Đất học Côi Trì: Ao tích nước, tụ nhân tài
Làng khoa bảng Côi Trì thuộc xã Yên Mỹ (Yên Mô - Ninh Bình) được ví như cái ao tích nước - để rồi nhân tài xuất hiện, làm thành một làng văn hiến.
Từ xa xưa, Côi Trì nổi tiếng là vùng đất chú trọng sự học. Làng không chỉ có điền học – dùng ruộng làm chi phí việc học, trả lương cho thầy đồ, mà còn miễn phu phen cho người học, sai người hầu hạ để sĩ tử yên chí thi cử.
“Ao đẹp” phát khoa bảng
Theo các tài liệu sử học, làng Côi Trì được thành lập sau công cuộc khai hoang theo “phép chiếm xạ” thời Lê sơ, gắn liền với sự ra đời của con đê Hồng Đức (1472).
Sau 36 năm sau khai hoang, đến năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) mới lập xã gọi là Côi Đàm thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam. Năm 1573 đổi Côi Đàm thành Côi Trì thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hoa. Từ đây về sau tên Côi Trì được giữ nguyên tên.
Theo các cao niên địa phương, “Đàm” hay “Trì” thì đều có nghĩa là “cái ao”. Điều này chứng tỏ, từ xa xưa Côi Trì đã là vùng đất trũng. Bởi vậy, người xưa coi đó là “cái ao đẹp” (“đẹp” là nghĩa của từ “Côi”), là nơi vượng khí tụ nhân tài.
Quả thật, Côi Trì là danh hương của đất cố đô bởi truyền thống khoa bảng, văn chương chữ nghĩa với các nhân vật nổi tiếng: Ninh Ngạn, Ninh Tốn, Ninh Địch, Tạ Uyên, và hàng loạt các thầy đồ hay chữ.
Họ Ninh theo tổ tiên truyền lại vốn quê ở Ninh Xá huyện Vọng Doanh (nay là Ý Yên - Nam Định). Niên hiệu Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông, ông tổ 8 đời đến huyện Yên Mô – Ninh Bình sinh sống, cùng nhau khai hoang lập ấp. Dòng họ Ninh được coi là dòng họ khoa bảng nổi danh của Côi Trì cũng như của tỉnh Ninh Bình với những danh sĩ: Ninh Địch, Ninh Ngạn, Ninh Tốn.
Ninh Địch sinh năm 1687, được coi là người khai khoa của dòng họ. Hồi nhỏ, Ninh Địch đi thơ thẩn trên đường gặp đúng quan huấn đạo. Vị quan trông cậu bé lanh lợi, thấy làm vui thích bèn ra đối rằng: Xuân đáo bách hoa khai (xuân tới trăm hoa nở).
Ninh Địch đáp luôn: Nhật xuất thiên sơn chiếu (nắng rạng ngàn núi tỏa). Dù có đôi chút sai niêm luật nhưng vế đối tràn ngập tương lai rạng rỡ. Quan huấn đạo khen rằng “bé mà thông minh, ngày sau sự nghiệp ắt là lớn lao làm vẻ vang cho nghiệp học nước nhà”.
Năm 14 tuổi (1700) Ninh Địch theo học quan Thượng thư Hình bộ Trương Công Giai ở Hà Nam. Năm 17 tuổi Ninh Địch cắp sách nhập trường của tiến sĩ Nguyễn Hữu Đăng quê làng Đông Tác huyện Thọ Xương – Hà Nội, rồi lại theo học trường Báo Thiên của Thám hoa Vũ Thạnh.
Năm 19 tuổi, ông dự thi Hương và đỗ hàng thứ 4. Năm 24 tuổi, triều đình lệnh cho bộ Lại mở kỳ khảo duyệt, quan chấm thi là Nguyễn Công Hãng kinh ngạc khi đọc văn của Ninh Địch. Quan chủ ty là Nguyễn Quý Đức cũng giật mình “đáng tiến sĩ thật!”.
Khoa thi này Ninh Địch đỗ thứ 4 trong số 17 người trúng cách, chúa Trịnh Cương cầm tay Ninh Địch tuyên bố giữa triều đình: Ta có Mã Chu (một danh tướng kỳ tài được Đường Thái Tông 4 lần sai sứ giả đi mời về triều) kề cận đây rồi, khỏi nhọc sức sứ giả đi mời nữa.
Ninh Địch trải qua các chức: Hiệu Lý viện Hàn Lâm, Đốc đồng trấn Hải Dương. Trong vòng 2 năm, Ninh Địch đã dẹp yên được nhóm trộm cướp, xử lý thỏa đáng các vụ kiện kéo dài… nên được thăng Đãi chế viện Hàn Lâm. Vào tuổi 40 (1726) Ninh Địch lại nhận chức phúc khảo các bài thi Hương trong địa phương mình. Phần lớn kẻ sĩ do ông tiến cử đều trúng cách.
Hổ phụ sinh hổ tử
“Côi Trì thông lệ” quy định: Trong xã có người thi Hương cống mà chưa biết thực hư, phải chờ sang năm nhà vua báo điểm thì làng cho mỗi ông một xuất đinh phu để hầu. Khi thi cử xong, có thực chức làng sẽ cắt cử một đinh phu đến trông nom việc nhà.
Ninh Địch có một người em là Ninh Ngạn (1715 - 1781), tự Dã Hiên, hiệu Hy Tăng cư sĩ. Ninh Ngạn từng đi thi Hội nhưng không đỗ, bèn đem sở học viết thành bộ sách “Vũ Vu thiển thuyết”.
Ông chú tâm dạy học, đem điều nghĩa cổ vũ Văn hội nước nhà, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khẩn hoang, vạch ra cương giới ruộng đồng, mở chợ xây cầu gây dựng phúc ấm cho hương thôn. Ông cũng là cha của tiến sĩ Ninh Tốn nổi tiếng đương thời.
Ninh Tốn (1744 - 1795) hiệu Chuyết Am, Mẫn Hiên. Năm 1762, ông đỗ Hương cống khi 19 tuổi. Sau đó, ông tiếp tục theo học tiến sĩ Vũ Huy Đỉnh. Ở đây ông kết thân với hai bạn học là Phạm Nguyễn Du và Vũ Huy Tấn.
Năm 1770, lúc 27 tuổi Ninh Tốn đến chơi rồi đề thơ ở núi Vân Lỗi (thuộc Thanh Hóa). Một hôm, chúa Trịnh Sâm đi xem xét phong tục, ngự chơi núi ấy, thấy bài thơ trên liền mến tài thơ mà triệu ông vào giữ chức Thiêm Tri Binh Phiên. Năm 1775, ông vâng lệnh vào triều nhận chức Hiệu Thảo Thự Sơn Nam hiến sứ.
Năm này, ông cùng với Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Sá lo việc biên soạn Quốc sử. Năm 1776, ông có tờ khải về các tệ nạn ở vùng ven biển ven sông, cùng nạn các đại dịch lấy cớ vì việc công để thu lúa, thu thủy sản, làm cho dân khổ. Nhờ vậy, nên có lệnh cấm nghiêm.
Năm 1778, ông đỗ Hội nguyên tiến sĩ năm 35 tuổi, được cử làm Phụng tá Quân Hải lộ, năm sau thì được thăng tứ phẩm. Khi 38 tuổi, được giữ chức Thiêm sai Tri binh phiên, làm ở Viện cơ mật kiêm Quốc sử quốc luật toản tu, Đông các đại học sĩ, Thự Hình bộ hữu Thị lang.
Năm 1786, ông làm Hiệp Trấn ở Động Hải (thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Năm sau, Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê cho Ninh Tốn làm Tham tán quân vụ, đem quân họp với quân của Lê Duật, chống quân Tây Sơn ở Thanh Hóa. Lê Duật bị quân Ngô Văn Sở giết chết ở Cao Lũng, Ninh Tốn nhờ trốn vào nhà dân mà thoát nạn.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc Hà diệt Vũ Văn Nhậm, rồi cho sắp đặt lại quan chức. Ninh Tốn được phong chức Hàn lâm trực học sĩ. Theo sử liệu thì Ninh Tốn làm quan nhà Lê trải đến chức Hữu Thị lang, tước Trường Nguyên Bá. Khi nhà Lê mất, ông tiếp tục phục vụ nhà Tây Sơn, giữ chức Thượng thư bộ Binh, tước Hầu.
Khuyến học ở “ấp văn hiến”
Làng Côi Trì còn giữ được khá nguyên vẹn các di sản xưa liên quan đến việc khuyến học. Người xưa coi giáo dục là vấn đề có ảnh hưởng đến sự thịnh - suy của làng, của nước. “Côi Trì thông lệ” chép rằng: “Ấp ta là ấp văn hiến. Người học nên dùi mài kinh sử, nhất nhất chăm học đừng sợ dốt… Sự thịnh suy của làng là ở vấn đề giáo hóa”.
Hương ước làng cũng có quy định việc khuyến khích người dạy, người học bằng vật chất. Trong đó có “học điền” – phần ruộng chi phí cho việc học, trả lương cho thầy giáo trường làng và phát phần thưởng cho người học.
Theo đó, làng Côi Trì đã trích ra 1 mẫu 5 sào ruộng công để làm ruộng học điền. Số ruộng này được giao cho gia đình các học trò cày cấy để trả công thầy và tu sửa lớp học. Đồng thời, làng còn quy định: Người đi thi phải đến miếu (làng Văn) đưa danh bạ ứng thí, làng sẽ cấp kinh phí với mức “mỗi quyển tiền là 2 mạch”.
Đặc biệt, làng còn miễn phu dịch cho những người có bằng cấp và cả những người đang học, đang đi thi. Thậm chí làng còn cử người đến tận nhà “hầu” để cho người học yên tâm đi thi. Đối với những người thi cử đỗ đạt, thành danh, làng xã tổ chức đón rước người đỗ đạt trở về quê hương, có lễ mừng người thi đỗ nhằm vinh danh việc học và phấn đấu ghi danh trên bảng vàng.
“Côi Trì thông lệ” quy định: “Thí khoa người nào trúng Hương cống thì xã trưởng phải cho mõ rao khắp làng, sắp đặt 30 người trở lên áo mũ chỉnh tề đến chào mừng”.
Hiện làng Côi Trì còn giữ được hệ thống di tích, văn bia khá đa dạng về vùng đất văn hiến khoa bảng. Trong đó có tảng đá “Chiếm xạ”ghi dấu của 89 vết dao chém.
Tương truyền đây là tảng đá mà 89 vị chiếm xạ của làng Côi Trì (89 người đầu tiên đến khai hoang lập làng) xưa kia đã chém đá thề cùng đoàn kết, xây dựng xóm làng. Hiện hòn đá được đặt trang trọng phía trước chính cung của đình làng Côi Trì.
Nổi bật nhất trong thành tựu văn học dân gian của Côi Trì, là bài “Hương sử” gồm 274 câu thơ lục bát được nhiều thế hệ người Côi Trì sáng tác. Có thể coi đây là bộ sử về Côi Trì được viết bằng thể thơ lục bát nhẹ nhàng, dễ nhớ và mang tính giáo dục cao.
Nhiều nhà nghiên cứu khi về Côi Trì, đã không khỏi ngạc nhiên trước “rừng bia đá” mà người xưa để lại. Từ những áng văn hay, đến những tên tuổi các bậc đại khoa, dù đã vài trăm năm có lẻ - vẫn hiển hiện rõ nét như minh chứng cho một thời vàng son của đất học Côi Trì.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dat-hoc-coi-tri-ao-tich-nuoc-tu-nhan-tai-post602621.html