực. Hiện nay, bệnh nhi đang được thay huyết thanh kháng nọc rắn và điều trị vết thương bị hoại tử.
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát khuyến cáo, phụ huynh và cộng đồng tuyệt đối không nên dùng các loại lá đắp lên vết thương rắn cắn vì có thể gây nhiễm trùng. Khi trẻ hoặc người lớn bị rắn cắn, gia đình cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được truyền huyết thanh kháng nọc độc. Đặc biệt, người thân cần mang theo con rắn đã bắt được (nếu có) hoặc xác rắn để giúp bác sĩ xác định nhanh, chính xác loại rắn đã cắn và sử dụng huyết thanh kháng nọc độc phù hợp cho nạn nhân.
Những việc không nên làm khi bị rắn cắn: Cột ga rô (sẽ gây thiếu máu nuôi phần chi bên dưới); cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc (sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ và tăng hấp thu nọc độc); đắp lá hay rễ cây (có thể gây nhiễm trùng vết thương).