Đất nền Bình Dương 'ấm' dần sau tin đồn sáp nhập tỉnh: Cơ hội đầu tư hay cạm bẫy tài chính?
Những ngày qua, phân khúc đất nền ở tỉnh Bình Dương dần sôi động, giá bán tăng từ 15 - 30%, tuy nhiên người mua phải cẩn trọng pháp lý và việc tăng giá quá nhanh.
Thị trường nhà đất sôi động trở lại?
Từ giữa tháng 3/2024, thị trường nhà đất khu vực tỉnh Bình Dương sôi động khi các môi giới, "cò đất" đồn thổi thông tin tỉnh này sáp nhập với Tp.HCM.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, anh Huy Văn (nhà đầu tư) cho biết: "Từ khi có tin đồn về việc tỉnh Bình Dương sẽ sáp nhập với Tp.HCM, tôi cùng 2 người bạn nữa bàn bạc đi xem đất ở khu vực Tp.Thủ Dầu Một; Tp.Bến Cát và Bàu Bàng. Trước mắt là đi tìm hiểu thị trường, trong quá trình trên nếu có những khu vực đất nào phù hợp và tạo được lợi nhuận trong thời gian tới thì sẽ mua".
Cũng theo anh Văn, giá đất ở tỉnh Bình Dương được cho là ổn định nhất tại khu vực phía Nam những năm qua. Tuy nhiên, khi có tin đồn Bình Dương sáp nhập thì đất nền ở tỉnh này "nóng" lên vì các nhà đầu tư nhận thấy hiện tại giá đất ở tỉnh này mặt bằng chung đang thấp hơn Tp.HCM, nên về lâu dài sẽ tạo ra lợi nhuận.

Theo nhiều môi giới, hiện nay giao dịch mua đất ở tỉnh Bình Dương đã quay trở lại, giá đất tăng cao.
Đầu tháng 4/2025, PV khảo sát trực tiếp tại khu vực Tp.Thủ Dầu Một, Tp.Bến Cát và Bàu Bàng…, hầu như ở tất cả các địa phương trên đều có giao dịch mua bán đất nền sôi động.
Theo chân môi giới Trần Duy Long, PV được đưa tới khu vực phường Hòa Phú (Tp.Thủ Dầu Một).
Tại khu vực đất tái định cư ông Long cho biết, cách đây một tháng, nhiều chủ bán giá tầm 3 tỷ đồng cho lô đất 110m2.
Tuy nhiên, trong khoảng 20 ngày qua giá đã tăng lên 3,5 tỷ đồng. Cũng theo ông Long, giá hiện tại vẫn đang rẻ hơn so với thời điểm "đỉnh" của năm 2019 - 2020.
Khảo sát tại khu vực phường Chánh Phú Hòa (Tp.Bến Cát), khu vực hiện nay có một số đơn vị doanh nghiệp phân lô tách thửa và chào bán khách hàng. Với diện tích đất khoảng 350m2 (đất trồng cây lâu năm có sổ hồng) được rao bán, xung quanh còn hiện hữu rừng cây cao su, nhưng vẫn có nhà đầu tư đến tìm hiểu.
Nhận định về thị trường phân khúc đất nền hiện nay, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting kiêm Giám đốc đầu tư DKRA Group cho biết, trong quý I/2025, nguồn cung phân bổ tại 3 thị trường chủ lực: Long An - Bình Dương - Đồng Nai với tỉ trọng đạt khoảng 82% trên tổng cung sơ cấp.
Báo cáo của DKRA cho thấy, sức cầu chung của thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, lượng tiêu thụ đạt mức tăng gấp 6.1 lần so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Bình Dương chiếm khoảng 63,3% lượng giao dịch sơ cấp của thị trường.
Cũng theo ông Thắng, đối với phân khúc đất nền, hiện nay do có nhiều dự án, nguồn cung tăng cùng với thông tin sẽ sáp nhập các tỉnh thành, nên lượng khách giao dịch cũng như nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm tăng cao.
Chỉ nên mua nhà đất có sổ, pháp lý chuẩn chỉnh
Theo ghi nhận thực tế, mặc dù thị trường đất nền ở tỉnh Bình Dương có giao dịch mua bán tăng, nhưng chuyên gia cho rằng người mua cần phải cẩn trọng hơn vì các tin đồn về sáp nhập tràn lan, chưa chính thống và rất nhiều đối tượng lợi dụng "thổi" giá đất nền để trục lợi.
Chia sẻ với PV, một Giám đốc doanh nghiệp BĐS tại tỉnh Bình Dương cho biết: "Ngoài những khách hàng tại Tp.HCM, Bình Dương thì có một số khách từ Hà Nội vào mua bán đất. Họ tìm các khu vực đất ở xa, giá thấp dưới 2 tỷ đồng để tạo đà lợi nhuận".
Theo ông, hiện nay tại địa bàn tỉnh Bình Dương tình trạng giá đất tăng có là có thực, dao động trong khoảng từ 15 - 30% tùy khu vực. Tuy nhiên, việc có giao dịch mua bán và thông tin giá đất tăng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều trường hợp "cò" đất bắt tay nhau đẩy giá, mua qua bán lại rồi đẩy qua cho khách hàng thu lợi.

Giá đất tăng nên nhiều người ký cọc tại chỗ.
"Với tín hiệu khách quan, thị trường nhà đất có giao dịch mua bán trở lại là điều đáng mừng, tuy nhiên những người ít kinh nghiệm trong việc đầu tư nên cẩn trọng, chỉ mua các khu vực đất đã có sổ hồng, sang tên công chứng. Hoặc mua dự án thì phải đầy đủ pháp lý, ngoài ra phải tham khảo khu vực xung quanh về giá đất, bảng giá đất Nhà nước đưa ra của khu vực hiện tại để tránh mua nhầm", ông H. cảnh báo.

Tại phòng công chứng trên địa bàn Tp.Thủ Dầu Một, nhiều khác hàng làm thủ tục mua bán nhà đất.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông cho rằng: "Hiện nay lĩnh vực bất động sản ở nhiều phân khúc có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đặt biệt với các thông tin sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và xóa bỏ ranh giới giữa nhiều địa phương để tập trung phát triển đồng bộ. Những chính sách này có tác động rõ rệt với kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường bất động sản nói riêng".
Theo ông Phúc, thị trường bất động sản luôn biến động bởi nhiều thông tin, chính vì vậy khi đầu tư nhà đầu tư không nên "chạy" theo các công tin chưa rõ ràng. Để tránh rơi vào những cơn sốt "ảo", nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất mà cơ quan chức năng định rõ, giá đất mặt bằng chung khu vực…
Ngoài ra, cần lưu ý thêm về dân cư xung quanh, hạ tầng để có cơ sở việc sản phẩm bất động sản sẽ sinh lợi trong tương lai.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư Tp..HCM) cảnh báo, tình trạng "sốt" đất kéo dài khiến nhiều đối tượng lợi dụng giấy tờ giả để lừa đảo. Trước thông tin giá đất tăng và nhiều dự án mở bán, người dân cần cảnh giác, xác minh kỹ tại cơ quan nhà nước, văn phòng công chứng để tránh rủi ro.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo, không theo tâm lý đám đông
Theo thông báo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tại các địa phương trên cả nước, chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, thành, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý FOMO (sợ bỏ lại phía sau) của nhà đầu tư. Trước các thông tin này, họ tỏ ra khẩn trương và vội vàng hơn trong các quyết định "xuống tiền".
VARS cho rằng, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững, cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội… Do đó, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Bởi những cơn sốt đất theo tin thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá "kỳ vọng", đã bị đẩy lên quá cao.