Đắp thuốc lá chữa bong gân, bé trai suýt mất chân
Làm theo lời mách đắp thuốc lá chữa khỏi bong gân, một bệnh nhi ở Phú Thọ suýt mất chân do vết thương sưng nề, tấy đỏ, có nhiều phỏng nước.
Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi, vào viện trong tình trạng cổ bàn chân trái sưng nề, tấy đỏ, có nhiều phỏng nước.
Qua khai thác bệnh sử mẹ bệnh nhi cho biết, bệnh nhi bị ngã gây sưng đau vùng cổ bàn chân trái, đi khám được bác sĩ cấp thuốc và tư vấn. Tuy nhiên, với hy vọng giúp con nhanh khỏi, gia đình dùng lá cây chữa bong gân để đắp vào vùng tổn thương. Sau 1 tuần bệnh nhân đau nhức nhiều nên nhập viện.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm trùng vùng cổ bàn chân trái và tiến hành trích tháo mủ, Bs lấy ra khoảng 300ml dịch mủ trắng, bơm rửa, nạo sạch tổ chức viêm. Hiện bệnh nhi đang được chăm sóc vết thương và điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng.
Theo BSCKII Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, nguyên nhân gây nhiễm trùng của bệnh nhân này có thể là do việc đắp lá cây không đảm bảo vô khuẩn, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các tổn thương trên da hoặc khi da không tổn thương, đắp lá cây cũng có thể gây bỏng da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo khi gặp chấn thương, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc R.I.C.E:
- Nguyên tắc thứ nhất là nghỉ ngơi: Giúp xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn, cơ thể được phục hồi sau chấn thương.
- Nguyên tắc thứ hai là chườm lạnh: Giúp giảm đau, giảm sưng. Bệnh nhân cần chườm lạnh trong 48 đến 72 giờ sau chấn thương, mỗi lần chườm lạnh nên kéo dài khoảng 15 đến 20 phút, khoảng cách giữa các lần chườm trong 24 giờ đầu là 30 đến 60 phút. Sau 24 giờ đầu là 120 đến 180 phút.
- Nguyên tắc thứ ba là băng hoặc nẹp cố định: Giúp khớp bị chấn thương được cố định chắc chắn, bệnh nhân đỡ đau, giảm tình trạng sưng nề.
- Nguyên tắc thứ tư là kê cao chi thể: Kê cao vị trí chấn thương so với toàn bộ cơ thể sẽ giúp giảm sưng, đau và viêm.
Lưu ý: Việc chườm nóng, xoa dầu nóng, mật gấu vào vùng chấn thương càng làm tăng mức độ trầm trọng của tổn thương.