Đất đai làm 'mất cán bộ', nhìn từ Thành phố Hồ Chí Minh
Hàng loạt cán bộ nguyên là lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), một số Sở, ngành bị khởi tố, bắt giam, do liên quan đến quản lý đất đai, cho thấy công tác cán bộ, công tác quản lý đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét tại thành phố này.
Đầu tháng 8/2022, VKSND TPHCM đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) và 9 bị can có liên quan đến sai phạm trong chuyển nhượng 32ha đất công tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) và 169.229m2 đất tại dự án Khu dân cư Ven Sông phường Tân Phong (Quận 7). Trong vụ án này, 9 bị can từng là cán bộ Thành ủy, Văn phòng Thành ủy TPHCM, cán bộ công ty 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM phải hầu tòa, do chuyển nhượng đất công sai quy định pháp luật.
Cuối năm 2021, Lê Tấn Hùng và 18 bị cáo phải hầu tòa trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý tài sản công gây thất thoát lãng phí và tham ô tài sản xảy” ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), gây thiệt hại 672 tỷ đồng liên quan đến việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9 (nay là TP Thủ Đức) từ Sagri sang Công ty Phong Phú không đúng quy định pháp luật. Trong 19 bị cáo, có những đối tượng từng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt như: Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM, Lê Tấn Hùng - cựu Tổng giám đốc Sagari, Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cùng nhiều bị cáo khác nguyên là cán bộ các Sở, ngành của UBND TPHCM.
Liên quan đến sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất tại khu “đất vàng” số 8 -12 Lê Duẩn, Quận 1, bị cáo Nguyễn Thành Tài - cựu Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM (nhiệm kỳ 2011-2015) lĩnh án 8 năm tù, Đào Anh Kiệt - cựu Giám đốc Sở TNMT lĩnh án 5 năm tù, Nguyễn Hoài Nam - cựu Bí thư Quận ủy Quận 2 và Trương Văn Út - cựu Phó phòng Quản lý đất đai (Sở TNMT) cùng lĩnh án 3 năm tù. Trong vụ án này, điều khiến dư luận quan tâm là có tới 4 trong 5 bị cáo từng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Trong từng vụ việc, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và mức độ vi phạm khác nhau, nhưng điểm chung là các bị cáo trong các vụ án nói trên từng giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt tại cơ quan, đơn vị mình, nhưng đã “tiếp tay” và “bắt tay” với các doanh nghiệp để biến đất công thành đất tư, nhằm hưởng lợi lớn từ chênh lệch địa tô.
Đất đai vốn dĩ phức tạp, nhạy cảm, nguồn lợi địa tô vốn dĩ ma lực. Nếu cán bộ không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không tuân thủ pháp luật, lơ là, buông lỏng quản lý sẽ rất dễ dẫn đến sai phạm. Mất cán bộ là câu chuyện không sớm thì muộn, thực tế đã và đang xảy ra. Kỷ luật, xử lý cán bộ vi phạm là việc đương nhiên trong Nhà nước pháp quyền. Đây là chuyện đau đớn, không muốn có của tổ chức Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước. Vấn đề là phải xử lý tận gốc các tồn tại, để mỗi tấc đất là tấc vàng phục vụ lợi ích tối thượng là Quốc gia, là Nhân dân chứ không phải sinh ra tham nhũng, tha hóa cán bộ.
Những vụ án sau này, diện tích đất chuyển nhượng sai quy định pháp luật rất lớn nhưng giá thành chuyển nhượng lại “rất rẻ”. Đơn cử là vụ án liên quan đến sai phạm trong chuyển nhượng đất công tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, và dự án Khu dân cư Ven Sông phường Tân Phong (Quận 7), diện tích đất lên tới gần 50 ha.
Người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung kỳ vọng phiên tòa xét xử Tất Thành Cang và các bị cáo có liên quan sắp diễn ra sẽ làm rõ vai trò của từng tổ chức, doanh nghiệp, từng cá nhân trong việc “bán rẻ” tài sản Nhà nước; đồng thời tránh bỏ lọt tội phạm trong cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, dù đau lòng nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, sẽ phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.