Đất nước thống nhất, có những gia đình lại chia ly
Non sông liền một dải, niềm hân hoan vỡ òa, nhưng có những gia đình lại mãi chia ly. Câu chuyện của cô họ tôi gợi nỗi xót xa.
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 đất nước tạm chia làm hai miền, những đoàn quân đi tập kết ra Bắc từ biệt người thân hẹn 2 năm tổng tuyển cử thống nhất sẽ trở về. Trong đoàn quân ấy, có chú Hưng, tuổi 27, vừa kịp nhìn mặt đứa con trai đầu lòng ra đời, người cha ấy đã vội vã từ giã vợ con từ thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) xuyên rừng ra Bắc. Chú Hưng được cử về công tác ở phòng lương thực ở quê tôi – huyện Ba Vì (Hà Tây cũ) bên bờ sông Hồng.
Mỹ nhảy vào miền Nam, Hiệp định Giơnevo bị phá vỡ; cuộc hẹn 2 năm trở thành cuộc chia ly đằng đẵng qua 2 thập kỷ. Không thể trở về với vợ con như đã hẹn, ngày ngày, trên đấ Bắc, chú Hưng đạp xe đi khắp các làng, xã trong huyện, quản lý các kho lương thực do dân nhập thóc trong phong trào “lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người” khi tiền tuyến miền Nam gọi. Chú đến quê tôi, cô họ tôi làm thủ kho của xã; do khoảng cách tuổi tác nên cô tôi cũng chỉ ấn tượng về chú là người đàn ông điềm đạm, giản dị, chất phác, tận tụy với công việc. Lúc ấy, hầu hết trai làng cùng thế hệ với cô đều “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; ở hậu phương, cô tích cực tham gia nhiều hoạt động, tất cả miền Nam ruột thịt. Cả xóm chỉ mình cô là đảng viên nữ, tích cực đi đầu trong phong trào “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, đến khi ngoảnh lại thì đã quá lứa lỡ thì. Càng lớn tuổi, sức khỏe chú Hưng suy giảm bởi bệnh đau dạ dày do ăn uống thất thường. Cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, thương chú sớm tối một mình, cơ quan, đoàn thể vun vào với cô họ tôi để chú có người chăm sóc. Giữa năm 1974, cô tôi 30, chú Hưng xấp xỉ 50, hai người đã làm mâm cơm công bố với tổ chức, làng xóm thành vợ thành chồng.
Đất nước thống nhất, niềm vui vỡ òa giữa ngày hội non sông, thì tháng 5/1975 đứa con trai đầu lòng ra đời, chú đặt tên là Thống Nhất. Đúng lúc lửa rơm đang đượm thì niềm riêng giằng xé. 20 năm sống xa quê, hình ảnh con sông Đà Rằng - nơi có người vợ hiền một dạ đợi chờ, vượt qua những sự khắc nghiệt của thời cuộc, thôi thúc chú Hưng trở về. Chú đành dứt áo với cô tôi, về quê đoàn tụ cùng vợ và con trai đã trưởng thành. Được Tỉnh ủy Phú Yên sắp xếp vào công việc phù hợp, được sống làm việc trên quê hương Tuy Hòa khi non sông liền một dải, chú Hưng lại canh cánh nỗi niềm với cô tôi cùng đứa con trai vừa lọt lòng.
Đầu năm 1976, khi anh Nhất mới gần 1 tuổi, không kìm nén được nỗi nhớ, cô tôi dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được, ôm con vượt hơn 1500 cây số lặn lội vào Tuy Hòa thăm chồng. Chéo ngoe trong tình cảnh vợ nọ, con kia; người vợ cả chỉ biết lặng lẽ, cảm thông cho chồng bởi thời gian đã lấy đi thanh xuân, bà không thể sinh thêm con được nữa. Họ có những ngày sống với nhau trong một mái nhà một chồng - hai vợ - hai con. Để khi lưu luyến trở về miền Bắc, cô tôi phát hiện mình mang thêm một giọt máu của chú Hưng. Một mình một bóng, con trong, con ngoài, đầu năm 1977, cô sinh em Hoài. Hoài có nghĩa là nỗi nhớ - nỗi nhớ của cô về một người đàn ông không chỉ của riêng mình.
Hoài sinh trước tôi hai tháng, ở cạnh nhà, lại là em họ, nên dường như cô sinh em để mang đến cho tôi một người bạn, để tuổi thơ của tôi thêm đậm vị. Chúng tôi lớn lên bên nhau, học cùng lớp, cùng chơi những trò chơi con trẻ. 3 mẹ con sống với nhau trong một ngôi nhà vắng người cha, nhưng cô vui vì có “cả nếp, cả tẻ”. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, những câu chuyện kể về chồng luôn là món quà tiếp nghị lực sống cho các con lấy đó làm điểm tựa tinh thần. Mỗi ngày Hoài lớn lên, đều là những câu chuyện về bố, những kỷ niệm nhỏ nhặt giữa chú và cô. Câu chuyện nào được mẹ kể, Hoài cũng tìm ngay tôi để sẻ chia. Dù chưa một lần được gặp bố mà Hoài mô tả sống động bằng trí tưởng tượng đẹp đẽ, ngộ nghĩnh: mắt to, môi dày, điềm tĩnh, dáng cao gầy, mặt lúc nào cũng nhăn nhó khắc khổ (vì đau dạ dày... Hoài kể tôi nghe cả những kỷ niệm của bố mẹ, ngày bố mẹ gặp nhau, ngày cưới, ngày bố về miền Nam. Những câu chuyện tưởng tượng về bố của Hoài thì không bao giờ cạn, trong đó luôn chất chứa khát khao được gặp bố.
Mùa hè năm 1985, lúc đó tôi và Hoài 8 tuổi, vừa học xong lớp 2, anh Nhất 10 tuổi; sự mong mỏi của Hoài thành hiện thực khi một lần nữa, cô tôi dành hết số tiền vừa nuôi con vừa ki cóp được, đưa 2 con đi thăm chồng. Không thể nói hết niềm háo hức của Hoài những ngày chuẩn bị lên đường làm tôi cũng cảm thấy như sôi lên cùng nó. Khi ấy, miền Bắc cuộc sống vô cùng khó khăn, công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, thời bao cấp, kiếm miếng cơm ăn còn khó, chứ nói gì đến việc có tiền để đi đây đi đó. Tôi còn nhỏ nhưng thường xuyên phải ăn khoai, sắn. Hoài lên đường vào Nam thăm bố, một mùa hè tôi chờ đợi, tôi mong Hoài về, buồn vì không có bạn để chơi, buồn vì vắng Hoài mùa hè kém phần dữ dội.
Buổi chiều cuối hè, nắng nhạt, ngoài ngõ xôn xao, cô họ tôi cùng 2 con “đi miền Nam” về, Hoài chạy ngay qua nhà tôi. Suốt cả buổi tối và những ngày sau đó là những câu chuyện về bố, về quê hương bố, về tất cả những gì mắt thấy tai nghe trên đường. Từ chuyện tàu lửa thống nhất dài ngoằng đến cả trăm toa, trượt trên đường ray, chạy qua các nhà ga, đến Đà Nẵng lại chạy giật lùi (NV: đổi đầu kéo); anh Thống mượn xe ô tô đưa cả nhà đi chơi từ Tuy Hòa vào Nha Trang, xa lắm; chợ Đầm – Nha Trang là một tòa nhà tròn xoay, đi một vòng lại về chỗ cũ; ở quê Tuy Hòa người ta gọi bố là ba, “bố tớ già lắm, lại gầy nữa, bố xưng ba với tớ, ôm bụng đau suốt”; mẹ cả lặng lẽ, chả nói gì; ở miền Nam nhiều hàng quán, có các món ăn lạ lắm: bún bò giò heo, lẩu cá mú... Nghe nó kể huyên thuyên, rồi mô tả chi tiết mà tui chỉ biết dõi theo, thi thoảng xen vào được một câu “món đó ăn có ngon không, bố Hoài có hỏi chuyện Hoài ở nhà chơi với ai không, Hoài có được đi chơi Sài Gòn không”... Nó chỉ kịp dừng lại “Sài Gòn xa lắm, đi phải mất 2 ngày, nên không đi”, rồi lại kể tiếp. Chỉ một chuyến đi mà Hoài kể cho tôi nghe suốt cả cả năm học lớp 3 không hết chuyện, qua năm lớp 4, rồi thưa dần, nhạt nhòa theo sự lớn lên của chúng tôi.
Quê tôi là làng nghề đan nón truyền thống. Ở trường tôi và Hoài đua nhau học, ở nhà đua nhau làm. Chúng tôi còng lưng khâu nón, kim đâm vào hai đầu ngón trỏ nát băm tứa máu, mũi kim nọ chồng lên mũi kia xóa nhòa cả dấu vân tay, lúc nào cũng cảm giác đau. Nhà nước chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kho hợp tác xã không còn nữa, cô tôi không làm thủ kho; quay về với ruộng vườn, việc một mình nuôi hai con tuổi ăn tuổi học, cuộc sống trở nên thiếu thốn. Cô vững vàng vượt qua khó khăn nuôi các con nên người. Năm 2000, sau bao nhọc nhằn, Hoài tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, điều đầu tiên nó nghĩ đến là vào Phú Yên tìm bố. Bao năm gặp lại con, chú Hưng đã quá già, không thể bù đắp. Chẳng bao lâu chú cũng qua đời để lại những đứa con cả đời chỉ được gặp bố một đôi lần, để lại 2 người phụ nữ và những khoảng trống khó lấp đầy. Một người 20 năm chung thủy nuôi con chờ chồng; đến khi đất nước trọn vẹn thống nhất thì chồng trở về không còn trọn vẹn; một người (là cô tôi) một đời coi chú là chồng duy nhất, có với nhau 2 mặt con, nhưng số ngày sống bên nhau đúng nghĩa vợ chồng chỉ kể trên đầu ngón tay, cả đời khắc khoải chờ đợi trong vô vọng, xót xa… Cô họ tôi nay đã 76 tuổi, Nhất và Hoài đều thành đạt công tác ở Hà Nội là thành quả mà cô được đền đáp cho một đời một mình nuôi con.
45 đất nước thống nhất, quê hương thanh bình, niềm hạnh phúc trào dâng trong từng mái nhà; nhưng để làm nên khúc ca khải hoàn, có máu, có xương, có nỗi nhớ, nỗi đau và những niềm riêng.