Đất đấu giá ở Hải Phòng ế ẩm
Chỉ hơn 1 năm trước, tại hầu hết các phiên đấu giá đất ở Hải Phòng, nhà đầu tư đến tấp nập. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều cuộc đấu giá, lượng nhà đầu tư đến dự giảm mạnh, thậm chí có những dự án không có một người nào quan tâm…
Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, dự án đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân, gồm 86 lô đất, tại xã Tân Trào, có tổng diện tích hơn 12,4 nghìn m2, chia thành 86 lô, tương đường từ 110 – 170m2/lô, do UBND huyện Kiến Thụy làm chủ đầu tư. Tổng giá khởi điểm được chủ đầu tư đưa ra là hơn 69 tỷ đồng, trong đó số tiền đặt cọc là trên 13,7 tỷ đồng. Kết quả đấu giá dự án được UBND huyện Kiến Thụy khẳng định là thành công sau khi toàn bộ 86 lô đất đều có người trúng. Đáng chú, giá khởi điểm của các lô đất chỉ từ 10 - 15 triệu đồng/m2, nhưng đã được người mua trả giá gấp đối, lên đến 25, thậm chí là 27 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, ngay sau phiên đấu giá, thị trường nhà đất có dấu hiệu trầm lắng và đi xuống, có đến quá nửa số nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ tiền đặt cọc với tổng số tiền khoảng 8 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kiến Thụy, cùng với diện tích đấu giá không thành tại xã Tân Trào, đến năm 2022 đến nay, đơn vị cho tổ chức đấu lại bao gồm cả diện tích đất của xã thị trấn Núi Đối và xã Hữu Bằng. Tổng diện tích đưa ra đấu giá là gần 10 nghìn m2, chia thành 67 lô, có giá khởi điểm là hơn 150 tỷ đồng. Đến hết thời hạn nộp hồ sơ chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá 2 lô. Vậy nhưng đến thời hạn nộp tiền đặt cọc thì người đăng ký trên không nộp nên toàn bộ cuộc đấu giá trên không thành do không có người tham gia.
Còn tại huyện An Lão, vào thời điểm giữa năm 2022, địa phương tổ chức đấu 94 lô đất tại các xã An Thắng, Trường Thành và thị trấn An Lão. Kết quả chỉ có 54 lô đấu giá thành công, số còn lại không có người đăng ký tham gia. Đáng chú ý, trong số các lô đấu giá thành công, nhà đầu tư H.V.T, ở xã An Đồng, huyện An Dương trúng đến gần 1 nửa. Cụ thể 24 lô đất ông H.V.T trúng đấu đều được trả lên đến hơn 22 triệu đồng/m2, cao hơn so với giá khởi điểm khoảng 3 lần. Và cũng giống như nhiều nhà đầu tư khác trong thời điểm này, sau 90 ngày không nộp số tiền trúng đấu giá là hơn 56 tỷ đồng, UBND huyện An Lão đã phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 24 lô đất của ông H.V.T. Trong cuộc đấu giá này ông T. chấp nhận mất hơn 4,3 tỷ đồng tiền đặt cọc.
Một nhà đầu tư ở huyện An Lão là anh Bùi Văn Giang cho biết, thực tế số người tham gia đấu giá có nhu cầu mua để ở không có nhiều, mà chủ yếu là những người đầu cơ ở địa phương khác đến. Họ đứng ra mua từ 5 – 7 bộ, thậm chí cả chục bộ hồ sơ và nộp tiền đặt cọc. Theo quy định, số tiền đặt cọc tương ứng với 20% trong tổng số tiền của lô đất theo giá khởi điểm. Ví dụ một lô đất 100m2, có giá khởi điểm là 10 triệu đồng/m2, thì người tham gia đấu giá phải bỏ ra số tiền đặt cọc là 200 triệu đồng.
Khi bỏ phiếu trả giá, các nhà đầu tư trả cao gấp 2 - 3 lần. Cho đến lúc có kết quả trúng đấu giá, trong khoảng thời phải nộp nốt số tiền còn lại, các nhà đầu cơ nếu có khách thì bán sang tay. “Nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc một cách dễ dàng bởi họ tính ra ngay kết quả chỉ mất 100-200 triệu đồng, còn hơn phải nộp thêm hàng tỷ đồng mà không biết đến lúc nào mới thanh khoản được khi thị trường đang lắng xuống” – anh Giang phân tích.
Không chỉ các địa phương xa trung tâm, mà các quận, huyện đã từng sôi động về nhà đất như huyện An Dương và quận Hải An cũng trong tình trạng ế ẩm. Người tham gia mua hồ sơ đấu giá chủ yếu là người dân có nhu cầu thật, chứ không còn mấy… bóng dáng của các nhà đầu tư. Điển hình là tại huyện An Dương, trong năm 2002, 35 lô đất tại xã Đồng Thái đưa ra đấu giá còn có 20 lô có người đăng ký. Nhưng sang đến đầu năm 2023, 85 lô đất khác tại các xã An Hưng, An Hòa và Đồng Thái, thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký. Và kết quả trả giá cao hơn so với giá khởi điểm không là bao nhiêu. Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hải Phòng), đơn vị đã 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện Dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) nhưng đều không có đơn vị đăng ký tham gia.
Lý giải tại sao các nhà đầu tư và kể cả người dân không mặn mà với các phiên đấu giá quyền sử dụng thời điểm này, ông Phạm Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho biết thời điểm này tất cả đều đang… nghe ngóng thị trường. Cùng với đó là việc các ngân hàng đều đang siết chặt việc cho vay mua nhà đất, nếu có tiếp cận được thì lãi suất rất cao. Cũng theo ông Nguyễn Quang Văn, nguyên nhân nữa là do việc xây dựng giá khởi điểm cao, bởi phải dựa vào các phiên đấu giá trước, khi mà thị trường vẫn còn sôi động.
“Nếu so với giá khởi điểm của dự án đấu giá với giá của các nhà đầu tư đang có nhu cầu bán cắt lỗ thì người dân sẽ lựa chọn mua của các nhà đầu tư có thể còn lợi hơn” – ông Văn so sánh và cho biết thêm, hiện các quy định khi tham gia đấu giá chặt chẽ hơn trong đó có việc đặt cọc lên đến 20% của tổng số tiền của giá khởi điểm khiến các nhà đầu tư khó có cơ hội “lướt sóng”.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/dat-dau-gia-o-hai-phong-e-am-i685174/