Đặt hàng đào tạo sư phạm, tắc vì đâu? Bài 2: Giáo viên 'chạy sô'
Trường học thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là các môn học mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy cô phải chạy sô nhiều trường, điểm trường để dạy học.
Nhiều trường ở miền núi “trắng” giáo viên Tiếng Anh
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, các tỉnh miền núi phía Bắc hiện thiếu giáo viên. Mồ Dề là xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Cả xã có một điểm trường là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mồ Dề. Trường hiện có 30 lớp với 1.085 học sinh nhưng chỉ có một giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học.
Cô giáo Nguyễn Tú Thanh, giáo viên Tiếng Anh của trường, cho biết do huyện còn thiếu giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học nên cô thường xuyên phải tăng cường đến các địa bàn khác hỗ trợ. Do các điểm trường cách nhau xa, đường sá đi lại khó khăn nên việc di chuyển tương đối vất vả.
“Nhiều hôm phải di chuyển trong đêm hoặc sáng sớm để đến các xã khác dạy học”, cô Thanh nói.
Tương tự, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, thầy cô phải di chuyển với quãng đường rất xa, có khi phải băng qua sông suối đến các điểm trường. Khó khăn hơn nữa là phải dạy tại 2 đơn vị do tình trạng thiếu giáo viên, thiếu tiết.
Cô Xa Thị Huệ, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Kim Đồng ở thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, được phân công dạy tăng cường tại Trường Tiểu học Tân Pheo, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc. Cô chia sẻ: “Mỗi tuần, tôi phải dạy thêm 7 tiết trong 2 buổi với quãng đường di chuyển đến trường hơn 40km, băng qua nhiều đoạn đường đèo dốc hiểm trở. Những ngày mưa đường trơn trượt, khu vực di chuyển lại thường xuyên sạt lở nguy hiểm”.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, 3 năm gần đây (tính đến tháng 8/2023), toàn quốc có hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc. Từ năm 2020 đến nay, ngành mới chỉ giao được hơn 26.000 chỉ tiêu biên chế. Qua rà soát, toàn quốc thiếu 118.253 giáo viên các cấp, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non, tiểu học. Đối với bậc tiểu học, việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ vô cùng khó khăn do không có nguồn tuyển hay chính sách thu hút chưa hấp dẫn.
Ở Hà Tĩnh, thiếu giáo viên Tin học khiến một giáo viên tại huyện Hương Khê phải cùng lúc dạy đến 5 trường tiểu học trên địa bàn trong khi khoảng cách giữa các trường khá xa. Bộ GD&ĐT quy định, định mức của giáo viên mỗi tuần 23 tiết, nhưng để giải bài toán thiếu giáo viên trước mắt, các trường đã tăng tiết, tăng giờ, giáo viên “gồng gánh” lẫn nhau.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ông Vũ Minh Thiện, cho biết, 2 năm qua, tuyển hàng chục giáo viên các môn nhưng đến nay vẫn chưa đạt tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Để sắp xếp đảm bảo chương trình học, hiện vẫn có giáo viên dạy liên trường, trong đó nhiều nhất là một giáo viên dạy 3 trường.
“Gồng gánh” chỉ nên tạm thời
Ở Hà Nội, năm ngoái vẫn thiếu đến gần 10.000 giáo viên các cấp học. Năm học 2023-2024, ngoài chính sách thi tuyển viên chức, các quận, huyện và Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ký hợp đồng với hơn 3.000 chỉ tiêu để đáp ứng yêu cầu dạy học.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, cho biết, từ năm học 2022-2023, đơn vị đã phải tìm cách “hạ nhiệt” cơn khát giáo viên ở các trường. Đó là thành lập “ngân hàng giáo viên” để tập hợp đội ngũ dùng chung cho các nhà trường. Những giáo viên này ký hợp đồng trực tiếp với Phòng GD&ĐT, dựa theo thực tế khảo sát các trường đang thiếu giáo viên cụ thể, đơn vị điều động nhà giáo “chạy sô” giữa trường này và trường khác.
“Với cách làm này, một giáo viên Tiếng Anh có thể dạy được 4-5 trường cùng lúc. Mặt khác, khi dạy được nhiều giờ, thu nhập của giáo viên cũng được tăng lên so với việc họ phải chờ từng trường gọi. Tuy nhiên, cái khó là phải có sự trao đổi với các hiệu trưởng các trường để sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu tránh sự trùng lặp, chồng chéo”, ông Hữu nói.
Trước thực trạng thiếu giáo viên, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có nhiều đề xuất, giải pháp để khắc phục. Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, cho biết, hiện toàn tỉnh thiếu đến hơn 2.000 giáo viên. Sở GD&ĐT đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở trường học điều động, phân công, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp. Biệt phái hỗ trợ các trường thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí tối đa định mức giáo viên giảng dạy ở những môn thiếu giáo viên, nhất là môn Tiếng Anh.
Ngoài ra, Yên Bái tiếp tục thực hiện hình thức dạy học trực tuyến do các tỉnh, thành phố khác hỗ trợ và tổ chức dạy học trực tuyến trong trường để đảm bảo thực hiện đủ chương trình môn Tiếng Anh cho học sinh theo quy định.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 của tỉnh Lào Cai, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, đơn vị đã phối hợp Sở Nội vụ Lào Cai tham mưu cho UBND tỉnh về việc gửi văn bản về Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế cho tỉnh. Hiện đơn vị áp dụng hình thức “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”.
Bên cạnh đó, địa phương kết hợp các tỉnh khác triển khai mô hình dạy học trực tuyến đối với các môn học thiếu nhiều giáo viên như Tiếng Anh, Toán...
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nói rằng, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng do không có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là bậc tiểu học, đưa Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Giải pháp giáo viên tăng tiết, liên trường, điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy tiểu học… được các địa phương thực hiện nhưng đó chỉ nên là giải pháp tạm thời. Đặc thù của trường miền núi nhỏ, lẻ với nhiều điểm trường, đường sá không thuận lợi, giáo viên cùng lúc phải dạy học nhiều trường đi lại vất vả.