Đất ba sông gieo trồng nguyệt quế: Mạch nguồn chảy mãi (Bài 3)

BẮC GIANG - Bắc Giang chưa phải là tỉnh giàu, thu chưa đủ chi, chưa có “của ăn của để” nhưng với giáo dục, địa phương luôn coi trọng và sẵn sàng dành mọi nguồn lực cho quốc sách hàng đầu. Sự quan tâm đó cùng truyền thống hiếu học đã tạo ra một mạch nguồn chảy mãi, lan tỏa, thấm sâu, thế hệ trước dẫn bước thế hệ sau; kết tinh thành nội lực,“nguyên khí” để Bắc Giang ngày càng phát triển, vươn xa.

Chăm lo cho những “hiền tài”

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu mới được Bộ Chính trị điều động về tỉnh một thời gian. Dù bận rộn với nhiều công việc nhưng khi biết 3 học sinh Trường Chuyên đoạt thành tích đặc biệt xuất sắc tại kỳ thi Olympic quốc tế, ông rất vui mừng.

Mở đầu bài phát biểu tại buổi gặp mặt, tuyên dương, khen thưởng các em ở Trường THPT Chuyên Bắc Giang, ông có những chia sẻ thân tình: “Khi nghe UBND tỉnh báo cáo về thành tích đạt được của các em: Thân Thế Công, Giáp Vũ Sơn Hà, Trương Phi Hùng, tôi rất xúc động, tự hào. Tôi đã chỉ đạo phải sớm tổ chức lễ trao thưởng, cũng là buổi lễ vinh danh, buổi lễ mang ý nghĩa vinh quy bái tổ cho các em ngay tại nơi các em học tập để tôn vinh 3 tài năng xuất sắc của học sinh tỉnh nhà”.

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu chúc mừng 3 học sinh đoạt HCV cùng các nhà giáo, người thân của các em.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu chúc mừng 3 học sinh đoạt HCV cùng các nhà giáo, người thân của các em.

Với thành tích nổi trội, 2 năm 8 huy chương quốc tế và khu vực, các em Hà- Công- Hùng và thầy Đóa, thầy Sơn đã nhiều lần được UBND tỉnh gặp mặt, thưởng “nóng” nhưng đích thân Bí thư Tỉnh ủy gặp gỡ, tuyên dương thì là lần đầu. Thầy Trần Duy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi rất cảm kích trước sự quan tâm, khích lệ cả về vật chất và tinh thần của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đó là nguồn cổ vũ to lớn, là động lực để thầy và trò nhà trường tiếp tục nỗ lực, phấn đấu”.

Những năm gần đây, Bắc Giang có những quyết sách đột phá, mang tầm chiến lược để gỡ “nút thắt”, khó khăn cho GD, đặc biệt là GD mũi nhọn. Một trong những quyết sách đó là Nghị quyết số 39 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang; giáo viên, chuyên gia tập huấn và học sinh tham gia đội tuyển thi chọn HSG cấp tỉnh, quốc gia, Olympic khu vực và quốc tế.

“Nghị quyết này thực sự đã tạo ra luồng sinh khí mới cho GD mũi nhọn; hỗ trợ cụ thể, thiết thực, kịp thời giáo viên và học sinh; giúp thầy và trò có thêm điều kiện, kinh phí, yên tâm dạy và học để chinh phục những đỉnh cao mới”, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở nhấn mạnh.

 Thầy cô và các em đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế.

Thầy cô và các em đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế.

Trong GD có một mệnh đề: “Muốn có trò giỏi thì cần có thầy giỏi”, đặc biệt để đào tạo được một HSG cấp quốc gia, quốc tế, khu vực thì càng không đơn giản. Dạy đội tuyển không có giáo trình, không có sách hướng dẫn trong khi kiến thức không có giới hạn, năng lực của người thầy không phải cái gì cũng đáp ứng hết được; do đó việc tự học, tự trang bị và đặc biệt là tranh thủ chất xám, kinh nghiệm của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành rất quan trọng.

"Thời gian qua, Bắc Giang luôn chú trọng đầu tư phát triển giáo dục toàn diện; đề ra nhiều giải pháp, chính sách ưu tiên cho giáo dục mũi nhọn. Thành tích đạt được khẳng định những chủ trương, chính sách, sự đầu tư của tỉnh là đúng hướng và phát huy hiệu quả. Bắc Giang đã có nhiều đóng góp quan trọng, tự hào vào thành tích chung của giáo dục nước nhà; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Giang đã phần nào hóa giải được điều đó. Tỉnh quyết định tăng số buổi mời chuyên gia về thỉnh giảng cho các đội tuyển, cả kỳ thi quốc gia, quốc tế và khu vực. “Điều này được nhiều thứ bởi có chuyên gia về giảng, ta “được” cả thầy cả trò. Trò học, thầy cũng học. Tối về, thầy dạy lại cho trò; tổng hợp, nghiên cứu, lược hóa kiến thức phức tạp thành những dạng bài cơ bản để trò làm”, thầy Trần Duy Phương, Hiệu trưởng nhà trường bật mí.

Để vào được đội tuyển, dạy được đội tuyển, cả thầy và trò đều phải toàn tâm toàn ý, say mê và dồn hết tâm huyết vào môn học mới mong thành công. Chính vì thế, Bắc Giang đã tăng mức hỗ trợ, tăng mức tiền thưởng cho cả thầy và trò. Ngoài chế độ khen thưởng từ ngân sách tỉnh, Bắc Giang còn có Quỹ Khuyến học Thân Nhân Trung do các doanh nghiệp tài trợ chuyên dành chăm lo, bồi dưỡng nhân tài. Ngoài thưởng trực tiếp cho học sinh có thành tích, giáo viên tham gia bồi dưỡng, giảng dạy cũng được khen thưởng.

Cụ thể với 3 tấm HCV Olympic quốc tế này, số tiền thưởng cho mỗi em lên tới gần 500 triệu đồng; thầy Đóa, thầy Sơn cũng được thưởng tương xứng bằng 30-50% học sinh. Và không chỉ động viên vật chất, thầy Đóa, em Công năm 2023 được vinh danh là Công dân Bắc Giang ưu tú. Năm nay, cả 3 em đang được đề cử Công dân ưu tú. Không chỉ khen thưởng HSG văn hóa, Bắc Giang còn thay đổi cách đánh giá thi đua và khen các em đoạt thành tích trong các thi, hội diễn văn nghệ; các cuộc thi thể thao, Hội khỏe Phù Đổng; các cuộc thi Khoa học Kỹ thuật…

 Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Đóa và em Thân Thế Công là những Công dân Ưu tú Bắc Giang năm 2023.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Đóa và em Thân Thế Công là những Công dân Ưu tú Bắc Giang năm 2023.

Ngay cả cách tuyển dụng giáo viên giỏi dạy đội tuyển, Bắc Giang cũng có cách thu hút đặc biệt, đúng tinh thần “đãi cát” tìm thầy. Tỉnh chưa có mức “trải thảm” hấp dẫn như một số tỉnh, TP khác nhưng nhà trường, các tổ chuyên môn ở trường chuyên lại có “quyền” tham mưu, phát hiện, chủ động tìm người; Giám đốc Sở chỉ ký quyết định điều động; công khai, dân chủ. Với những trường hợp chưa thể hợp thức hóa gia đình, trực tiếp ngành có ý kiến, tạo mọi điều kiện để giáo viên yên tâm cống hiến hoặc trưng dụng một thời gian làm quen với môi trường mới. Đồng thời, ngành có chủ trương ưu tiên, bồi dưỡng, bổ nhiệm giáo viên giỏi trở thành cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cho sở và các trường, địa phương.

Thế hệ trước dẫn bước thế hệ sau

Trong bộ sưu tập huy chương quốc tế mà Trương Phi Hùng, Thân Thế Công mang về cho đất nước, không thể không nhắc tới sự góp sức của một cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang, đó là em Trịnh Duy Hiếu. Hiếu từng đoạt 1 HCV, 1 HCB Olympic Vật lí châu Á, 2 HCB Olympic quốc tế năm 2018 và 2019.

 Trịnh Duy Hiếu cùng thầy Nguyễn Văn Đóa và hai em Thân Thế Công, Trương Phi Hùng chụp ảnh lưu niệm tại sân bay.

Trịnh Duy Hiếu cùng thầy Nguyễn Văn Đóa và hai em Thân Thế Công, Trương Phi Hùng chụp ảnh lưu niệm tại sân bay.

Từ Iran, khi Công, Hùng xuất sắc đoạt 2 chiếc HCV quý giá, thầy Nguyễn Văn Đóa đã có dòng chia sẻ trên facebook cá nhân: “Mục tiêu đặt ra cách đây 3,5 năm đã hoàn thành. Trịnh Duy Hiếu đã gánh vác 70% công việc cho thầy. Cảm ơn con vì tất cả”. Trong các báo cáo của Trường THPT Chuyên Bắc Giang, từ khi Công, Hùng đoạt giải Olympic châu Âu, châu Á tới quốc tế, tất cả đều nhắc tới Trịnh Duy Hiếu.

Hiếu hiện là du học sinh năm thứ 4, chuyên ngành bán dẫn Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Được đào tạo chuyên sâu về Vật lí, cùng kinh nghiệm tham dự các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực, Hiếu đã truyền lửa cho lớp đàn em, trong đó có Công, Hùng niềm đam mê, cảm hứng bất tận với môn Vật lí.

Thầy Đóa kể, từ khi Công, Hùng bước chân vào đội tuyển thi HSG quốc gia, Hiếu đã về cùng thầy phụ đạo các em. Phát hiện Công, Hùng có tố chất tốt, thông minh, ham học, Hiếu nhắn tin cho tôi, bảo: “Thầy và con sẽ chinh phục hai em Công, Hùng, thầy nhé!”. Bất cứ lúc nào, có thời gian rảnh là Hiếu bay về từ Singapore dạy hai em; còn trong tuần, mấy thầy trò, anh em hẹn nhau học trực tuyến. Công, Hùng thi ở đâu, dù bận đến mấy, Hiếu cũng cố gắng có mặt, để tiếp sức, truyền lửa cho các em; vô tư, nhiệt tình và trân quý như anh em ruột thịt.

Hiếu có lợi thế là được nghiên cứu sâu về Vật lí, được tiếp cận sớm với những công trình khoa học đăng tải trên những tạp chí uy tín thế giới mà những bài thi Olympic quốc tế thường phát triển lên, Hiếu đã nghiên cứu và hướng dẫn các em phương pháp đánh giá, hiểu bản chất vấn đề để áp dụng vào thực hành, ghi điểm tuyệt đối ở đấu trường trí tuệ thế giới.

“Đó là trách nhiệm, lớp đi trước dẫn bước lớp đi sau. Trước đây các thầy đã dành nhiều tâm huyết dìu dắt, nâng bước cho chúng em, nay chúng em trở lại, lan tỏa và trao cho các em, để mạch ngầm kiến thức ấy được chảy mãi, không chỉ tới Công- Hùng, Hà mà còn tiếp, tiếp nữa”, Hiếu tâm sự.

 Ông bà ngoại và người thân đón em Thân Thế Công.

Ông bà ngoại và người thân đón em Thân Thế Công.

Bắc Giang là vùng đất hiếu học, nơi có những dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học từ bao đời nay, dù khó khăn vẫn cho con tới trường, vẫn cho con học cái chữ. Trong thành tích của Hà- Công- Hùng, trong những “trái ngọt” mà các em mang về cho quê hương, đất nước, không thể không nhắc đến công lao dưỡng dục của gia đình, người thân các em.

Thân Thế Công từ nhỏ đã được ông bà ngoại bồi đắp cho niềm đam mê khám phá khoa học qua những câu chuyện hằng ngày như: Tại sao lại có sấm, sét? Tại sao mùa đông mặc nhiều áo mỏng lại ấm hơn một áo dày? Tại sao mùa đông khi cởi áo lại hay phát ra điện… Trương Phi Hùng, Giáp Vũ Sơn Hà đều có mẹ là giáo viên, từ nhỏ đã dạy cho các em về nền nếp, ý thức tự giác học tập.

 Em Trương Phi Hùng cùng gia đình.

Em Trương Phi Hùng cùng gia đình.

“Mẹ là người giúp em không bao giờ từ bỏ ước mơ. Có những hôm học hành căng thẳng, xa nhà triền miên, thèm cơm mẹ nấu, thèm về nhà, chỉ cần gọi điện, nhắn tin về cho mẹ, em đã được tiếp thêm sức mạnh”, Phi Hùng trải lòng.

Có một thông tin đến thời điểm này, đó là cả ba chàng trai vàng Hà- Công- Hùng đều chọn học các trường đại học ở trong nước, tích cực học thêm Tiếng Anh để gắn bó chuyên sâu hơn với môn học của mình, tiệp cận với các công trình khoa học thế giới để như “anh Hiếu”, có cơ hội, lại trao truyền cho các em lớp sau.

*

Bắc Giang là đất ba sông, được ba con sông lớn bao bọc, bồi đắp tạo ra một mạch nguồn chảy mãi. Và trong mạch nguồn chung, có mạch ngầm của sự ham học, hiếu học, của những khao khát vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức.

 Thầy, trò Trường THPT Chuyên Bắc Giang chia sẻ niềm vui chiến thắng.

Thầy, trò Trường THPT Chuyên Bắc Giang chia sẻ niềm vui chiến thắng.

Ba HCV Olympic quốc tế của bộ ba chàng trai vàng Hùng- Công- Hà đã tiếp nối mạch nguồn tri thức đó, lan tỏa, khích lệ những người trẻ một niềm tin, niềm tự hào, một quyết tâm, một ý chí vươn lên trong học tập để đoạt được vòng nguyệt quế của chính mình. Vòng nguyệt quế đó có thể không phải là HCV quốc gia hay quốc tế mà chính là sự nỗ lực, vượt lên chính mình để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm nay; kết tinh thành nội lực, "nguyên khí" để Bắc Giang ngày càng phát triển, vươn xa./.

Thu Hương - Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dat-ba-song-gieo-trong-nguyet-que-bai-3-mach-nguon-chay-mai-220206.bbg