Đập tan định kiến: Bản lĩnh lãnh đạo gen Z ở Nabu Global

Nguyễn Thị Minh Thúy, đồng sáng lập Nabu Global, đang đập bỏ định kiến để khắc họa chân dung một lãnh đạo gen Z bản lĩnh và quyết đoán.

Nguyễn Thị Minh Thúy, đồng sáng lập kiêm Phó giám đốc Nabu Global – một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và du lịch - chia sẻ kinh nghiệm và thách thức khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở độ tuổi còn rất trẻ và cách cô vượt qua định kiến thường gặp về thế hệ gen Z đầy khác biệt.

Bạn có thể chia sẻ một chút về con đường sự nghiệp của mình không? Điều gì đã thôi thúc bạn trở thành một nhà lãnh đạo ở tuổi trẻ như vậy?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Từ khi còn nhỏ, tôi đã có mong muốn được làm việc và cống hiến cho sự nghiệp của cá nhân mình. Hồi đó tôi suy nghĩ đơn giản lắm, làm “sếp” thì sẽ được tự do làm và đưa ra quyết định theo ý mình vì tính cách tôi từ nhỏ đã khá độc lập và cũng có đôi chút ngang bướng.

Lớn hơn một chút, tôi rất thần tượng các nữ doanh nhân, tôi thấy họ thực sự rất giỏi và rất đáng ngưỡng mộ và tôi cũng muốn được như vậy. Tôi muốn có sự nghiệp riêng và muốn được truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ. Hãy dám ước mơ và kiên trì theo đuổi đến cùng để chinh phục ước mơ đó.

Là một người gen Z, bạn nghĩ mình có những lợi thế và thách thức gì khi trở thành một nhà lãnh đạo ở độ tuổi này?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Là một lãnh đạo gen Z, tôi thấy mình có nhiều lợi thế hơn thách thức. Tôi được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước trên đà phát triển mạnh, vì vậy tôi được làm quen và ứng dụng công nghệ trong học tập, trong cuộc sống từ sớm. Điều đó chắc chắn sẽ giúp tôi và công ty của tôi công nghệ số nhanh hơn và thích ứng với thời cuộc tốt hơn.

Không chỉ vậy, rào cản về thế hệ cũng như phong cách làm việc, phong cách sống của tôi với nhân viên cũng ít hơn. Tôi dễ dàng hiểu nhân viên của tôi cần gì, tôi cũng hiểu suy nghĩ của các bạn ấy và tôi tin rằng tôi có thể giúp các bạn ấy khám phá bản thân và phát triển sự nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Làm "sếp" khi còn quá trẻ thì đôi khi tôi cũng đối mặt với một số tình huống dở khóc dở cười. Từ việc còn "hơi non" kinh nghiệm tới việc làm thế nào để trở thành hình mẫu cho nhân viên noi theo. Vậy nhưng, tôi tin rằng, chỉ cần tôi nhận thức được yếu điểm của bản thân và nỗ lực để hoàn thiện nó, sớm muộn tôi cũng sẽ đạt được mục tiêu mà tôi đã đề ra.

Bạn đã gặp phải thất bại nào trong quá trình khởi nghiệp chưa? Nếu có, bạn đã học được những bài học gì quan trọng từ những thất bại của mình?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Trong quá trình khởi nghiệp, tôi may mắn có một người sếp - một người cố vấn - một người đồng nghiệp vừa tâm lại vừa có tầm. Vì vậy, tôi không gặp quá nhiều trở ngại. Tuy nhiên, có một trở ngại đã mang cho tôi một bài học lớn. Đó là bài học về xác định đúng và cách để chạm đúng tệp khách hàng mục tiêu.

Ở giai đoạn đầu mới thành lập công ty, tôi chưa thực sự có kinh nghiệm và hiểu sâu về lĩnh vực đó, vậy nên tôi cũng đã mất nhiều thời gian hơn để có những khách hàng đầu tiên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tôi và toàn bộ thành viên của Nabu Global tin rằng chúng tôi còn hiểu khách hàng hơn chính bản thân mình.

Dù sản phẩm có tốt tới mấy, truyền thông có lan tỏa tới đâu mà chúng ta không thực sự đặt mình vào vị trí của khách hàng, chúng ta cũng sẽ không thể chinh phục được khách hàng.

Theo bạn, đâu là những phẩm chất quan trọng nhất của một người lãnh đạo giỏi?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Tôi may mắn vì trong quá trình đi làm trước đó đã gặp một người lãnh đạo giỏi, vì vậy, tôi cũng đã được truyền cảm hứng để trở thành một người lãnh đạo như vậy. Tôi luôn cố gắng làm gương cho nhân viên, từ cách làm việc tới cách giao tiếp và tới cả việc xây dựng hình ảnh cá nhân. Tôi cũng thường xuyên dành thời gian để trò chuyện cùng nhân viên bên ngoài công việc, có như vậy, tôi mới hiểu và hỗ trợ các bạn ấy kịp thời.

Ngoài ra, tôi chưa bao giờ "ra lệnh" hay ép các bạn ấy làm việc cho tôi. Thay vào đó, tôi sẽ gợi mở bằng các câu hỏi, các ý tưởng để họ được tự do tư duy và sáng tạo, đương nhiên tôi cũng sẽ góp ý khi các bạn ấy khó khăn hoặc đi chệch hướng.

Tôi tin rằng chỉ khi các bạn ấy được làm việc cho bản thân các bạn ấy thì năng suất, hiệu quả mới được nâng cao và các bạn ấy mới nhanh chóng trưởng thành hơn trong công việc.

Bạn tự thấy phong cách lãnh đạo của mình có gì khác biệt so với các nhà lãnh đạo thế hệ trước?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Tôi nghĩ rằng tùy thời điểm và loại hình doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo nên có phong cách lãnh đạo khác nhau để phù hợp với văn hóa công ty. Vì vậy, tôi cũng thấy phong cách lãnh đạo của mình khá khác biệt so với những nhà lãnh đạo thế hệ trước mà tôi biết.

Ví dụ, tôi thấy phong cách lãnh đạo của tôi khá linh hoạt. Những khi cần tập trung cao độ để chinh phục mục tiêu, tôi sẽ là một nhà lãnh đạo cứng rắn và thiện chiến. Những khi cần hiểu và khích lệ nhân viên, tôi sẵn sàng làm tri kỷ để lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho các bạn ấy. Những khi cần tạo không khí thoải mái để giảm căng thẳng cho nhân viên, tôi cũng sẽ hết mình cùng đội ngũ.

Có thể là nhân viên xuất sắc nhất nhưng chưa phải là nhà lãnh đạo giỏi nếu chưa biết cách quản trị

Có thể là nhân viên xuất sắc nhất nhưng chưa phải là nhà lãnh đạo giỏi nếu chưa biết cách quản trị

Bạn làm thế nào để truyền cảm hứng và kết nối với đội ngũ nhân sự, đặc biệt là những người thuộc thế hệ khác nhau?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Tôi cho rằng, việc kết nối và truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân sự không khó, chỉ cần người lãnh đạo muốn là có thể làm được.

Đầu tiên, hãy cố gắng lắng nghe và đưa ra phản hồi một cách thẳng thắn và trung thực cho nhân viên. Điều này đương nhiên sẽ tốn thời gian với những doanh nghiệp lớn khi mà số lượng nhân sự quá đông. Vì vậy, hãy phân quyền cho những người quản lý trực tiếp của nhân sự làm điều này bằng các hình thức khác nhau: tạo và quản lý diễn đàn chung của công ty, tổ chức các cuộc thi đua, triển khai các phiếu khảo sát, tổ chức các hoạt động gắn kết...

Sau đó, hãy chắc chắn rằng từng nhân sự nhỏ nhất trong công ty cũng có chung mục tiêu giống như người lãnh đạo. Không một sức mạnh nào to lớn hơn sự đồng lòng và tinh thần đoàn kết.

Nhân viên sẽ làm việc tốt hơn và hiệu quả hơn nếu họ hiểu rằng từng công việc nhỏ họ đang làm cũng đang góp phần xây dựng một nền móng vững chắc cho công ty. Cuối cùng, đừng quên động viên nhân sự đúng lúc. Các nhà lãnh đạo nên tránh những câu khen xã giao "Em làm tốt lắm" mà thay vào đó là "Em làm việc ABC này tốt vì XYZ. Cố gắng phát huy nhé".

Bạn nghĩ kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với một nhà lãnh đạo gen Z?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Thực tế thì kỹ năng nào cũng quan trọng với bất kỳ nhà lãnh đạo gen Z. Tuy nhiên, bạn có thể là nhân viên xuất sắc nhất nhưng chưa phải là nhà lãnh đạo giỏi nếu bạn chưa biết cách quản trị. Tôi đã có cơ hội gặp những nhà lãnh đạo tài giỏi và tôi tin chắc rằng họ không phải là người giỏi nhất và hiểu sản phẩm cũng như hiểu khách hàng nhất.

Vì vậy, tôi cho rằng, kỹ năng quản trị hay kỹ năng lãnh đạo quan trọng hơn cả. Nhà lãnh đạo giỏi sẽ không làm những công việc mà nhân viên có thể làm, thay vào đó, họ sẽ dùng kiến thức, kinh nghiệm và năng lực để định hướng và thúc đẩy mọi người trong công ty cùng làm việc hiệu quả

Bạn nghĩ đâu là những khó khăn khi làm việc với nhân sự cấp dưới nhưng lớn tuổi hơn?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Đây là tình huống mà chính bản thân tôi đã gặp trong quá trình tôi đi làm và quá trình tôi khởi nghiệp. Trước đây khi làm việc tại một hãng hàng không lớn, tôi được giao phụ trách một mảng kinh doanh lớn của cả một miền cũng như phụ trách rất nhiều nhân sự lớn tuổi. Các anh chị trong nhóm thậm chí chỉ kém bố mẹ tôi vài tuổi.

Đương nhiên hồi đó tôi cũng bị ngợp và đôi lần bối rối khi chưa biết cách quản lý nhân sự tốt. Nhưng sau một thời gian bền bỉ chứng minh năng lực qua kết quả công việc cũng như cố gắng gây dựng mối quan hệ tốt, tạo được niềm tin với các anh chị để các anh chị dù hơn tuổi hơn vẫn cảm thấy tôi đủ khả năng dẫn dắt đội nhóm, biết cương biết nhu đúng lúc đúng chỗ để mọi người có sự thoải mái nhất định trong công việc.

Theo bạn, những đặc điểm nổi bật nhất của người lao động thế hệ Z là gì?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Gen Z là thế hệ được sinh ra khi thế giới kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ và bùng nổ nhất, ngoài ra gen Z cũng được tiếp xúc sớm với công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain... Nhờ vào việc tiếp xúc sớm và đa dạng với công nghệ, gen Z rất giỏi việc ứng dụng công nghệ vào học tập, công việc, cuộc sống. Ngoài ra, gen Z cũng rất thoải mái với các thay đổi của xã hội cũng như tôn trọng sự khác biệt từ giới tính, tôn giáo.

Không những vậy, gen Z cũng là thế hệ được thừa hưởng và đầu tư rất nhiều từ các thế hệ trước nên mang trên vai rất nhiều kỳ vọng từ gia đình và xã hội. Tuy nhiên, gen Z cũng thiệt thòi hơn so với các thế hệ trước ở một số điểm. Đầu tiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và mạng xã hội, gen Z có quá nhiều cám dỗ và có ít cơ hội để được giao tiếp trực tiếp như các thế hệ trước. Bên cạnh đó, gen Z cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng tâm lý do phải chịu áp lực quá lớn.

Theo bạn, các doanh nghiệp nên làm những gì để thu hút và giữ chân nhân tài gen Z?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Tôi nghĩ rằng môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến là yếu tố tiên quyết để có thể thu hút và giữ chân nhân tài gen Z.

Đã qua rồi thời sếp bảo nhân viên nghe, các nhà lãnh đạo nên tạo một môi trường làm việc công bằng, minh bạch, trẻ trung cùng với cách quản trị hiện đại để có thể thu hút nhân tài gen Z. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo hãy trở thành tấm gương, trở thành người truyền cảm hứng cho nhân viên; ban hành chế độ lương thưởng phù hợp để vừa khuyến khích sự phát triển cũng như giữ chân nhân tài gen Z.

Bạn nghĩ thế hệ Z sẽ đóng góp gì cho tương lai của các doanh nghiệp?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Gen Z là tương lai của doanh nghiệp. Gen Z có tham vọng, đam mê và am hiểu công nghệ. Vì vậy, gen Z chắc chắn sẽ giúp công ty hội nhập nhanh và bắt kịp xu thế toàn cầu.

Ngoài ra, gen Z sẽ giúp doanh nghiệp quản trị và chăm sóc khách hàng tối ưu nhất. Bởi trong tương lai gần, tệp khách hàng mục tiêu của các doanh nghiệp sẽ chính là gen Z, và người hiểu gen Z nhất thì chính là gen Z.

Bạn có lời khuyên nào dành cho các nhà quản lý muốn làm việc hiệu quả với nhân sự gen Z?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Tôi cho rằng, các nhà quản lý nên hiểu được sự quan trọng của gen Z trong doanh nghiệp để từ đó có cách quản trị và ban hành các chính sách phù hợp. Như ở Nabu Global, chúng tôi đặt nhân viên là trung tâm, chúng tôi tạo môi trường làm việc mở và thoải mái dành cho nhân sự. Chúng tôi không sử dụng máy chấm công hay sử dụng bất kỳ một công cụ nào khác để quản lý thời gian làm của nhân viên.

Chúng tôi tôn trọng sự độc lập và tính sáng tạo của nhân viên, điều duy nhất chúng tôi quản trị ở nhân viên chính là hiệu quả công việc mà nhân viên mang lại. Đương nhiên, công ty cũng có những quy định mà nhân viên phải tuân theo, tuy nhiên, quy định được xây dựng dựa trên mong muốn của hai phía và cũng thường xuyên được cập nhật để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo bạn, những kỹ năng nào sẽ trở nên quan trọng nhất đối với gen Z trong 5-10 năm tới?

Theo bạn, những kỹ năng nào sẽ trở nên quan trọng nhất đối với gen Z trong 5-10 năm tới?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Tôi cho rằng các kỹ năng mềm sẽ là chìa khóa vạn năng đối với gen Z trong 5-10 năm tới. Kỹ năng mềm sẽ giúp gen Z áp dụng được kiến thức vào trong thực tế cũng như giúp gen Z có thể làm việc hiệu quả hơn. Đặc biệt, kỹ năng mềm tốt còn giúp gen Z mở rộng được network và trong doanh nghiệp hay trong sự nghiệp của bất cứ ai thì network sâu rộng chính là "cánh cửa thần kỳ" giúp ta tiến tới mục tiêu nhanh hơn.

Một số các kỹ năng mềm nổi bật mà gen Z cần trang bị càng sớm càng tốt có thể kể đến như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng xây dựng hình ảnh thương hiệu, kỹ năng quản lý thời gian…

Bạn có lời khuyên nào dành cho những người trẻ tuổi đang muốn khởi nghiệp hoặc phát triển sự nghiệp?

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy: Người trẻ có thời gian, có sức khỏe, có bản lĩnh. Vì vậy, tôi chỉ khuyên các bạn hãy dám ước mơ và bắt tay thực hiện giấc mơ đó thật sớm. Đặt ước mơ đúng đắn và phù hợp với năng lực bản thân cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là bền bỉ và kiên trì thực hiện giấc mơ đó.

Chúng ta không thể thành công trong ngày một ngày hai nhưng chúng ta sẽ chắc chắn thành công nếu mỗi ngày mới chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Xin cảm ơn bạn đã có những chia sẻ thú vị!

Bài: Vân Anh

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Diệu Thảo

Xuất bản: 11/11/2024

Chuyên đề: Quản trị nhân sự Gen Z – Thách thức và cơ hội

Gen Z đang dần trở thành lực lượng lao động chủ chốt với những đặc điểm và kỳ vọng khác biệt. Tuy nhiên, chính sự khác biệt về thế hệ cũng khiến các doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong việc duy trì sự gắn kết và tối ưu hóa hiệu quả công việc.
Chuyên đề này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những xu hướng, phương pháp và kinh nghiệm từ các nhà quản trị hàng đầu trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân sự Gen Z. Từ việc hiểu rõ nhu cầu và động lực của thế hệ này đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp, các bài viết sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ thích ứng mà còn biến thế hệ mới thành động lực thúc đẩy cho phát triển bền vững.
Chúng tôi hy vọng chuyên đề sẽ mang lại cái nhìn toàn diện và hữu ích để tối ưu hóa quản trị nhân sự Gen Z, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững và sáng tạo của doanh nghiệp.

Bài 1: Phá bỏ định kiến, sẵn sàng đón gen Z
Bài 2: Thấu hiểu gen Z: Chìa khóa quản trị hiệu quả nhân sự thế hệ mới
Bài 3: Gen Z mong đợi gì ở nơi làm việc?
Bài 4: Áp lực bủa vây gen Z: Doanh nghiệp cần làm gì để giải tỏa?
Bài 5: Talentnet bày cách tối đa hóa sức mạnh gen Z trong môi trường đa thế hệ
Bài 6: Cách DKSH hóa giải thách thức quản trị nhân sự đa thế hệ
Bài 7: Chiến lược trẻ hóa đội ngũ ở PNJ
Bài 8: Tạo động lực cho gen Z: Đừng để phản tác dụng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dap-tan-dinh-kien-ban-linh-lanh-dao-gen-z-o-nabu-global-d37781.html