Đặt mục tiêu phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2025

Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã diễn ra vào ngày 18/12 với chủ đề: 'Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới tham dự Hội nghị.

Văn hóa, thể thao và du lịch đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả.

Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, năm 2024, Bộ VHTTDL đã chủ trì báo cáo các cấp có thẩm quyền: thông qua 01 Luật, 01 Chương trình; cho ý kiến 01 Luật; ban hành 05 Nghị định; phê duyệt 02 Quy hoạch, 01 Chiến lược phát triển ngành.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư. Điểm nhấn quan trọng là Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ tạo nguồn lực quan trọng cho văn hóa phát triển theo quan điểm: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững ở nghĩa rộng. Ở góc độ hẹp nhìn từ đầu tư công, đúng như ca từ của "Bài ca xây dựng": Đầu tư xây dựng phát triển văn hóa là "cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau". Cùng với Dự án Luật Di sản văn hóa 2024 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024, có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi tối đa cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, với mục tiêu "biến di sản thành tài sản", gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế- xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của ngành VHTTDL

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của ngành VHTTDL

Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.

Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị

Lĩnh vực du lịch đã phục hồi tích cực sau đại dịch và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài 5 nhóm sản phẩm du lịch có thương hiệu, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được phát triển, đưa vào phục vụ du khách như: Chuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng; Con đường di sản Nam Thăng Long- Hà Nội- Điểm về nguồn cội… Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt chỉ tiêu đề ra từ 17-18 triệu lượt; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là "Điểm đến hàng đầu châu Á".

Bộ trưởng thông tin thêm, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21/6/2021 của Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới" và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhằm chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp. Ban Cán sự đảng thực hiện theo quy trình việc điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ diện Ban Cán sự đảng quản lý năm 2024, bước đầu tạo sự đổi mới, động lực phấn đấu, giảm sức ỳ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, khắc phục tình trạng cán bộ không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025

Thông tin về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành VHTTDL sẽ đồng bộ 7 nhiệm vụ trọng tâm để "Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững". Bộ VHTTDL cũng xác định năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Cụ thể các nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ VHTTDL sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không làm gián đoạn công việc và các hoạt động bình thường khác. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành VHTTDL.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Thứ hai, tiếp tục tham mưu thể chế hóa toàn diện, kịp thời các chủ trương chính sách mới của Đảng trong lĩnh vực VHTTDL, Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa; hạn chế khoảng trống pháp lý. Gắn hoàn thiện pháp luật với tăng cường hiệu quả thực thi. Thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam; phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chú trọng yếu tố tiên tiến trong phát triển văn hóa mang tính hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ tư, kiên trì kiến tạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là tiền đề vững chắc để xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong từng gia đình, cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các hương ước, quy ước đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, do nhân dân đề xuất, nhân dân tự giác thực hiện.

Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm Nhân dân được đón Tết Ất Tỵ vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thứ năm, triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam có tiềm năng, có dư địa phát triển; khuyến khích sự sáng tạo trong văn hóa, văn học nghệ thuật gắn với đặc trưng của Việt Nam và thời đại. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp giữ vai trò triển khai thực hiện, đội ngũ sáng tạo giữ vai trò thiết kế sản phẩm, nội dung.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Đầu tư phát triển thể thao quần chúng. Thực hiện di huấn của Bác Hồ kính yêu khi về thăm trường Đại học Thể dục, thể thao Bắc Ninh năm 1961, gặp gỡ cán bộ, giáo viên và học sinh Bác nói: "Các cháu học Thể dục thể thao ở đây không phải để trở thành ông kiện tướng này, bà kiện tướng nọ. Cái chính là làm người cán bộ phục vụ đắc lực cho nhân dân, đem hiểu biết của mình ra hướng dẫn mọi người cùng tập luyện để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật". Hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.

Tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Ba-ranh, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.

Thứ bảy, triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120-130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dat-muc-tieu-phuc-vu-22-23-trieu-luot-khach-du-lich-quoc-te-trong-nam-2025-159045.html