'Đất khỏe, sản xuất thực phẩm an toàn và con người sẽ khỏe'

Cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 bởi nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh

PGS-TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 18-10.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt. Ảnh: BTC

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt. Ảnh: BTC

Trước đó, ngày 11-10-2024, Bộ NN-PTNT chính thức phê duyệt "Đề án Nâng cao sức khỏe và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050".

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt. Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn.

Theo đó, Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" nhằm xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Về thực trạng sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng, báo cáo từ Cục Bảo vệ thực vật dẫn thông tin hơn 40% diện tích đất toàn cầu bị suy thoái, 60-70% đất nông nghiệp của khu vực Châu Âu là "không khỏe mạnh".

Ở Việt Nam, điều tra của Bộ TN-MT năm 2021 cho thấy 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa, trong đó hơn 4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, do các yếu tố khách quan và chủ quan.

Cùng với đó, yếu tố chủ quan như tập quán canh tác trồng nhiều vụ/năm, bón nhiều phân vô cơ, thiếu cân đối giữa hữu cơ-vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thiếu biện pháp chống xói mòn, rửa trôi.

Việt Nam cần dữ liệu về đất

Trước thực tế trên, PGS-TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nhận định việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là việc cần thiết, lâu dài. Ông đánh giá Đề án rất kịp thời.

"Nói về sức khỏe đất có lẽ là khái niệm chưa rõ ràng, không phải ai cũng biết" - ông nói và cho rằng cần coi đất như là một cơ thể sống với 3 thành phần chính: vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất.

Theo đó, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhấn mạnh cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa.

"Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Đây là việc làm lâu dài, liên tục" - ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tin, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ NN-PTNT), thông tin về chất lượng đất, sức khỏe đất nói chung, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu. Một trong những điểm yếu về đất là chưa có ứng dụng (app) về dữ liệu đất, đầu ra cũng như đầu vào.

"Hầu như năm nào cũng có công trình nghiên cứu về đất, về phân bón, song còn rời rạc. Chúng ta cần những chương trình có sự phối hợp, quy mô như nghiên cứu về giống lúa, giống cây trồng. Tôi cũng nghĩ các nghiên cứu sắp tới về đất cần thay đổi, có sự đầu tư bài bản" - ông Tin đề xuất.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dat-khoe-san-xuat-thuc-pham-an-toan-va-con-nguoi-se-khoe-196241018112054744.htm