Nhiều giải pháp thực hiện phát triển giáo dục
ĐTO - Phát triển giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tập trung thực hiện với sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ngành, lãnh đạo các xã, phường. Qua đó, đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phát triển mạng lưới giáo dục cơ sở.

Mô hình “Vườn hoa của bé” trong trường học góp phần phát triển kỹ năng cho trẻ
Thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đã kiện toàn về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền, giảng dạy theo đúng hướng dẫn, nội dung chương trình. Thông qua các giải pháp như đặt hàng đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia các khóa học nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, phân công giáo viên kiêm nhiệm trong công tác giảng dạy, điều chuyển, biệt phái giáo viên theo đúng quy định từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ viên chức trong phạm vi toàn tỉnh.
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên được rà soát, xây dựng cơ bản về số lượng và chất lượng, cơ cấu; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Qua quá trình bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, Sở GD&ĐT phối hợp các sở, ngành quan tâm cử nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn, đào tạo sau đại học để từng bước xây dựng đội ngũ nòng cốt về chuyên môn, quản lý cho ngành và các cơ sở giáo dục. Các đơn vị trường chủ động tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm khen thưởng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động đang công tác tại các cơ sở giáo dục địa bàn vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh; xếp lương đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đảm bảo đúng quy định.
Trong công tác giảng dạy, toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho người học, trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản gắn với lộ trình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện các hình thức, phương pháp, kỹ thuật, công cụ kiểm tra, đánh giá; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ; xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến của học sinh các cấp học... Ngoài ra, học sinh, học viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng rèn luyện thể chất, chăm sóc sức khỏe, phát triển phong trào thể thao học đường. Cơ sở vật chất trường học các cấp tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn khó khăn, biên giới, khu đông dân cư. Cùng với đó, các đơn vị trường tiếp tục triển khai hiệu quả giáo dục STEAM, dự án nông nghiệp hữu cơ, phối hợp các cơ sở giáo dục ngoài nước tuyển sinh theo loại hình “Học và thực hành tại doanh nghiệp nước ngoài” mở ra cơ hội cho học sinh trong việc tiếp cận phương pháp học tập mới gắn với định hướng việc làm.
Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đồng thời, chủ động rà soát, phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tế triển khai tại các đơn vị; tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.