Đất nước nhìn từ Bạch Đằng Giang
Nằm cách trung tâm TP.Hải Phòng hơn 20km, Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) được mệnh danh là nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi bởi gắn liền với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử hào hùng của dân tộc Đại Việt. Nơi đây là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Nơi tưởng nhớ các bậc anh hùng hào kiệt
Từ cổng khu di tích, men theo con đường dẫn lối ra sông Bạch Đằng là Quảng trường Chiến Thắng được xây nổi trên mặt sông. Đây là nơi đặt 3 bức tượng hoành tráng 3 vị anh hùng hào kiệt: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.
Trong lịch sử, tại dòng sông Bạch Đằng này, năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; năm 981, Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống; năm 1288, Trần Hưng Đạo dẹp tan quân Mông Nguyên mưu đồ cướp mất nước ta.
Giang Văn Minh từng có câu đối bất hủ: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Bạch Đằng thuở trước máu còn loang) là để nhắc nhở con cháu đời sau không được phép quên lãng công lao của tiền nhân thuở trước.
Mỗi khi bước đến bên bờ sông Bạch Đằng là thấy cả một thời kỳ lịch sử hào hùng, nghe từ cõi xưa vọng về âm thanh hùng tráng của những ngày các vị anh hùng hào kiệt lãnh đạo Nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi.
Bãi cọc Bạch Đằng - chứng tích của một thời đau thương và hào hùng
Đứng trên Quảng trường Chiến Thắng nhìn ra sông Bạch Đằng, thu vào mắt người tìm về lịch sử là hình ảnh bãi cọc được tái hiện, mô phỏng, bằng chất liệu bêtông cốt thép. Đây không phải là bãi cọc thật (hiện tại ở Hải Phòng phát hiện và lưu giữ 2 bãi cọc là Cao Quỳ và Đầm Thượng, được cho là bãi cọc thật, liên quan đến nhiều trận chiến chống quân xâm lược phương Bắc) nhưng có giá trị khơi nhắc về những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng. Sông Bạch Đằng hùng vĩ và oanh liệt xưa kia giờ đây lặng sóng, gắn chặt với cuộc đời của những người sống ở hai bên bờ sông, đi vào những trang sử vẻ vang, vào thơ, phú,... và hóa thành linh hồn của đất nước.
Đến thăm sông Bạch Đằng không chỉ là một cuộc du ngoạn để ngắm nhìn cảnh sắc non sông mà còn là lần theo vết tích sử sách, đến để hiểu thêm về lịch sử - nguồn cội của dân tộc, từ đó sống có trách nhiệm hơn với quê hương, Tổ quốc.
Những vết tích còn sót lại
Đến Khu di tích Bạch Đằng Giang, ta không chỉ đứng ở Quảng trường Chiến Thắng để tưởng nhớ công lao của Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức vương Ngô Quyền, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương hay vào thăm các ngôi đền thờ 3 vị tướng quân trong khuôn viên khu di tích mà còn tận mắt ngắm nhìn những hiện vật được lưu giữ trong bảo tàng.
Những cọc gỗ năm xưa các vị tướng quân đóng xuống lòng sông tạo thế gọng kìm đưa thuyền giặc vào cửa tử; chiếc thuyền gỗ - phương tiện quân ta dùng để bơi ra sông diệt giặc; vũ khí được dùng trong 3 trận chiến chống quân xâm lược;... mà các nhà khảo cổ học tìm thấy dưới đáy sông Bạch Đằng đều được trưng bày trong không gian bảo tàng. Bước vào đây, ta hiểu thêm về lịch sử của dân tộc mình, cụ thể hóa được những bài học lịch sử trong nhà trường.
Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang chính là nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến với vùng đất Tràng Kênh - Hải Phòng./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dat-nuoc-nhin-tu-bach-dang-giang-a175050.html