Đất Phán Hùng và xóm Bắc ngày xưa

Từ cầu Kiệu đi dọc theo đường Phan Đình Phùng về ngã tư Phú Nhuận sẽ thấy con đường nhỏ Cô Giang nằm bên phải, ngày xưa gọi là hẻm Đội Có. Nằm sâu phía trong con đường có một xóm người Bắc trên một mảnh đất được gọi là đất Phán Hùng.

Đây là cộng đồng người Bắc theo đạo Phật hoặc thờ ông bà, khác với đa số xóm người Bắc là giáo dân Công giáo trên đất Sài Gòn - Gia Định. Cộng đồng này vào đây sống từ giữa thập niên 1940 và cả trong đợt di cư năm 1954. Họ cùng nhau xây nên chùa Hải Đức vào năm 1947 (thờ Phật, Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần) và đền Hùng Vương vào năm 1961, có kiến trúc và trang trí kiểu đền chùa miền Bắc.

Đền Hùng Vương có kiến trúc và trang trí kiểu đền chùa miền Bắc. Ảnh: Trung Dũng

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa là cư dân đất Phán Hùng từ khi sinh ra năm 1961 và sống suốt thời niên thiếu ở đất này. Như mọi cư dân ở đây, bố của anh theo bố mẹ từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Ông bà may mắn vì tụ được về đây để cùng sống với cộng đồng người Bắc đồng hương Hải Dương.

Người đến sau khó có chỗ tốt. Đa số người Nam và người gốc Hoa sống ở phía mặt tiền đường Cô Giang và các hẻm phía ngoài. Người Bắc di cư vào sâu bên trong, tới cuối đường chỗ đặt tấm bảng chùa Hải Đức, rẽ phải và sau khi đi qua một nghĩa trang, đến một khu đầm lầy.

Họ đổ đất hình thành một khu dân cư nằm ở hai bên đường hẻm gọi là hẻm Phán Hùng, chia ranh giới hai xóm là xóm Bắc và xóm Nam (Bắc Nam ở đây chỉ phương hướng, chứ toàn bộ cư dân hai xóm đều là người gốc Bắc). Xóm Nam giáp nghĩa trang và xóm Bắc giáp khu đầm lầy phía sau chùa Hải Đức mà sau này hình thành một ruộng rau muống. Thời đó, đa số là nhà gỗ lợp mái tôn.

Người Bắc di cư vào sâu bên trong đường Cô Giang, tới cuối đường chỗ đặt tấm bảng chùa Hải Đức, rẽ phải và sau khi đi qua một nghĩa trang, đến một khu đầm lầy. Họ đổ đất hình thành một khu dân cư nằm ở hai bên đường hẻm gọi là hẻm Phán Hùng. Ảnh: Trung Dũng

Trong xóm có một cái giếng công cộng nhiều người nhắc đến là giếng Phán Hùng. Giếng nằm ven hẻm Phán Hùng nói trên phía xóm Nam. Không ai biết cái giếng có từ khi nào. Trước năm 1975, giếng nằm trong khuôn viên là một bờ xi măng hình tròn đường kính vài mét xây cao hơn mặt đất hai tấc để tránh bùn đất văng vào miệng giếng và để người trong xóm đứng hứng nước, đặt thùng.

Riêng cái giếng có đường kính 1m, thành cao 1m. Khi chưa có nước thủy cục, giếng cung cấp nước cho cả xóm, rất tiện lợi. Mãi vài năm sau 1975 người ta vẫn dùng nước lấy từ giếng. Đến nay, giếng vẫn còn nhưng cái bệ rộng chung quanh đã mất hẳn, chỉ còn mỗi cái giếng trơ trọi ven đường hẻm. Phong tục cúng giếng từ ngày xưa vào trưa giao thừa vẫn còn, do những nhà quanh đó bày cúng dù tất cả người dân đã chuyển sang dùng nước máy.

Cùng sống với nhau qua vài năm, một số gia đình gốc Bắc ở xóm Nam khi cuộc sống khá hơn hay vì lý do nào đó đã bán nhà đi nơi khác sinh sống. Trong xóm đã xen lẫn người tứ xứ. Nhưng ở xóm Bắc, hầu như không ai rời khỏi đây trong suốt thời gian dài trước năm 1975.

Lý do là họ không muốn rời khỏi ruộng rau muống, vốn là mỏ vàng đối với họ. Không ai ngờ ruộng rau muống trên khu đầm lầy giáp rạch Nhiêu Lộc rất tươi tốt, bỏ mối đi khắp các chợ. Nhiều người trồng rau muống ở đây dần khá giả, có người còn mở được tiệm vàng. Cho đến sau năm 1975, số người vượt biên từ đây khá đông vì có vàng tích trữ sẵn.

Giếng Phán Hùng có từ lâu đời. Ảnh: Trung Dũng

Trong số cư dân sinh sống ở xóm này có hai nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà danh ca Thanh Tuyền nằm ở phía hẻm ngoài từ đường Cô Giang rẽ vào. Đây là ngôi nhà của gia đình và cô đến ở chung. Thỉnh thoảng, người đi ngang nhà nghe tiếng hát trong đó vẳng ra. Sau năm 1975, cuộc sống khó khăn, mẹ của cô bày sạp bán bún vịt ở phía dưới bảng cổng chùa Hải Đức, còn ba của cô sửa xe đạp bên cạnh.

Nhà nghệ sĩ hài Thanh Hoài nằm ven hẻm, thuộc xóm Nam. Trên tivi, ông diễn kịch rất vui vẻ, dễ tính nhưng trong xóm ít khi giao thiệp với ai, đi vắng suốt ngày. Ông có một chiếc xe hơi riêng là chiếc xe con cóc sơn màu trắng gửi nhờ chỗ khác. Sau năm 1975, ông rời đất Phán Hùng về sống ở nhà bà vợ sau trên đường Huỳnh Văn Bánh.

Anh Nghĩa đi nghĩa vụ quân sự năm 18 tuổi. Từ đó, anh không cư ngụ ở đó nữa nhưng kỷ niệm về đất Phán Hùng thì vẫn nhớ như in. Anh nhớ cái nhà bỏ hoang khi còn nhỏ mà ai cũng gọi là nhà ma. Từ cuối đường Cô Giang quẹo phải đi vào vài chục mét, ngang một nghĩa trang nhỏ, tiếp tục đi thẳng vô, trước khi gặp cái giếng có một ngã ba rẽ phải, sẽ thấy ngôi nhà này.

Nhà xây trên miếng đất lớn ngang 7-8m, sâu 15-16m và có một trệt một lầu. Cư dân ở đó kể rằng hầu như không ai ở được ngôi nhà này. Người mua ở không được, phải bán. Người mua sau bán lại không ai mua. Người thừa kế ở không được vẫn không bán được. Sau, chủ nhà bỏ luôn, từ trước năm 1975. Một số người vô gia cư vào ở rồi hôm sau bỏ đi ngay. Sau năm 1975, nhà nước dùng ngôi nhà làm điểm đổi tiền, họp tổ dân phố...

Chùa Hải Đức với mặt tiền nằm trên đường Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận. Ảnh: Trung Dũng

Vài nhân vật xóm Phán Hùng, tuy vô danh nhưng cả xóm đều biết. Trong xóm có ông Ba Thời Sự, một cư dân cố cựu đất này. Không mấy người biết tên thật của ông nhưng vì chuyện gì ông cũng biết nên đặt tên như vậy.

Khoảng thập niên 1960, ông đã gần tám mươi tuổi, cao lớn, đầu hói có chút tóc bạc, thường hay bận đồ bà ba màu cháo lòng. Ông sống một mình trong căn nhà ở đầu xóm Nam dựa lưng vào nghĩa trang, có kiến trúc kiểu xưa, mái lợp ngói, vách gỗ chạm trổ cầu kỳ, nền cao, mặt tiền rộng 12-14m, có hành lang chung quanh và hàng rào gỗ cũng kiểu xưa.

Chung quanh nhà ông là nhà các anh em trong gia đình của ông, nhà nào cũng khang trang. Đám trẻ trong xóm thích ra chơi với ông, đứng xung quanh nghe ông kể chuyện. Ông ngồi trên bậc thềm nhà, kể đủ thứ chuyện thời sự, thỉnh thoảng cho đám con nít vài cục kẹo. Nhìn đâu ông cũng có chuyện kể, nhìn cái giếng hay khu nghĩa địa là ra ngay mấy chuyện ma quái ở đó.

Còn một nhân vật khác, luôn nằm trong cõi nhớ của cư dân ở đây dù không mấy ai nhớ tên, đó là bà bán bún gạo chay. Bà bán ngay tại nhà riêng gần nhà thờ Phú Hải. Mỗi ngày bà bày ra hàng bún gạo gồm một thau to đựng bún gạo và mì đã trụng sẵn. Mì hoặc bún ăn với đồ la-ghim như cà rốt, su su, cải ngọt luộc và tàu hủ xắt mỏng, chan nước tương. Đây là món chay bình dân, giá rất rẻ, chỉ bằng 10 ngàn đồng bây giờ. Dáng bà mập mạp, da ngăm ngăm, thấp, xởi lởi và niềm nở với con nít. Khách đến ăn tại chỗ hay mua về, đa số là người bình dân, ăn lấy no nhưng yên tâm vì ngon và sạch. Mỗi ngày bà bán tới hai thau bún và mì.

Đầu đường Cô Giang - Phan Đình Phùng đi vào, ngày xưa gọi là hẻm Đội Có. Ảnh: Trung Dũng

Cộng đồng người Bắc ở đây sống gắn kết với nhau vì tình đồng hương và mối quan hệ cật ruột. Ông ngoại của Nghĩa, vốn là quan ba của Pháp sống bên kia con kinh, sau này là con đường hẻm Phán Hùng. Nhà anh trước đây còn giữ được cây kiếm lệnh bằng gỗ mà ông ngoại mang theo từ Bắc vào Nam và một cái gối đan bằng mây.

Bên này con kinh có nhà phía bên nội của anh. Ông nội anh còn giữ cái mền con công của Tàu. Người Bắc vào Nam sống trong xóm như mang cả phong tục từ cố hương vào, phụ nữ vẫn mặc áo cánh, quần đen, còn giữ nguyên răng đen, vấn tóc. Riêng đàn ông ra ngoài giao tiếp nhiều nên ăn mặc theo Âu phục.

Lễ Tết diễn ra y như ngoài kia, nhà nào cũng có nồi bánh chưng tự gói tự nấu, không ai đi mua. Lễ lạt cúng kiếng vẫn giữ như cũ, cúng giao thừa ngoài trời, có con gà, xôi vò, chè đậu xanh đánh. Ngày Tết phải có người tuổi tốt đến xông đất, đi chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Hải Đức, ra về hái lộc ở chùa hoặc có khi từ một nhà ven đường.

Đi vào đường Cô Giang sẽ bắt gặp Thánh đường Giáo xứ Phú Hải. Ảnh: Trung Dũng

Sau này khu ruộng rau được san lấp, hình thành khu đô thị mới với các con đường mang tên các loại hoa như Hoa Đào, Hoa Lan, Hoa Mai... Trung tâm Thể dục Thể thao Rạch Miễu hiện nay nằm giữa ruộng rau muống ngày xưa.

Đến khi sống ở nơi khác, Nghĩa vẫn không biết Phán Hùng là ai. Phải chăng đó là người chủ đất tên Hùng có chức vụ thông phán, một dạng viên chức bậc trung làm việc ở các công sở trong thời Pháp thuộc?

Phạm Công Luận

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dat-phan-hung-va-xom-bac-ngay-xua-38999.html