Đạp xe có tác dụng gì với sức khỏe?
Đạp xe là một trong những cách tốt nhất để cải thiện lối sống, việc thường xuyên đi xe đạp một cách đều đặn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe vô cùng lớn.
Buổi sáng- thời điểm đạp xe lý tưởng
Buổi sáng chính là thời điểm lý tưởng để tập luyện thể dục thể thao. Đặc biệt, thời gian tốt nhất là từ 5-7 giờ, trước bữa sáng. Sau giấc ngủ dài ban đêm, thời điểm này rất thích hợp cho những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản như đạp xe.
Vào buổi sáng khi chưa ăn, năng lượng hoạt hóa của cơ thể ở mức thấp nhất trong ngày, đạp xe với cường độ vừa phải, sẽ buộc cơ thể phải dùng đến năng lượng dự trữ ở các mô mỡ. Lượng mỡ dư thừa được đốt cháy giúp giảm cân nhanh và hiệu quả.
Ngoài ra, cũng có thể đạp xe vào buổi chiều, với xe đạp trong nhà, khoảng thời gian từ 19 giờ đến 21 giờ. Lưu ý, khi đạp xe thể dục buổi chiều nên đi với tốc độ vừa phải để không gây hại cho hệ tiêu hóa, và có giấc ngủ ngon hơn.
Cơ thể sẽ sản sinh ra hormone Cortisol - chất có tác dụng giúp chống lại căng thẳng - sau khoảng 30 phút đạp xe. Lượng hormone có lợi này sẽ đạt lượng cao nhất sau khoảng một giờ tập.
Xét về khả năng đốt cháy calo, đạp xe trong 30 phút với tốc độ 20 km/h sẽ giúp cơ thể tiêu hao khoảng 300 calo, ngang với bữa ăn nhẹ.
Người trong độ tuổi từ 18 đến 64 cần hoạt động thể chất với cường độ trung bình ít nhất 2,5 tiếng đồng hồ mỗi tuần, duy trì sức khỏe tốt. Đặc biệt, mỗi ngày tập đạp xe 30-45 phút sẽ mang đến nhiều lợi ích rõ rệt.
Với người trưởng thành có sức khỏe bình thường, không có bệnh nền, thời gian đạp xe tốt nhất là 30-60 phút, không đạp xe liên tục quá một tiếng đồng hồ.
Lý do nên đạp xe tập thể dục?
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Di xe đạp 20km/tuần có thể làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch 50%. Một nghiên cứu khác với 10.000 cán bộ, công chức cho thấy, nhóm đi xe đạp khoảng 20 dặm trong một tuần sẽ giảm nửa nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim mạch hơn nhóm người còn lại.
Ngoài việc tác dụng tốt cho tim, đi xe đạp đặc biệt tốt với người bị huyết áp cao. Chỉ cần dành thời gian vừa phải đi xe đạp hàng ngày có thể ngăn chặn tình trạng huyết áp cao, tránh đột quỵ.
Giúp săn chắc cơ bắp
Nếu như một tuần không hoạt động sẽ làm giảm 50% sức mạnh của hệ thống cơ bắp và có thể làm cơ bắp yếu ớt lâu dài. Thậm chí, không vận động còn là nguyên nhân gây lão hóa cơ bắp, khiến các cơ bị co lại.
Do đó, trong thời gian đi xe đạp, hầu hết các cơ bắp của cơ thể sẽ được kích hoạt như phần bụng, vai, cánh tay, bắp chân... đồng thời làm săn chắc các cơ bắp ở thắt lưng và bụng. Điều này khiến hệ thống cơ bắp được tăng cường mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả hơn.
Tốt cho xương khớp
Những bộ phận của cơ thể được hỗ trợ với nhau bằng cơ bắp, gân và dây chằng. Việc đi xe đạp thường xuyên giúp tăng cường tích cực đến mật độ xương, giúp bảo vệ, tăng sức mạnh của hệ xương.
Không những thế, tư thế khi đi xe đạp sẽ kích thích cơ bắp ở lưng dưới. Nhờ thế, cột sống cũng sẽ được tăng cường và có thể kích thích các cơ bắp nhỏ của các đốt sống. Điều này giúp giảm nguy cơ đau lưng và các vấn đề khác cho bạn.
Giảm nguy cơ ung thư
Đi xe đạp có liên quan đến việc tăng cường hệ thống miễn dịch. Luyện tập thể chất thường xuyên bằng việc kết thân với xe đạp đã được chứng minh làm giảm nguy cơ bị ung thư đại tràng, ung thư “núi đôi”, tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tụy, ung thư nội mạc tử cung; bên cạnh đó, đi xe đạp còn rất tốt cho phổi.
Giúp kéo dài tuổi thọ
Đi xe đạp ngoài trời cũng là một cách tốt để “làm bạn” với thiên nhiên và tận hưởng bầu không khí trong lành, xua tan mọi buồn phiền và căng thẳng thường ngày. Nhờ thế mà chất lượng cuộc sống về thể chất và tinh thần cũng được cải thiện.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dap-xe-co-tac-dung-gi-voi-suc-khoe-282559.html