Đáp ứng kỳ vọng
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được Bộ GD&ĐT công bố sáng 17/7.
Phổ điểm đã “thay lời muốn nói” về thành công của kỳ thi, mà điểm nhấn là công tác coi thi, chấm thi. Qua đó, đáp ứng kỳ vọng của các nhà quản lý giáo dục và dư luận xã hội.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố bảng dữ liệu, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngoài nhận xét, phân tích của chuyên gia, hàng loạt bình luận xuất hiện trên các diễn đàn như: Một kết quả khoa học và tin cậy, cái kết đẹp, những con số biết nói… Vẫn biết “nhân vô thập toàn” nhưng nhìn vào bảng số liệu dễ dàng nhận thấy, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay có tiến bộ rõ rệt hơn so với những năm trước. Vì thế, những gì dư luận phản ánh về kết quả thi và phổ điểm thi năm nay có cơ sở, bởi “có bột mới gột nên hồ”.
Khi các nhà giáo, chuyên gia phân tích về phổ điểm thi năm 2024, những từ khóa như: Ổn định, tương đồng, chấm thi đều tay, khách quan, phân hóa, tin cậy… xuất hiện với tần suất khá nhiều. Ổn định và tương đồng vì phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay không có sự khác biệt so với năm 2023 và những năm trước. Điểm trung bình và trung vị của các môn thi trên toàn quốc giữ ổn định và tương đồng so với năm ngoái. Kết quả này cũng thể hiện sự ổn định, nỗ lực trong học tập, giảng dạy của thầy - trò. Đây là điểm đáng mừng về chất lượng giáo dục phổ thông của cả nước.
Nói như PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kết quả của kỳ thi năm nay thể hiện cả quá trình tổ chức, chất lượng dạy - học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đây là cơ sở để chuẩn bị, tiến hành đánh giá, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Với cách thức đang triển khai như: Thay đổi, bổ sung định dạng đề thi mới sẽ phản ánh tốt hơn chất lượng dạy và học tại các trường phổ thông.
Ngoài xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, điều chỉnh quá trình dạy học trong trường phổ thông, mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là có sự phân hóa nhất định. Kết quả của kỳ thi bảo đảm đủ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển đầu vào hệ chính quy. Với nhiều khoảng điểm và sự phân hóa kết quả giữa các môn học cho thấy, mục tiêu này bước đầu đã đạt được.
Đáng nói, kết quả cũng phản ánh cách thức tổ chức kỳ thi. Kỳ thi đánh dấu kết thúc một chương trình nhưng cũng mở ra xu hướng mới. Từ năm sau, thí sinh sẽ thi và đánh giá theo tiêu chí của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, công tác tổ chức, đặc biệt việc ra đề, chấm thi sẽ có những điều chỉnh tương thích.
Tuy nhiên, mong muốn của các nhà giáo, chuyên gia là, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ đánh giá được năng lực kiến thức tổng hợp của học sinh; giúp các em có tư duy, phương pháp khoa học để giải quyết được vấn đề của thực tiễn một cách hiệu quả.
Điều này sẽ tác động trở lại quá trình dạy học của các thầy, cô giáo. Làm sao để học vấn phổ thông trở thành nền tảng giúp cho học sinh thích nghi tốt với sự thay đổi trong môi trường hiện nay, dù tham gia lao động sản xuất hay tiếp tục học sau phổ thông.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dap-ung-ky-vong-post692115.html