'Đất rừng phương Nam' có vượt qua cái bóng của bản truyền hình?
Remake (làm lại) bộ phim truyền hình nổi tiếng 'Đất phương Nam', không ngạc nhiên khi dự án phim điện ảnh 'Đất rừng phương Nam' lập tức bị đưa lên bàn cân so sánh ngay từ lúc mới đánh tiếng. Sau 5 năm ấp ủ, bộ phim lên hình hài và ấn định ngày công chiếu thì những lời bàn tán, so sánh càng trở nên ồn ào, gay gắt bởi đây là lần đầu tiên phim Việt được remake.
Bản điện ảnh “Đất rừng phương Nam” do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Đó là cuộc hành trình đi tìm cha của cậu bé An qua Nam Kỳ Lục tỉnh trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi chia tay thầy giáo Bảy, An và mẹ bắt đầu hành trình xuôi về phương Nam để tìm cha. Không may mẹ bị tử nạn trên cầu trong một cuộc bạo loạn.
Thoát chết, An được đại ca chuyên trộm cắp vặt Út Lục Lâm cưu mang, dạy các ngón nghề kiếm sống. Chuyến phiêu lưu của cậu bé trên mảnh đất Nam bộ hào sảng, thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ còn có sự đồng hành, chở che của những con người hồn hậu, nghĩa tình như bác Ba Phi, ông Tiều, ông Ba bắt rắn, thằng Cò, bé Xinh, Võ Tòng...
“Đất rừng phương Nam” dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc vào ngày 20/10. Tại buổi giao lưu, gặp gỡ báo chí ngày 20/9, nhà sản xuất đã tiết lộ những con số “khủng” về mức đầu tư cho bộ phim này: hơn 40 diễn viên chính và phụ, hơn 3.600 lượt diễn viên quần chúng, khoảng 6.000 món đồ đạo cụ được sử dụng, trong đó có gần 200 xe cộ, ghe xuồng, thuyền gỗ được đóng mới để quay đại cảnh chợ nổi miền Tây sông nước... Bối cảnh trải dài qua sáu tỉnh thành Nam bộ như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh. Đại diện nhà sản xuất, ông Nguyễn Trí Viễn ước tính kinh phí đầu tư cho bộ phim lên tới 100 tỷ đồng. Với con số trên, có thể coi đây là bộ phim chịu chi nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam tính đến thời điểm này.
Tuy vậy, dấu ấn sâu đậm của phim truyền hình “Đất phương Nam” trong lòng khán giả nhiều thế hệ khiến bản điện ảnh không ngừng bị đặt dấu hỏi. Bộ phim phát sóng năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trở thành tác phẩm kinh điển trên màn ảnh nhỏ và trở thành tượng đài khó xô đổ đến tận bây giờ. Dù phiên bản điện ảnh được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cố vấn nội dung nhưng khán giả khó xóa đi hình ảnh thằng An, thằng Cò, bác Ba Phi do Hùng Thuận, Phùng Ngọc, Mạc Can đóng trong “Đất phương Nam” ngày nào. Trong lòng họ vẫn lấn cấn khi đón nhận hình ảnh một bé An mới do Hạo Khang thủ vai, một thằng Cò do cậu bé Kỳ Phong đảm nhận. Tuy vậy, ít ra hai bé đều là gương mặt mới toanh nên khán giả vẫn đặt nhiều kỳ vọng để bé An, thằng Cò xuất hiện đầy tươi mới, hồn nhiên.
Gây tranh cãi và lo ngại nhất chính là nhân vật bác Ba Phi của Trấn Thành và Võ Tòng của Mai Tài Phến. Bởi đây không chỉ là hai diễn viên quá quen thuộc mà còn vì sự trật ray với hình tượng nhân vật trong mặc định lâu nay của khán giả. Ngay ở vài thước phim trình chiếu tại buổi họp báo, người xem đã thấy sự gượng gạo, không phù hợp trong cách tạo hình, diễn xuất của hai nhân vật.
Trấn Thành mới 36 tuổi nên rất khập khiễng khi vào vai ông già Nam bộ bác Ba Phi. Dù đã được hóa trang kỹ lưỡng với râu tóc bạc, cách diễn khòm lưng và giọng nói ồm ồm nhưng người ta thấy bác Ba Phi của Trấn Thành quá trẻ và hợp với sân khấu kịch hơn là phim điện ảnh.
Bị truyền thông truy vấn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phân trần: “Tôi không quan tâm đến tuổi của diễn viên khi casting. Nếu họ diễn được vai đó thì chỉ cần nhờ hóa trang. Tại hình ảnh chú Mạc Can trong bản truyền hình quá thành công nên mọi người mặc định bác Ba Phi là ông già 50, 60 tuổi nhưng tôi nghĩ thời đó, bác Ba Phi cỡ 40 tuổi thôi. Hồi xưa đàn ông già trước tuổi, nhất là khi họ để râu tóc dài. Trấn Thành là người hoạt ngôn, ăn nói tếu táo. Bác Ba Phi cũng vậy, ông có tài ăn nói, kể chuyện tiếu lâm rất có duyên. Tôi nghĩ ở thời điểm bây giờ, không ai hợp với vai này hơn Trấn Thành cũng như hồi năm 1997, không có ai hợp vai này hơn chú Mạc Can”.
Riêng vai dị nhân Võ Tòng dũng mãnh và nghĩa khí mà diễn viên Lê Quang một thời gây dấu ấn lại giao cho Mai Tài Phến. Vóc dáng cùng gương mặt thư sinh của anh chàng khiến khán giả không ngừng la ó. Theo diễn giải của đạo diễn, ông chọn Mai Tài Phến vì tình cờ thấy hình anh để tóc dài. Yêu cầu Mai Tài Phến nuôi râu tóc, học võ thuật, đoàn phim muốn xây dựng hình ảnh một Võ Tòng đẹp trai, phong trần, giàu lòng yêu nước, khác với vẻ dữ tợn, quái nhân của Võ Tòng trong phiên bản truyền hình. Phản bác lại lời giải thích của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, khán giả cho rằng ngoài Trấn Thành, những diễn viên có tuổi như NSƯT Thanh Nam, NSƯT Trung Dân rất phù hợp với vai bác Ba Phi. Họ lo sợ việc đặt Trấn Thành và Mai Tài Phến không đúng chỗ sẽ phá nát bộ phim, biến “Đất rừng phương Nam” thành thảm họa điện ảnh.
Remake không còn là khái niệm xa lạ với điện ảnh Việt. Rất nhiều phim Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... được các nhà làm phim xứ ta thể hiện lại trên màn ảnh rộng. Nhưng remake chính phim Việt, nhất là những bộ phim ăn khách, thì lại là chuyện lạ. Do đó phát súng tiên phong của “Đất rừng phương Nam” khiến dư luận không ngừng xôn xao, bàn tán. Nếu nhìn ra nền điện ảnh các nước khác, việc remake lại những bộ phim ăn khách trước đó của chính họ là chuyện rất đỗi bình thường. Phim “Tây Du Ký”, “Thần Điêu Đại Hiệp”, “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”... có hàng chục bản remake ở cả phiên bản truyền hình lẫn điện ảnh. Dù có thể không vượt qua cái bóng của “Tây Du Ký” năm 1986 nhưng các bản “Tây Du Ký” sau này đều ít nhiều mang lại góc nhìn mới, cách diễn giải mới với công nghệ kỹ xảo, hình ảnh tối tân. Nó góp phần tôn vinh lại nguyên tác và mang đến nhiều trải nghiệm khác nhau cho khán giả.
Đặt viên gạch đầu tiên ở phong trào “chúng ta remake phim chúng ta”, ekip phim “Đất rừng phương Nam” hy vọng mang lại góc nhìn mới cho khán giả. Ngoài vai trò diễn viên và giám đốc sáng tạo, Trấn Thành còn là một trong những nhà sản xuất của bộ phim này. Trước sự so sánh khắt khe của khán giả giữa bản điện ảnh và bản truyền hình, anh cho rằng: “Chúng ta không nên so sánh vì mỗi thời kỳ có một kiểu làm phim khác nhau. Nếu chúng ta cứ mãi so sánh với tác phẩm cũ quá hay thì chẳng ai dám làm lại bộ phim đó với công nghệ mới cả. Nếu phiên bản “Đất rừng phương Nam” được đón nhận thì nó trở thành ký ức của những người sống trong năm 2023. Biết đâu 20 năm sau sẽ có người lấy cảm hứng từ phim này và lại có phiên bản mới của năm 2043. Vậy chúng ta lại tiếp tục so sánh sao? Cho nên tốt hơn hết, chúng ta hãy cứ giữ ấn tượng đẹp với tác phẩm cũ trong lòng và cởi mở đón nhận tác phẩm mới. Tôi tin chắc rằng, mỗi phiên bản có cái hay ho, thú vị riêng của phiên bản đó”.
Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, cha đẻ của bản truyền hình chia sẻ: “Rõ ràng hai phim có hai ngôn ngữ khác nhau. Vì là chất liệu điện ảnh nên những đại cảnh hoành tráng được thể hiện rất đã mắt, đây là điều bản truyền hình không làm được. Với độ lùi thời gian hơn 25 năm, cách xây dựng nhân vật, ý tưởng, thông điệp câu chuyện sẽ có nhiều điểm khác biệt. Đây là điều tôi rất thích và mong khán giả hãy tôn trọng sự khác biệt này. Lúc đầu nhà sản xuất tỏ ý mời tôi viết kịch bản và đạo diễn luôn phiên bản điện ảnh nhưng tôi từ chối ngay vì cái chính là tôi không thể làm khác bản cũ được. Mà điều cốt yếu là phải làm mới, làm khác”. Hạo Khang cũng thú thật em chỉ coi tập đầu của bản truyền hình để hiểu tinh thần nhân vật rồi thôi. “Bác Vinh Sơn khuyên con không nên xem vì mình xem thì sẽ diễn theo lối cũ. Nghe lời bác, con đã diễn một bé An hoàn toàn mới”.
Lúc quay bản truyền hình, các thiết bị máy móc không tối tân như bây giờ. Thêm vào đó, kinh phí eo hẹp nên ekip chỉ truyền tải được phần “đất” chứ chưa khai thác được phần “rừng” trong nguyên tác. Do đó bộ phim có tựa đề “Đất phương Nam”. Ở bản điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng muốn bổ sung thiếu sót đó. Ông muốn nêu bật tinh thần của đất và rừng phương Nam cùng tình người thấm đẫm mỗi hạt phù sa nơi đây. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tự tin bộ phim sẽ là món ăn mới mẻ, cuốn hút với thế hệ khán giả gen Z. Bởi đa phần họ ít xem bản truyền hình nên sẽ không có tâm lý so sánh khi xem phim. Họ đón nhận với một tinh thần mới, khách quan.