Đáp ứng mong chờ thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Năm học 2024 - 2025, một trong những nội dung được địa phương, nhà trường, giáo viên, HS, phụ huynh hết sức quan tâm là Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Dù phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi được công bố từ sớm, nhưng kỳ thi đổi mới này tổ chức như thế nào khi quy định liên quan đến môn thi đã đổi khác; còn có những thay đổi gì để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu đặt ra, phù hợp với Chương trình GDPT 2018… được quan tâm, mong ngóng.

Ngày 28/8, một số thông tin quan trọng, dự kiến được đưa vào Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ GD&ĐT công bố đã đáp ứng sự mong chờ này. Theo đó, có một số điểm mới đã được công bố, thông tin từ trước liên quan đến số buổi thi (3 buổi thay vì 4 như những năm trước); môn thi; đề thi; đăng ký dự thi; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi; lộ trình tổ chức thi trên máy tính.

Cách thức tổ chức điểm thi, phòng thi được đưa ra để định hướng cho địa phương khi có tới 36 tổ hợp bài thi, làm sao bảo đảm khoa học, tiện ích cho thí sinh. Nội dung về quy đổi điểm với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ cũng được tiếp thu từ các ý kiến góp ý. Theo đó, sẽ không còn quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp THPT với thí sinh có chứng chỉ đáp ứng quy định và được miễn thi môn Ngoại ngữ.

Đáng chú ý và có lẽ cũng là dự kiến điểm mới được quan tâm nhất liên quan đến quy định về xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo quy định hiện hành, điểm xét tốt nghiệp THPT được tính với tỷ lệ 70% điểm thi và 30% điểm trung bình học tập (chỉ năm lớp 12). Năm 2025, cách tính điểm được đề xuất sử dụng kết quả học tập của cả 3 năm THPT và tỷ lệ giữa điểm thi - điểm học bạ là 50 - 50.

Việc tăng cả số năm học để tính điểm và tỷ lệ phần trăm kết quả học tập ở THPT trong xét công nhận tốt nghiệp cho thấy sự chú trọng đến sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh và việc đánh giá toàn diện năng lực của người học theo Chương trình GDPT 2018. Cùng với thay đổi này, Bộ GD&ĐT cũng thông tin về việc tăng cường tính phân hóa của đề thi các môn. Điều này đồng nghĩa độ khó đề thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng lên, đáp ứng tốt hơn tính “đa mục tiêu” của kỳ thi.

Nhiều ý kiến cho rằng, với thay đổi này, các cơ sở giáo dục đại học nên ưu tiên dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thực tế công tác tuyển sinh những năm qua có nhiều chuyển biến, ngày càng bảo đảm khách quan, công bằng, thuận tiện cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, tiết kiệm nguồn lực xã hội, minh bạch hơn về nguồn tuyển, chất lượng nguồn tuyển…

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức có gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa được khắc phục. Việc tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, theo nhiều ý kiến, sẽ góp phần hạn chế một số vấn đề còn bất cập trong xét tuyển đại học như hiện nay.

Với tính chất quan trọng của kỳ thi, dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 rất cần sự tham gia góp ý tích cực, hiệu quả của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là những người có thực tiễn tham gia tổ chức thi. Cùng với đó là sự chủ động, có kế hoạch triển khai từ sớm công tác chuẩn bị để kỳ thi đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dap-ung-mong-cho-thong-tin-ve-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-post698572.html