Đạt 24 điểm, học Trí tuệ nhân tạo ở ĐH Phenikaa hay CMC?
Đại học Phenikaa và Đại học CMC đều có những định hướng và lợi thế riêng biệt trong đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo.

"Em đạt 24 điểm thi tốt nghiệp THPT khối A00, đang khá phân vân giữa Đại học CMC và Đại học Phenikaa để theo học ngành Trí tuệ nhân tạo. Song, em chưa rõ sự khác biệt cụ thể về chương trình học, môi trường và cơ hội nghề nghiệp của ngành này ở mỗi trường".
Đó là câu hỏi Tri Thức - Znews nhận được từ một thí sinh đến từ Hưng Yên.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính, tập trung vào việc tạo ra máy móc hoặc hệ thống có khả năng thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu sự thông minh như con người.
Hai năm gần đây, lĩnh vực này được nhiều bạn trẻ cân nhắc khi đăng ký ngành học ở bậc đại học. Tại Hà Nội, Đại học Phenikaa và Đại học CMC là hai trường tư thục đào tạo ngành này.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin khách quan, đa chiều, giúp học sinh tự đánh giá và lựa chọn.
Chương trình đào tạo và chất lượng
Tại Đại học CMC, ngành Trí tuệ nhân tạo bắt đầu được tuyển sinh năm 2025. Chương trình đào tạo bao gồm các khóa học về khoa học máy tính, toán học, thống kê, mô hình hóa tính toán và học máy.
Thời gian đào tạo 3 năm, chưa tính các học phần Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Vũ Việt Vũ, Trưởng khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học CMC, cho biết chương trình đào tạo ngành này dựa theo theo chuẩn Abet, bám sát xu hướng công nghệ, bao quát các lĩnh vực AI hiện đại như Machine Learning, Deep Learning, Computer Vision, NLP..., kết hợp nền tảng toán, tin học và thống kê mạnh.
Chương trình đào tạo được thiết kế chú trọng kỹ năng MLOps, AI deployment và trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp công nghệ.
Ngoài ra, Đại học CMC nằm trong hệ sinh thái trường - viện - doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là các doanh nghiệp công nghệ, viện là viện nghiên cứu ứng dụng ATI - kết hợp giữa nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm AI ứng dụng.
Chính vì vậy, sinh viên sẽ được thực tập tại các doanh nghiệp này qua mô hình đào tạo tại chỗ. Các bài toán của doanh nghiệp sẽ được tích hợp vào nội dung đào tạo và các chuyên gia từ doanh nghiệp sẽ huấn luyện sinh viên.
Ngoài ra, sinh viên được khuyến khích tham gia các workshop, talkshow chuyên đề và sự kiện do nhà trường tổ chức, kết nối với chuyên gia; có các câu lạc bộ học thuật liên kết doanh nghiệp.
Hàng năm, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc và các trường đại học khác sẽ đến trao đổi, thảo luận tại khoa.

Sinh viên Đại học CMC tại hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2024-2025, tháng 5/2025. Ảnh: FBNT.
Trong khi đó, Đại học Phenikaa tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo từ năm 2024, với điểm chuẩn 21. Thời gian đào tạo tại trường là 4 năm.
PGS.TS Phạm Tiến Lâm, Giám đốc chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Đại học Phenikaa, cho biết chương trình đào tạo ngành AI được thiết kế theo hướng cập nhật các kiến thức hiện đại, theo chuẩn đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước.
Mục tiêu của chương trình là giúp sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng về toán học, lập trình, thuật toán, đồng thời thành thạo trong việc thiết kế, triển khai, tối ưu các hệ thống AI thực tế như học máy, học sâu, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và robot thông minh.
Điểm đặc trưng nổi bật của chương trình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được tham gia vào những dự án xây dựng hệ thống AI cho các bài toán thực tế trong suốt quá trình học, bao gồm các bài tập môn học, đồ án, thực tập và khóa luận tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường có mạng lưới đối tác doanh nghiệp phong phú. Điều này giúp cải tiến và phát triển chương trình đào tạo ngày càng sát với nhu cầu thực tiễn.
Trường cũng tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy trao đổi học thuật, tổ chức các buổi hội thảo chuyên sâu và hướng tới mời chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy.
Dự kiến mức học phí và học bổng của hai trường như sau:

Đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất
PGS.TS Phạm Tiến Lâm cho hay một trong những lợi thế lớn nhất của nhà trường là sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tập đoàn Phenikaa, giúp đầu tư đồng bộ vào cơ sở vật chất, bao gồm phòng thí nghiệm AI hiện đại, máy chủ GPU, hệ thống dữ liệu học tập tiên tiến...
Về đội ngũ giảng viên, tính đến năm học 2024-2025, hơn 10 giảng viên chính tham gia giảng dạy trực tiếp các học phần về Trí tuệ nhân tạo.
Trong đó, nhiều giảng viên là tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức.
Một số giảng viên có công bố quốc tế, đang tham gia các dự án nghiên cứu chuyên sâu về AI; các chuyên gia kỹ thuật từ doanh nghiệp đối tác đảm nhiệm vai trò giảng viên kiêm nhiệm.
Đồng thời, trường thường xuyên mời các chuyên gia từ các công ty công nghệ lớn đến giảng dạy chuyên đề hoặc hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án, giúp người học có thêm góc nhìn thực tiễn.

Sinh viên Đại học Phenikaa. Ảnh: Website nhà trường.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Việt Vũ cho biết đội ngũ giảng viên của Đại học CMC có chuyên môn cao, được đào tạo từ các đại học danh tiếng với nhiều công bố khoa học về chủ đề AI.
Nhiều người có kinh nghiệm làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác với Tập đoàn CMC và đối tác toàn cầu như Microsoft, Intel, Synopsys…
Phương pháp giảng dạy hiện đại, chú trọng thực hành, trải nghiệm và năng lực làm việc thực tế, kết hợp với mô hình học theo dự án từ những năm đầu.
Sinh viên từ năm học thứ nhất đã được thực hành các môn học trong phòng lab, tham gia nghiên cứu và các dự án nhỏ tại các đơn vị của Tập đoàn CMC.
"Hiện, mỗi chương trình đào tạo sẽ tích hợp khoảng 15 dự án thực tế từ doanh nghiệp trong quá trình giảng dạy", thầy Vũ cho biết.
Nhà trường cũng tích hợp AI như một công cụ hỗ trợ học tập, phản hồi bài tập tự động, cá nhân hóa học tập, trợ lý AI hướng dẫn… nhằm nâng cao trải nghiệm và hiệu quả học tập cho sinh viên.
Về cơ sở vật chất, Đại học CMC sử dụng năng lực công nghệ từ tập đoàn CMC để đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, bao gồm trung tâm dữ liệu, cloud AI, dịch vụ công nghệ liên kết Microsoft, Google, Amazon, Intel...
Phòng lab và thiết bị tại trường được trang bị phục vụ các dự án AI - từ GPU, môi trường triển khai đến các giải pháp công nghệ như CIVAMS, C‑OCR, C‑Chatbot...
"Sinh viên và giảng viên sẽ được tiếp cận và ứng dụng trực tiếp", thầy Vũ cho hay.
Cơ hội thực tập, việc làm
Do mới tuyển sinh và đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo, hiện tại, cả hai trường chưa có khóa sinh viên nào tốt nghiệp. Tuy nhiên, cả hai đều cam kết hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Tại Đại học CMC, PGS.TS Vũ Việt Vũ cho biết sinh viên được thực tập 16 tuần liên tục tại doanh nghiệp theo mô hình đào tạo tại chỗ.
Nhà trường cam kết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên, đi kèm hoạt động tuyển dụng, hội chợ việc làm và tư vấn nghề nghiệp tổ chức định kỳ.
"Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của sinh viên CMC là các em được thực tập trên các dự án AI thực tế, sử dụng công nghệ do CMC phát triển; đồng thời thông thạo kỹ năng MLOps, AI deployment, có trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp công nghệ", thầy Vũ cho biết.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Tiến Lâm cho hay các hoạt động tham quan, trải nghiệm môi trường làm việc thực tế ngay từ năm nhất, cùng với các kỳ thực tập vào năm ba và năm tư sẽ giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn để làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường cũng sở hữu mạng lưới kết nối rộng khắp với các doanh nghiệp, từ các tập đoàn công nghệ trong nước đến các startup trong lĩnh vực AI, nhằm đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Chọn trường nào?
Hiện, cả Đại học Phenikaa và Đại học CMC đã công bố điểm sàn ngành Trí tuệ nhân tạo (theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT). Trong đó, Đại học CMC lấy điểm sàn 23/40 điểm (môn Toán nhân hệ số hai, cộng với hai môn bất kỳ), còn Đại học Phenikaa lấy mức sàn 16/30 điểm.
Cả hai trường đều thuộc các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam nên có lợi thế trong việc đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo và cung cấp cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên.
Nếu muốn thời gian học tập ngắn, tham gia thị trường lao động sớm, các em có thể lựa chọn Đại học CMC, song mức học phí có thể cao hơn một chút so với Đại học Phenikaa.
Để có quyết định đúng đắn, các em cần cân nhắc thêm về sở thích, năng lực cá nhân và điều kiện gia đình.
Thầy Vũ khuyên những thí sinh đam mê công nghệ, tư duy logic, năng lực học hỏi nhanh, yêu thích AI và giải quyết vấn đề thực tế một cách độc đáo, sáng tạo sẽ phù hợp với ngành này.
Cuối cùng, dù chọn Đại học CMC hay Đại học Phenikaa, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của thí sinh trong quá trình học tập.