Đáp trả Triều Tiên phóng tên lửa, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới
Ngày 27/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới liên quan các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, trong đó có một công ty của Triều Tiên, một công dân Triều Tiên và hai ngân hàng Nga.
Cụ thể, theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, lệnh trừng phạt mới của nước này nhằm vào Tập đoàn thương mại Air Koryo cùng Ngân hàng Viễn Đông và Ngân hàng Sputnik của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, những thực thể nói trên đã hỗ trợ tài chính cho việc mua sắm và tạo doanh thu cho các tổ chức của Triều Tiên.
Ngoài ra, trong danh sách trừng phạt Mỹ lần này còn có một công dân Triều Tiên, với lý do nhân vật này đã hỗ trợ các tổ chức của Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo.
Phía Mỹ cho biết các vụ phóng trong tuần này đã nâng tổng số vụ phóng trong năm nay của Triều Tiên lên con số 23
Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính Mỹ Brian Nelson nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục thực thi và áp đặt các biện pháp trừng phạt hiện hành song song với việc hối thúc Triều Tiên quay trở lại con đường bàn đàm phán và từ bỏ chương trình hạt nhân.
Lệnh trừng phạt mới được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng thử 3 quả tên lửa, trong đó có 1 quả được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lớn nhất của nước này, vào hôm 24/5. Đây là bước đi mới nhất trong một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo, hành động vi phạm các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà Bình Nhưỡng tiến hành trong năm nay.
Trong khi đó, phía Mỹ cho biết các vụ phóng trong tuần này đã nâng tổng số vụ phóng trong năm nay của Triều Tiên lên con số 23, khi quốc gia này đẩy mạnh phát triển và mở rộng phạm vi các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Mới đây nhất, ngày 26/5, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết do Washington đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên, đáp lại việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa đạn đạo thời gian gần đây. 13 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua văn bản này.
Dự thảo đề cập đến nội dung của Nghị quyết 2397 năm 2017, trong đó nêu rõ rằng nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân mới hoặc phóng một tên lửa đạn đạo có khả năng đưa đầu đạn đi xa tới tầm liên lục địa, hoặc một vụ thử góp phần phát triển loại tên lửa như vậy, thì Hội đồng Bảo an sẽ thực hiện các biện pháp tiếp tục hạn chế việc xuất khẩu dầu sang Triều Tiên.
Các tác giả của nghị quyết đề xuất giảm khối lượng dầu thô được phép cung cấp cho Bình Nhưỡng.
Cụ thể, nếu trước đó Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép cung cấp mỗi năm 4 triệu thùng, tương đương 525.000 tấn dầu thô cho Triều Tiên, thì dự thảo nghị quyết hiện tại quy định giảm khối lượng này xuống còn 3 triệu thùng, tương đương 393.750 tấn.
Tương tự, nếu trước đây Hội đồng Bảo an cho phép xuất khẩu tới 500.000 thùng các sản phẩm dầu cho CHDCND Triều Tiên mỗi năm (bao gồm cả nhiên liệu diesel và dầu hỏa), nhưng văn bản mới đề xuất giảm khối lượng xuống còn 375.000 thùng hoặc 46,875 tấn.
Nếu nghị quyết được thông qua, Triều Tiên sẽ phải ngừng xuất khẩu nhiên liệu khoáng sản, sản phẩm dầu mỏ và các sản phẩm chưng cất, chất bitum, sáp dầu khoáng, đồng hồ và phụ tùng thay thế cho chúng. Tất cả các nước sẽ bị cấm mua những mặt hàng này từ Triều Tiên.
Văn bản cũng nêu rõ, tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải ngừng cung cấp, mua bán, chuyển giao trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá cho Triều Tiên.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết còn cấm mua từ Triều Tiên hoặc phối hợp mua từ nước này các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông.
Ngoài ra, văn bản còn đề xuất đóng băng tài sản và cấm đi lại (ra nước ngoài) đối với ông Kim Su-il.Mgid
Những người soạn thảo nghị quyết cũng kêu gọi đóng băng tài sản của nhà mạng Lazarus Group của Triều Tiên và hai công ty: Korea Namgang Trading Corporation và Haegumgang Trading Corporation.