'Đất Nước' quay trở lại đề thi Ngữ văn, giáo viên dự đoán sẽ có nhiều điểm 7-8

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay được nhiều giáo viên đánh giá vừa sức và phù hợp với Gen Z, thế hệ được cho là có cá tính mạnh mẽ, không ngại trước bất kỳ thử thách nào.

Năm nay, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn sát với đề minh họa và vẫn được giữ nguyên so với các kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn trong 120 phút, hình thức làm bài là tự luận với đề thi gồm hai phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024.

Ở phần Đọc hiểu, đề thi đặt ngữ liệu là bài viết "Dòng sông và những thế hệ của nước" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều được in trong tập chuyên đề Viết & Đọc - Chuyên đề mùa thu 2023.

Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết. Đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ cơ bản và không hề làm khó cho thí sinh.

Câu 3 và câu 4 khó hơn một chút khi yêu cầu thí sinh lí giải tác dụng của việc liên tưởng và rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ đoạn ngữ liệu.

Theo nhiều giáo viên nhận định, phần ngữ liệu Đọc hiểu giàu chất văn, độ khó vừa phải để phân loại thí sinh. Câu số 4 của đề thi khá hay khi lấy hình ảnh hình ảnh giọt nước - đại dương để đề cập đến mối quan hệ giữa cá nhân - cộng đồng. Câu hỏi này một mặt có thể giúp những thí sinh có sự trải nghiệm và suy tư sâu sắc thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống, nhưng mặt khác cũng có thể tạo điều kiện cho một số thí sinh đưa ra những suy nghĩ hời hợt, khuôn mẫu và sáo rỗng.

Nhiều thí sinh hoàn thành khá tốt các câu hỏi 1 đến 3 ở phần Đọc hiểu, câu số 4 cần nhiều thời gian hơn. Ảnh: Văn Tùng.

Nhiều thí sinh hoàn thành khá tốt các câu hỏi 1 đến 3 ở phần Đọc hiểu, câu số 4 cần nhiều thời gian hơn. Ảnh: Văn Tùng.

Ở phần Viết, câu 1 có sự kết nối khá chặt chẽ với phần Đọc hiểu khi yêu cầu thí sinh viết đoạn văn 200 chữ trình bày về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Nhìn tổng thể, đề thi yêu cầu thí sinh bàn về một vấn đề rất thiết thực với bất kì lứa tuổi nào trong cuộc sống, đặc biệt là tuổi trẻ ngày nay - Gen Z, thế hệ mang trọng trách giữ gìn bản sắc, cá tính trước bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá lớn để các thí sinh có thể bàn luận sâu sắc. Giáo viên dự đoán rằng ở câu hỏi này, các thí sinh khó đạt được điểm tối đa. Nhưng ở một góc độ khác, câu hỏi này phần nào đạt được mục tiêu phân hóa bài làm của các thí sinh.

Đối với câu 2, đề thi tiếp tục vào bài Đất Nước (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm). Đây cũng là tác phẩm được số đông netizen "dự đoán" nên có lẽ không làm khó cho các teen 2K6. Tuy vậy, lệnh phụ của đề sẽ có tác dụng phân hóa khi yêu cầu thí sinh nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn đầu của tác phẩm. Những thí sinh có năng lực tư duy tốt có thể thực hiện tích hợp hai yêu cầu của đề, tránh được sự trùng lặp những nội dung đã phân tích.

Nhìn chung, giáo viên cho rằng đề thi có sự kết nối, tạo được mạch về chủ đề đất nước và con người, tạo cơ hội cho thí sinh làm bài đạt điểm cao. Ảnh: Văn Tùng.

Nhìn chung, giáo viên cho rằng đề thi có sự kết nối, tạo được mạch về chủ đề đất nước và con người, tạo cơ hội cho thí sinh làm bài đạt điểm cao. Ảnh: Văn Tùng.

Đề thi năm nay đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Tính phân loại của đề nằm ở các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, chủ yếu được ghi nhận qua sự đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

Team H2T miền Nam

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/dat-nuoc-quay-tro-lai-de-thi-ngu-van-giao-vien-du-doan-se-co-nhieu-diem-7-8-post1649848.tpo