Đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiều 7-2, tiếp tục phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều chỉnh toàn diện công tác quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, thay mặt Chính phủ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51422187/c7037f9a46d4af8af6c5.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Nêu sự cần thiết ban hành pháp lệnh, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, tại phiên họp ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”. Trong suốt những năm qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng luôn quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.
Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác đến thăm, viếng, tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra, nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, nhiều nghi lễ quan trọng của Đảng và Nhà nước; Nguyên thủ quốc gia các nước và các đoàn khách quốc tế khi sang thăm Việt Nam đều đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ sự tôn kính Người cũng như tình cảm trân trọng đối với đất nước, con người Việt Nam...
![Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51422187/c8d4724d4b03a25dfb12.jpg)
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.
Về cơ sở pháp lý, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho hay, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng. Đồng thời, một số luật, pháp lệnh có những quy định về nguyên tắc điều chỉnh một số mặt công tác trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng như: Luật Cảnh vệ; Luật Thủ đô; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Di sản văn hóa; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Những văn bản trên là cơ sở pháp lý để Ban Quản lý Lăng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương liên quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng.
Tuy nhiên, các văn bản hiện hành mới chỉ tập trung vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các công trình trong Khu di tích Lăng, nhất là từ khi công trình Lăng hoàn thành, đưa vào sử dụng (năm 1975); chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định một số vấn đề quan trọng, như: Nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; chưa có quy định phù hợp để quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có tính chất đặc biệt (vừa là công trình quốc phòng, vừa là đối tượng cảnh vệ, vừa có ý nghĩa chính trị - văn hóa to lớn). Một số nội dung, nhiệm vụ của Ban Quản lý Lăng đã có chủ trương của Đảng, như: Thời gian tổ chức lễ viếng, tổ chức nhiệm vụ nghi lễ... nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể.
“Với tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, cần có văn bản pháp lý ở tầm Pháp lệnh, để điều chỉnh toàn diện công tác quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng”, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh.
Về phạm vi điều chỉnh, Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các công trình, khu vực có tính chất đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, đồng thời có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng, bao gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ); Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (Khu K9); các công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xây dựng những quy định vượt trội, đặc thù trong tổ chức quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án pháp lệnh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Khu di tích Lăng có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hầu hết các công trình trong Khu di tích thuộc khu vực trọng yếu là đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ, riêng công trình Lăng còn được xếp thuộc Nhóm I các công trình quốc phòng, khu quân sự, vì vậy cần có cơ chế quản lý, bảo vệ đặc thù; đồng thời, một số nghi lễ quốc gia, hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Khu di tích Lăng cũng cần được thể chế hóa, để khẳng định tính pháp lý, vị trí, vai trò, ý nghĩa của các hoạt động này và bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện.
![Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra phát biểu tại phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51422187/889b35020c4ce512bc5d.jpg)
Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra phát biểu tại phiên họp.
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành pháp lệnh.
Các nội dung quy định trong dự thảo pháp lệnh về cơ bản phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi.
Khẳng định Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh có ý nghĩa chính trị - pháp lý rất quan trọng, vừa tạo hành lang pháp lý để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh nhà Lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và những di sản Người để lại, tạo điều kiện để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đến viếng và tham quan Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu góp ý dự thảo pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Pháp lệnh có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh Lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và những di sản của Người để lại cho Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, pháp lệnh cần có những chính sách, quy định đặc thù để nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu một số nội dung để xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong quản lý, bảo vệ Khu di tích; Chính phủ sớm hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
![Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc của dự thảo Pháp lệnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51422187/c2cd7e54471aae44f70b.jpg)
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc của dự thảo Pháp lệnh.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự chủ động, tích cực của Chính phủ khi chuẩn bị kỹ lưỡng dự án Pháp lệnh; đánh giá cao cơ quan thẩm tra đã làm việc rất tích cực, báo cáo thẩm tra thể hiện rõ quan điểm; Bộ Quốc phòng - Cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và có giải trình hợp lý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đây là Pháp lệnh có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, lịch sử, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động đối ngoại, tạo điều kiện cho nhân dân trong và ngoài nước tham quan Khu di tích. Do đó, cần có những quy định có tính vượt trội, đặc thù để bảo đảm nhiệm vụ này.
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc của dự thảo Pháp lệnh; giao cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hoàn thiện dự thảo pháp lệnh, xin ý kiến bằng văn bản các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.