Đạp xe vào đường cao tốc, tăng cường sức khỏe hay 'đánh đu' với mạng sống?
Dù đã có biển cấm phương tiện xe đạp, xe thô sơ nhưng hàng ngày có khá nhiều người dân vẫn đạp xe vào đường cao tốc Võ Nguyên Giáp. Họ cho đây là một môn thể thao tăng cường sức khỏe, nhưng thực tế lại đang 'đánh đu' với mạng sống của chính mình.
Đường Võ Nguyên Giáp (hướng sân bay Nội Bài) thuộc địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội có 6 làn dành riêng cho ô tô, tốc độ tối đa từ 80-90km/h. Tuyến đường này đã có biển cấm xe đạp, xe máy và người đi bộ. Các loại phương tiện thô sơ này chỉ được di chuyển ở đường gom hai bên.
Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại là việc người dân tụ tập đạp xe thể dục vào tuyến đường này. Theo Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, tình trạng trên diễn ra vào khung giờ từ 4h-6h sáng, đặc biệt là cuối tuần.
“Không phải 1-2 người mà họ đi thành từng đoàn, từng nhóm dàn hàng trên cao tốc. Thời tiết đã chuyển mùa, buổi sáng sương dày hơn, tầm nhìn của các phương tiện lúc rạng sáng bị hạn chế nên việc người dân đạp xe vào làn đường cao tốc là cực kỳ nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông và thậm chí là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” - Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh cho biết.
Điều đáng lo ngại hơn là việc người dân vi phạm khi thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý thì lập tức vác cả xe băng qua lan can để đi vào đường gom cho… 'đúng luật', một cách né tránh xử phạt nhưng không khác gì “đánh đu” với mạng sống của chính mình.
Một lái xe bất bình: “Đường cao tốc dành cho ô tô mà họ đi dàn hàng thế, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì ai là người chịu trách nhiệm? Chúng tôi cũng sẽ gặp rất nhiều rắc rối, phức tạp không mong muốn nếu có chuyện xấu xảy ra. Tôi không hiểu tại sao họ lại không nghĩ tới những hệ lụy, ít nhất thì cũng phải nghĩ cho việc đảm bảo an toàn tính mạng của họ chứ”.
Anh Nguyễn Trung T., 38 tuổi, ở Hà Nội gay gắt: “Tôi mong lực lượng chức năng xử lý nghiêm tình trạng vi phạm này. Họ có rất nhiều cách thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, chứ không phải thờ ơ với quy định của Nhà nước và bất chấp nguy hiểm cho bản thân hay những người xung quanh được”.
Liên quan đến vấn đề này, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông số 15 tập trung tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm. Đã có 3 trường hợp vi phạm bị xử lý vì đã được nhắc nhở, nhưng cố tình điều khiển phương tiện xe thô sơ vào đường cao tốc.
“Các phương tiện ô tô di chuyển trên đường cao tốc với tốc độ không đồng mức. Trong khi đó, xe đạp không có thiết bị cảnh báo dẫn đến che khuất tầm nhìn của các phương tiện khác. Nếu không xử lý được tình huống mà lại đang lưu thông cùng các phương tiện tốc độ cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến tính mạng của người tham gia giao thông.
Thực tế chưa có vụ việc nào xảy ra và chắc chắn đây là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, để xử lý vi phạm, chúng tôi lại gặp rất nhiều khó khăn” - Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông đánh giá.
Trước tình trạng vi phạm cũng như nhìn nhận những nguy cơ, Đội Cảnh sát giao thông số 15 đã triển khai lực lượng tăng cường tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở để nâng cao nhận thức và sự chấp hành của người dân.
“Chúng tôi đặt an toàn tính mạng của người tham gia giao thông lên trên hết. Do vậy, rất cần sự ủng hộ của người dân và trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm để tạo sự răn đe với những trường hợp tái diễn vi phạm, có thể đề xuất tịch thu phương tiện, gửi thông báo về đơn vị, địa phương nơi làm việc, cư trú…” - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15 nói thêm.
Không xử lý dứt điểm tình trạng này trong ngày một ngày hai, vì vậy rất mong chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng Cảnh sát giao thông mà là của mỗi người dân, để hạn chế tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đừng để sự chủ quan dẫn đến điều đáng tiếc mà lúc đó ân hận cũng quá muộn!