'Đất lạ hóa quê hương'

Phú Thọ - đất cội nguồn dân tộc Việt, có truyền thống lịch sử văn hóa gắn liền với chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đất lành chim đậu, xuyên suốt chiều dài lịch sử, đã có rất nhiều cư dân khắp các vùng miền về Phú Thọ an cư lạc nghiệp, từ những gia đình đơn lẻ, tự phát đến các đoàn di dân làm kinh tế mới theo chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Trước sau như một, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân Đất Tổ luôn thể hiện tình cảm nồng hậu, đón tiếp, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ đồng bào di cư ổn định cuộc sống, vun đắp nghĩa tình làng xóm sâu nặng. Theo thời gian, những người di cư đã coi Phú Thọ là quê hương thứ hai, sống gắn bó, hòa nhập với người dân bản địa, chung sức đồng lòng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng cuộc sống mới sung túc, hạnh phúc, thanh bình...

Từ chủ chương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã giúp cộng đồng các dân tộc thêm gắn kết, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

- Cây chè được xác định là “cây thoát nghèo” của người dân xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn.

Kỳ I: Hành trình di cư

Hơn nửa thế kỷ - thời gian chưa lâu so với lịch sử một vùng đất, nhưng đủ dài để một cuộc sống mới hình thành, phát triển. Trên khắp các vùng quê Phú Thọ hôm nay đều ít nhiều có dấu ấn những gia đình, thôn xóm, bản làng di cư đến từ khắp các địa phương trong cả nước. Từ những bản hạ sơn của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thổ... từ các vùng núi cao của Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình đến các làng khai hoang, làm kinh tế mới của người vùng xuôi Nam Hà, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội... Những gian truân của tháng ngày tha hương lập nghiệp giờ chỉ còn trong ký ức những bậc cao niên, cuộc sống mới bình yên, hạnh phúc, nồng ấm tình đoàn kết trên đất Trung du đã và đang hiện hữu, được các thế hệ con cháu chung vai góp sức xây dựng, phát triển lên tầm cao mới...

Bản hạ sơn

Hình như không mất một giây nào để nghĩ, bà Hà Thị Chòm (82 tuổi, một trong những người Thổ hạ sơn đầu tiên tại khu Quất, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn) vanh vách kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sinh sống ở ngôi làng cũ (thuộc vùng núi huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), như thể đoạn phim thuở khốn khó vẫn hằn sâu, ám ảnh, quẩn quanh trong tiềm thức người già. Bản cũ, theo hình dung của bà Chòm cách khu Quất chừng hai giờ đường rừng. Bản nằm trên một sườn đồi với con đường mòn cheo leo, mỏng mảnh như sợi chỉ giữa rừng.

Những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, bản là nơi sinh sống của hơn năm chục hộ người Thổ. Cuộc sống khó khăn, thiếu đói cứ ngày tiếp ngày trôi qua cho đến ngày một trận mưa lớn trút xuống bất ngờ làm đất đá trên triền núi đổ ụp xuống bản, vùi lấp đi một vài căn nhà cùng nhiều vật dụng sinh hoạt. Cũng may, không xảy ra thương vong. Bà Chòm thở dài: “Khổ cũng chịu được, cực cũng quen rồi, nhưng sau đợt ấy, ai cũng sợ. Sợ nếu còn ở lại thì biết đâu đấy, sẽ đến lượt nhà mình...”.

Nhờ có các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào định canh định cư, đồng bào Thổ tại khu Quất, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn đã không còn thiếu đói, chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao.

Nhờ có các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào định canh định cư, đồng bào Thổ tại khu Quất, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn đã không còn thiếu đói, chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao.

Thế rồi không lâu sau đó, lác đác vài hộ dân trong bản lỉnh kỉnh gùi trên lưng chút lương thực dự trữ ít ỏi, dăm bộ quần áo vá víu và vật dụng lao động hàng ngày rồi dắt díu nhau vượt núi sang địa phận huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tìm đất sinh nhai. Men theo sông Bứa, gia đình bà Chòm cùng năm hộ dân khác dừng chân tại khu Quất (xã Yên Lương) - nơi cư trú của hơn 250 đồng bào Mường, Kinh. Được chính quyền địa phương vận động định cư, tạo điều kiện khai hoang đến đâu, thụ hưởng tới đó, cuộc sống mới của người Thổ ở khu Quất đã bắt đầu bén rễ sinh chồi. Để hôm nay, đã có thêm nhiều thế hệ người Thổ được sinh ra trên vùng đất mới. Họ lớn lên trong sự bao bọc chân tình của đồng bào ba dân tộc...

Đường về khu Quất (xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn) được cứng hóa, rộng rãi phong quang tạo điều kiện cho bà con sinh sống, giao thương.

Cũng thời điểm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đại diện mấy chục nóc nhà của đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên các dãy núi cao của xã Tân Lang (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã họp bàn và đi đến thống nhất là cử mấy hộ đi trước dò đường, tìm nơi ở mới. Bởi lẽ, cuộc sống trên núi cao quá khó khăn, thiếu thốn, lại thêm vị trí nằm trên đường bay của lũ giặc trời Đế quốc Mỹ, chẳng có mục tiêu quân sự nào để đánh phá nhưng dường như trốn tránh hệ thống phòng không của ta, trên đường bay về, chúng trút bừa bom xuống vùng rừng núi này, đã có mấy người thiệt mạng vì bom đạn của chúng.

Là người có uy tín trong cộng đồng, thầy cúng của bản, ông Đặng Văn Phấn (xóm Dáy, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn) luôn nỗ lực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.

Sẵn mối quan hệ quen biết qua những lần đi rừng, bẫy thú với nhau, mấy gia đình đã vượt núi tìm về đất Thu Cúc (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) dọn đất, dựng nhà. Xóm Dáy có tên từ ngày ấy. Qua thời gian, đến nay xóm đã có 65 nóc nhà với gần 300 nhân khẩu. Thế hệ thứ ba, thứ tư đã chào đời và gắn bó với quê hương Phú Thọ...

Nga Hoàng - xã có diện tích nhỏ nhất huyện Yên Lập nhưng lại là địa bàn cư trú đầu tiên của một nhánh dân tộc Dao trên dải đất hình chữ S. Trải qua các biến động lịch sử, cộng đồng người Dao từ phương Bắc đã vượt biển di cư sang Việt Nam. Một tộc Dao Quần Chẹt khoảng 700 người đã di cư về vùng núi Đát Hóp (thuộc khu Sáu Khe, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) sinh sống.

Người Dao ở xã Nga Hoàng (huyện Yên Lập) giữ gìn văn hóa truyền thống qua chữ viết, ngôn ngữ.

Diện mạo nông thôn xã Nga Hoàng ngày càng khởi sắc.

Năm 1969, hưởng ứng chương trình vận động định canh định cư của Chính phủ, các gia đình người Dao ở Sáu Khe đã xuôi theo nguồn nước hạ sơn về địa phận xã Hưng Long, kết hợp cùng hai khu dân cư người Mường (tách ra từ Hưng Long) thành lập xã mới, đặt tên là Nga Hoàng, kết thúc hành trình thiên di vượt biển kéo dài hai thế kỷ. Đánh dấu cho cột mốc quan trọng ấy, người Dao Quần Chẹt đã lấy tên gọi của vùng đất mới làm “định danh” cho tộc người: Người Dao Nga Hoàng.

Cùng với xóm Quất, xóm Dáy, xã Nga Hoàng, trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập hiện có rất nhiều các xóm bản của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên vùng cao của các tỉnh giáp ranh với Phú Thọ như Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình hạ sơn về định cư từ 50-60 năm trước. Điển hình như bản Mỹ Á (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn) do đồng bào dân tộc Mông từ xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái về khai sơn lập ấp; xóm Mới (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn) do các hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên thượng nguồn suối Bòng (Phù Yên, Sơn La) lựa chọn an cư; bản Sinh Tàn (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn) do đồng bào dân tộc Dao từ xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình di cư về sinh sống... Qua thời gian, các bản hạ sơn đã trở thành một bộ phận không thể tách rời, tô điểm thêm sắc màu văn hóa đặc trưng, độc đáo trong khối đại đoàn kết các dân tộc trên quê hương Đất Tổ.

Đồng bào dân tộc Mường, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Xóm khai hoang

Ngược dòng lịch sử, những năm 60 của thế kỷ trước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương vận động Nhân dân các tỉnh miền xuôi lên xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc. Có vị trí địa lý thuận lợi, vùng chuyển tiếp giữa miền núi phía Bắc và đồng bằng, đỉnh của tam giác châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nơi hợp lưu của ba con sông: Sông Thao, sông Lô, sông Đà, Phú Thọ đã đón nhiều đồng bào miền xuôi lên khai hoang, xây dựng kinh tế mới.

Gọi là xóm Mới, bởi lẽ khu dân cư của xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) mới được thành lập cách đây khoảng sáu thập niên do những hộ dân ở xã Châu Sơn (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) lên khai hoang, làm kinh tế mới lập ra. 5 năm trước, xóm Mới sáp nhập với xóm Lực thành xóm Tân Lực với cộng đồng người Mường, người Kinh cùng chung sống.

Có mặt trong đoàn người khai hoang đầu tiên đặt chân tới vạt rừng này khai sơn lập ấp, ông Phùng Văn Quý năm nay đã bước sang tuổi 71 vẫn nhớ rõ cảm giác vừa mừng vừa lo, bồn chồn mà phấn khích sau chặng đường dài từ vùng đồng bằng đặt chân đến vùng đất lạ trong buổi chiều nhạt nắng, sương núi giăng mờ ảo, rừng rậm bao phủ tứ phía, nhìn hút tầm mắt cũng chỉ loáng thoáng một vài nếp nhà với mái lá “bạc phếch” ẩn mình dưới cây rừng, sương lạnh...

Theo lời kể của ông, làng Châu Sơn vốn thuần nông, người dân sống dựa hoàn toàn vào các hoạt động nông nghiệp thuần túy. Đất chật, người đông, dẫu chăm chỉ đến mấy nhưng chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán thì thiếu đói là điều hiển nhiên. Phần lớn các gia đình trong xã thời điểm bấy giờ đều trong cảnh thiếu trước hụt sau, chưa đến mùa mà lúa trong bồ đã cạn kiệt. Thế nên khi cán bộ về tuyên truyền, vận động bà con lên miền ngược làm kinh tế mới, 18 gia đình với 77 nhân khẩu đã đồng thuận thu xếp đồ đạc, dọn nhà để di cư lập nghiệp.

Để đến hôm nay, cư dân khai hoang đã phát triển lên 56 hộ với hơn hai trăm nhân khẩu, trở thành một trong những điểm sáng, dẫn đầu về phát triển kinh tế- xã hội của xã Mỹ Thuận. Cùng với Tân Lực, trên địa bàn xã còn có các “xóm khai hoang” mang tên Hồng Phong, nơi cư trú của hơn 90 hộ dân quê gốc Hải Dương; Hồng Kiên, nơi cư trú của hơn 50 hộ dân Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) di cư theo chủ trương phát triển kinh tế mới của Chính phủ.

Cùng thời điểm 18 hộ dân làng Châu Sơn về Mỹ Thuận định cư, hưởng ứng chủ trương di dân, xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng, Nhà nước, hơn 40 thanh niên ưu tú của tỉnh Hà Nam đã xung phong lên xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn khai phá rừng hoang, định cư lập xóm thành lập nên làng Hà Biên.

Ông Trần Xuân Như - một trong số 40 thanh niên trong đoàn người tiên phong năm ấy nay đã 87 tuổi nhớ lại: Ngày 20/11/1961, Đại đội Đoàn thanh niên ưu tú tỉnh Hà Nam gồm 4 huyện Bình Lục, Thanh Liêm, Lý Nhân, Duy Tiên có gần 400 người, khăn gói từ biệt gia đình, quê hương, lên đường làm kinh tế trên vùng đất mới, hành trang mang theo gồm vài bộ quần áo, mấy cân gạo ăn, ít thóc giống, hạt giống rau màu, mấy con dao rựa, cái cuốc, cái liềm...

Đi bộ 3 ngày mới đến xã Địch Quả, sau khi thống nhất, Đại đội phân chia lực lượng, tôi là một trong số 40 thanh niên được giao thành lập Tiểu đoàn mang tên Trần Chuông - người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của quê hương Hà Nam – vượt sông Dân về xã Võ Miếu khai hoang, lập làng, phát triển kinh tế mới. Năm 1963, Tiểu đoàn thành lập Hợp tác xã (HTX) Hà Biên thuộc biên chế tỉnh Hà Nam. Đến năm 1965, được cắt khẩu chuyển hẳn về Phú Thọ, Tiểu đoàn Trần Chuông và HTX Hà Biên được sáp nhập vào HTX Thống Nhất của xã Võ Miếu, từ đây những người con Hà Nam xa xôi đã chính thức trở thành cư dân Đất Tổ.

Trên khắp các huyện miền núi của Phú Thọ đều ít nhiều có các “xóm khai hoang”, “làng kinh tế mới” do các hộ dân miền xuôi lên định cư lập nghiệp. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làn sóng di dân đã tạo ra sức sống mới làm thay đổi tích cực diện mạo nông nghiệp ngông thôn vùng cao, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực, sức mạnh để các vùng quê vươn lên phát triển mạnh mẽ, bền vững...

Cuộc vận động Nhân dân các tỉnh miền xuôi lên xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc được đạt được nhiều kết quả quan trọng, không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế các tỉnh miền núi, mà còn phục vụ cho mục tiêu chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng của các địa phương.

Tại Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề phát triển nông nghiệp trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 (tháng 7/1961) đã đặt ra mục tiêu biến miền núi từ một nền kinh tế vốn là tự cấp dần dần trở thành một nền kinh tế có nhiều sản phẩm hàng hóa không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà. Cũng trong năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào đồng bào miền xuôi đi phát triển kinh tế và văn hóa miền núi. Đây được coi là sự mở đầu lịch sử cho công cuộc kiến thiết nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng.

>>> Kỳ 2: Nghĩa tình trên quê mới

Nhóm PV Chuyên đề

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dat-la-hoa-que-huong-216291.htm