Đất châu Phi 'sống mòn' trước phân bón hóa học

Đất trồng trọt ở nhiều nước châu Phi đang bị nhiễm chua nghiêm trọng do quá trình sử dụng lâu dài phân bón hóa học trong canh tác.

Khoảng 63% diện tích đất trồng trọt của Kenya đang bị nhiễm chua. Nguồn: AP.

Khoảng 63% diện tích đất trồng trọt của Kenya đang bị nhiễm chua. Nguồn: AP.

Đất nông nghiệp nhưng không thể canh tác

Khi Benson Wanjala bắt đầu làm công việc đồng áng ở ngôi làng phía tây Kenya cách đây 25 năm, trang trại rộng 10 mẫu Anh của ông có thể thu hoạch bội thu 200 bao ngô, tuy nhiên, con số này hiện đã giảm xuống chỉ còn 30. Ông Wanjala cho biết, mảnh đất màu mỡ một thời của ông đã trở thành một cánh đồng gần như không còn sự sống và không thể kiếm sống trên đó được nữa.

Giống như nhiều nông dân khác, ông Wanjala đổ lỗi cho phân bón hóa học - loại phân bón được thúc đẩy ở Kenya và các nước châu Phi khác trong những năm gần đây. Ông Wanjala đã bắt đầu sử dụng phân bón vô cơ để tăng năng suất và nó đã phát huy hiệu quả cho đến khi gây hại cho đất. Năm 2008, Chính phủ Kenya lần đầu tiên đưa ra chính sách trợ cấp phân bón, giúp nông dân quy mô nhỏ dễ tiếp cận phân bón hóa học hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp Kenya, khoảng 63% diện tích đất trồng trọt của đất nước hiện có tính axit (đất nhiễm chua), dẫn đến sự sụt giảm trong sản xuất các mặt hàng chủ lực như ngô và dẫn đầu về xuất khẩu như rau quả và chè. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sản lượng ngô của Kenya giảm 4% xuống còn 44 triệu tấn trong năm 2022.

Vấn đề về chất lượng đất ngày càng trở nên cấp thiết khi lục địa châu Phi phải vật lộn để tự nuôi sống mình. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, châu lục này chiếm 65% diện tích đất trồng trọt chưa được canh tác trên thế giới nhưng lại chi khoảng 60 tỷ USD hàng năm để nhập khẩu thực phẩm. Chi tiêu ước tính sẽ tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025 do nhu cầu gia tăng và thói quen tiêu dùng thay đổi.

Tháng 5 năm nay, Kenya đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe đất đai trên toàn châu Phi để thảo luận về tình trạng suy giảm sản lượng, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác làm gia tăng mối lo ngại về an ninh lương thực. Nông nghiệp là một phần quan trọng của nền kinh tế ở Kenya, chiếm hơn 25% GDP.

Tại hội nghị, ông Stephen Manyiri - Giám đốc điều hành của Liên đoàn Nông dân Đông Phi đã ủng hộ việc quay trở lại các phương thức canh tác truyền thống để bổ sung cho những vùng đất thiếu sức sống, bao gồm các biện pháp trồng nhiều loại cây khác nhau và hạn chế làm xáo trộn đất đai nhất có thể.

“Phân bón vô cơ chưa bao giờ được coi là nền tảng của trồng trọt. Đất đai hiện nay nghèo dinh dưỡng, có tính axit, ít tài nguyên sinh khối và không có sự sống” - ông Manyiri nói.

Cấp thiết đảo ngược chất lượng đất

Hội nghị thượng đỉnh về đất đai của Liên minh châu Phi đã thông qua kế hoạch 10 năm kêu gọi tăng cường đầu tư để sản xuất cả phân bón hữu cơ và phân hóa học tại địa phương và tăng gấp 3 lần sử dụng để tăng sản lượng. Cũng tại hội nghị này, Ủy viên Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Josefa Leonel Correia Sacko khẳng định, châu Phi đang “mất đi chất dinh dưỡng trong đất trị giá hơn 4 tỷ USD mỗi năm”.

Kenya phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu do sản lượng trong nước thấp. Nhà cung cấp chính là Liên minh châu Âu, tiếp theo là Ả Rập Saudi và Nga. Ông John Macharia - người đứng đầu Liên minh vì cuộc Cách mạng Xanh ở châu Phi (AGRA) cho biết, họ đã phải làm việc với chính phủ để đảm bảo có đủ loại phân bón phù hợp đến các thành viên của mình. Ông Macharia khuyến nghị sử dụng cả phân bón vô cơ và hữu cơ miễn là chúng giải quyết được vấn đề cụ thể cho đất.

Chất lượng đất suy giảm là mối lo ngại về an ninh lương thực trên khắp châu Phi. Theo chính phủ Zimbabwe - nơi từng là vựa lúa mì của khu vực, khoảng 70% diện tích đất của nước này có tính axit. Trước đây, Chính phủ đã giới thiệu phân bón hóa học nhằm củng cố chất lượng cho đất, nhưng việc sử dụng sai cách đã gây ra sự suy giảm chất hữu cơ.

Bà Wonder Ngezimana - Phó Giáo sư khoa học cây trồng tại Đại học Khoa học Nông nghiệp Marondera của Zimbabwe cho biết: “Trước khi sử dụng phân bón hóa học, tổ tiên của chúng ta đã có kiến thức và hiểu biết rằng, phân hữu cơ sẽ giúp đất trở nên màu mỡ và cây trồng phát triển tốt hơn. Đó là một chuẩn mực truyền thống ở Zimbabwe và những nơi khác ở châu Phi - nơi người ta thường gom bất kỳ loại chất hữu cơ nào để bổ sung vào đất”.

Đó là loại phân bón hữu cơ được làm từ chất thải động vật, cỏ, lá, cành cây, tàn dư cây trồng, tro và phân trộn. Nhưng dường như điều này không còn dễ dàng thực hiện khi nhiều nông dân ở Zimbabwe không còn chăn nuôi gia súc vì những đợt hạn hán gần đây.

Theo khuyến nghị của AGRA, nông dân nên kiểm tra độ chua của đất và bón vôi để đảo ngược độ axit cao. Nhưng cả hai biện pháp đều có những hạn chế và gây tốn kém khi dịch vụ thử nghiệm đất được cung cấp bởi các cơ quan nông nghiệp của chính phủ, các trường đại học công lập và các tổ chức tư nhân với mức giá dao động từ 20 - 40 USD.

Điều phối viên của Liên minh vì chủ quyền lương thực ở châu Phi, bà Bridget Mugambe đưa ra lời khuyên nên loại bỏ dần phân bón hóa học và cho biết, chất lượng kém của đất vượt xa khả năng có thể khắc phục nhanh chóng do tác hại từ phân bón hóa học. Nó đã tàn phá nghiêm trọng đất đai ở châu Phi, vì vậy, chúng ta cần nghĩ về đất nông nghiệp một cách toàn diện hơn.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dat-chau-phi-song-mon-truoc-phan-bon-hoa-hoc-10286619.html