Đất cằn cho quả ngọt trên dải biên cương
BHG - Thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 313 (Quân khu 2), những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Đoàn đã xây dựng, thực hiện nhiều mô hình tăng gia, sản xuất có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn đơn vị đứng chân. Trong đó, mô hình trồng Dâu tây của Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị (SX&XDCSCT) số 2 được coi là mô hình thử nghiệm thành công, cho năng suất, chất lượng cao, góp phần mở ra hướng phát triển sản xuất chuyên canh bền vững. Mô hình này được cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần và các xã trong vùng dự án ghi nhận, đánh giá cao.
Đội SX&XDCSCT số 2 đứng chân tại thôn Xín Mần, xã Xín Mần (Xín Mần). Đây là địa bàn biên giới, có địa hình phức tạp với độ cao trung bình từ 1.200 - 1.600 m so với mực nước biển, mùa Hè ở đây luôn mát mẻ, nhưng mùa Đông rất lạnh, nhiệt độ thường xuyên xuống mức dưới 5 độ C, xuất hiện băng tuyết, mưa phùn, sương mù bao phủ. Tuy nhiên, điều kiện tưởng chừng như khắc nghiệt ấy nhưng lại trở thành lợi thế cho một số loại hoa màu phát triển, đặc biệt là cây Dâu tây. Đại úy Vũ Đình Ninh, Tổ trưởng Tổ tăng gia của Đội SX&XDCSCT số 2 - người được cán bộ, chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện mô hình trồng Dâu tây cho biết: Từ nửa đầu năm 2020, thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Đoàn KT-QP 313 về việc giao chỉ tiêu mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng ít nhất từ 1 tới 3 mô hình tăng gia sản xuất có chất lượng, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng cho nhân dân học tập, làm theo. Nhận thấy những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu nơi đơn vị đóng quân, với mong muốn tạo ra những mô hình có chất lượng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới, cán bộ, nhân viên Đội SX&XDCSCT số 2 đã tích cực nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc Dâu tây thông qua các chủ nhà vườn ở các địa phương thuộc tỉnh Sơn La, Lào Cai và Lai Châu; mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng đặt mua 300 cây giống Dâu tây Đà Lạt và 500 cây giống Dâu tây Mộc Châu (Sơn La) về trồng thử nghiệm. Sau 6 tháng miệt mài chăm sóc, cây đã không phụ công người và cho trái ngọt. Cũng theo Đại úy Vũ Đình Ninh, cây Dâu tây rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Xín Mần, cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh và đều cho trái ngọt.
Với thành công của mô hình thử nghiệm ban đầu, từ năm 2021 đến nay, Đội SX&XDCSCT số 2 đã nhân rộng được hơn 3.000 gốc cây Dâu tây (khoảng 1.000 m2), hiện đang cho thu hoạch với giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/1kg (tùy từng thời điểm) cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm, trừ chi phí sản xuất còn lãi hơn 80 triệu đồng.
Việc trồng Dâu tây không khó, không tốn nhiều thời gian, công sức, nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu tại Xín Mần thì chỉ cần làm tốt công tác cải tạo đất, che chắn, vun tưới, cắt tỉa lá thường xuyên, đúng cách thì cây sẽ phát triển tốt, cho thu hoạch quả liên tục từ 3 - 4 năm mới phải trồng mới.
Thiếu tá Hầu Đức Tình, Đội trưởng Đội SX&XDCSCT số 2 khẳng định, với sự thành công từ mô hình trồng Dâu tây của đơn vị cho giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô, sắn. Mô hình đã được đơn vị giới thiệu, phổ biến sâu rộng cho các đoàn cán bộ của huyện, cán bộ các xã và nhân dân trong vùng dự án tới tham quan, tìm hiểu. Hiện nay, đơn vị đã tự nhân giống được cây con, bước đầu đã chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ gần 1.000 cây giống cho khối các cơ quan, trường học trên địa bàn làm trước để nhân rộng, giới thiệu, quảng bá cho bà con trong vùng học tập, làm theo. Sắp tới, đơn vị tiếp tục quy hoạch và mở rộng diện tích trồng Dâu tây lên khoảng 3.000 m2.
Những quả Dâu tây của Đội SX&XDCSCT số 2 trồng tại Xín Mần cho năng suất rất cao, chất lượng quả luôn đỏ tươi, căng mọng, ngọt, thơm mát hơn so với các sản phẩm cùng loại được trồng ở các địa phương khác. Điều đặc biệt, những trái Dâu tây tại đây được khách du lịch và nhân dân trong vùng tới tận vườn tham quan, trải nghiệm và hái mua.
Ông Tải Minh Cường, Chủ tịch UBND xã Xín Mần phấn khởi bày tỏ: Từ thành công trong mô hình trồng Dâu tây của bộ đội Đoàn KT - QP 313 trên địa bàn xã sẽ là tín hiệu vui cho bà con nhân dân, mở ra cơ hội quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Chúng tôi thực sự rất tâm đắc và đánh giá cao tính hiệu quả của mô hình, thời gian tới, chúng tôi rất mong Đoàn KT - QP 313 phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ cây giống cho bà con áp dụng làm theo, góp phần mở rộng sản xuất các loại cây ăn quả theo hướng chuyên canh, bền vững.