Đất nông nghiệp ngày càng suy kiệt

Kết quả điều tra, đánh giá đất trên phạm vi toàn quốc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021 cho thấy, đất sản xuất nông nghiệp có 114.000ha bị thoái hóa nặng, 1.655.000ha thoái hóa trung bình và 3.308.000ha bị thoái nhẹ.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp sạch tại hội nghị.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp sạch tại hội nghị.

Ngày 14/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững”.

Theo thống kê, tại Việt Nam, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25ha. Trong khi bình quân trên thế giới là 0,52ha, bình quân trong khu vực là 0,36ha.

Không những thế, sức khỏe đất cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần xử lý. Phần lớn các nhóm đất Việt Nam là các nhóm đất có vấn đề.

70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Miền Trung cũng là khu vực có nhiều đất đai có hiện tượng thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang mạc cằn cỗi.

Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng.

Tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên (hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn) và thoái hóa do tác động của con người (thâm canh, tăng vụ hoặc cơ giới hóa đồng ruộng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện).

Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng, từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng.

Từ những thực trạng trên, các chuyên gia, nhà quản lý nhấn mạnh, vai trò quan trọng của “sức khỏe” đất và các vấn đề mà ngành trồng trọt đang phải đối mặt là đáng báo động.

Để hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, việc nghiêm túc đánh giá hiện trạng và định hướng quản lý “sức khỏe” đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững rất cấp thiết, có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Suy thoái đất dẫn đến hoang mạc hóa có thể ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất đến môi trường và sinh kế của người dân. Hiện tượng này cũng là căn nguyên của sự biến mất các thảm thực vật, ngập lũ, xâm ngập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của các con sông, hồ.

Để nâng cao “sức khỏe” đất, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát, xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện các biện pháp cải tạo đất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nhanh hoạt động dịch vụ nông nghiệp.

Đồng thời, có những chính sách khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm “sức khỏe” đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc đánh giá chất lượng đất để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững; thực hiện việc đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các đề tài gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, chuyển đổi số, cho hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ mới thực hiện dựa trên cơ sở khai thác/kế thừa, tận dụng tối đa kết quả của các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế đã và đang triển khai…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dat-nong-nghiep-ngay-cang-suy-kiet-post814273.html