Đất rộng, nhiều khoáng sản, Đắk Lắk vẫn thiếu vật liệu xây dựng
Hầu hết các vật liệu xây dựng khác tại Đắk Lắk đều phải nhập về từ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định và một số địa phương khác.
Sáng 4/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Sở Xây dựng Đắk Lắk phối hợp với Viện Vật liệu Xây dựng, thuộc Bộ Xây dựng, tổ chức “Hội nghị phổ biến, giới thiệu chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030 và 2030 định hướng đến năm 2050”.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, rộng thứ 2 Tây Nguyên và đứng 4 cả nước. Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, thuận lợi cho việc sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Vật liệu Xây dựng, thuộc Bộ Xây dựng, ở Đắk Lắk hiện nay mới chỉ sản xuất được 7 chủng loại vật liệu xây dựng, gồm: Khai thác đá khối và chế biến đá ốp lát, sản xuất vật liệu xây (gạch đất sét nung và vật liệu xây không nung), sản xuất vật liệu lợp (chủ yếu là gia công tấm lợp kim loại), khai thác và chế biến đá xây dựng, khai thác cát xây dựng và sản xuất bê tông (bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện). Hầu hết các vật liệu xây dựng khác đều phải nhập về từ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định và một số địa phương khác.
Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển các mỏ khoáng sản như cát, đá xây dựng, mỏ đất đắp thiếu đồng bộ và quy mô nhỏ… Điều này dẫn tới tình trạng thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm của Đắk Lắk thiếu vật liệu cơ bản, nổi cộm là đất đắp và san lấp mặt bằng.
Để giải quyết các tồn tại, ông Trần Hồng Vinh – phó Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk, kiến nghị: “Phục vụ cho các công trình trọng điểm thì hiện nay tỉnh đã có kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ là cho cơ chế đặc thù, các mỏ vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc là không cấp phép, mà đưa vào trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sau đó làm các thủ tục liên quan để rồi khai thác. Chúng ta cũng cần có quy hoạch dài hạn về sản xuất vật liệu xây dựng. Kêu gọi các doanh nghiệp tới đầu tư để xây dựng các nhà máy gạch tuynel, xi măng…”.