Đất - sự sống và sự chết
Đã đến lúc cần có một quan niệm thực tế và khoa học hơn về 'không gian sống'. Nó không còn đơn thuần được đo bằng kích thước hình học. Nó phải được đo bằng khả năng sinh tồn, sinh sản và chất lượng sống trong cái không gian ấy.
>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".
Nhà phê bình Ngô Thảo nhắn tôi qua messenger rằng có vị Bộ trưởng đã về hưu, muốn mời tôi tham gia một phần nhỏ vào dự án mà ông đang theo đuổi, bằng cách cho ông ý kiến làm thế nào để nông thôn thay đổi tốt lên theo hướng hiện đại. Ông bộ trưởng cho tôi chủ động chọn vấn đề mình trình bày. Tôi rất biết ơn người mời nhưng suy đi nghĩ lại đành giữ im lặng. Thứ nhất tôi cảm thấy mình chưa đủ thẩm quyền cho bất cứ phát biểu nào về một vấn đề rõ ràng là cực kỳ ghê gớm. Nếu ai không thấy nó ghê gớm thì hoặc họ không quan tâm, hoặc họ có quá nhiều mối quan tâm khác thiết thực hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, dù quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, thì vẫn còn tới gần 70 % người dân của chúng ta sống bằng nghề nông và ở nông thôn.
Nhưng điều tôi ngại ngùng hơn là liệu những gì mình nói ra có được lắng nghe một cách nghiêm túc? Chẳng hạn, với tôi, đáng lo lắng nhất hiện nay, cũng là thứ sẽ tác động tiêu cực lâu dài đến chất lượng đời sống người dân nông thôn, là sự thu hẹp không gian sống.Nghe đã thấy trái ngược! Chắc chắn nó sẽ bị không ít người cười cợt, hoặc không coi đó là ý kiến đáng quan tâm. Nông thôn mà thiếu không gian sống, thì còn tìm thấy điều đó ở đâu? Bởi vì với những cánh đồng rộng lớn, nhiều cây cối, nguồn nước, nguồn dưỡng khí dồi dào… tình hình chưa thể nghiêm trọng đến mức phải báo động đỏ như vậy, nhất là nếu đem so với các khu vực đô thị.
Tôi hình dung trước thấy sự thất vọng của người tin cậy mình.
Tuy thế, bất cứ khi nào có cơ hội, ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, tôi vẫn kiên nhẫn nói ra quan sát và suy nghĩ của mình. Họ nghe hay không, nghe đến đâu là việc của họ. Việc của tôi là cứ phải không ngừng cảnh báo về hiện thực ấy.
Theo tôi, đã đến lúc cần có một quan niệm thực tế và khoa học hơn về không gian sống. Nó không còn đơn thuần được đo bằng kích thước hình học. Nó phải được đo bằng khả năng sinh tồn, sinh sản và chất lượng sống trong cái không gian ấy. Sự trong sạch, lành lặn của nông thôn cách nay mấy chục năm, cũng là đặc trưng môi trường sống của làng quê, đang biến mất ngày ngày. Vẫn là cái kích thước không gian ấy (dù thực tế không bao giờ còn nguyên vẹn, mà liên tục bị co lại, bị cắt xén, bị cướp bóc, bị cưỡng bức thành thứ đô thị nửa mùa…), nhưng số dưỡng khí chưa nhiễm độc, số lượng nước chưa bị hóa chất độc hại xâm lấn đểcó thể cung cấp cho con người, thì mỗi ngày lại ít đi, mỗi ngày một co lại. Vẫn những cánh đồng thẳng cánh cò bay, vẫn những kênh rạch dọc ngang, vẫn bầu trời cao lồng lộng rất kích thích thi hứng... nhưngnó không còn trinh nguyên, an lành chỉ dành cho sự sống.
Yếu tố tạo ra cái chết đã và đang ngày một nhiều lên. Chưa kể nó có thể biến mất trong tích tắc chỉ sau một trận mưa a-xít, hoặc một cơn gió cuốn theo mùi hôi thối mà bạn không thể chịu nổi nhưng không có cách nào truy ra nguồn gốc của nó ở đâu. Đơn giản vì nó ở xung quanh bạn, ngay dưới chân bạn, trên đầu bạn.
Nghe đến đây bạn có thể đã hình dung ra một phần sự “chật chội” đang thít lại quanh những người nông dân. Nhưng tôi tin, bạn chưa thể hình dung hết thảm cảnh người nông dân đang bị dồn vào chân tường, ở ngay trên cái không gian vốn là mênh mông-cả trong tâm thức và trên thực tại - mang tên làng quê. Bởi nạn ô nhiễm ở nông thôn không giống như những gì chúng ta vẫn nói về nạn ô nhiễm thông thường, càng khác xa nạn ô nhiễm ở thành thị. Vấn đề ô nhiễm ở thành thị thường được hướng sự chú ý ngay đến không khí, hoặc thêm vào cả nguồn nước sinh hoạt. Với những nỗ lực của con người, với ý thức văn hóa sinh hoạt ngày càng cao, với sự trợ giúp của công nghệ, mất thêm chút thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được phần lớn sự ô nhiễm đó. Còn ô nhiễm ở nông thôn, về cơ bản diễn ra không khác mấy với những gì diễn ra ở đô thị, nhưng hậu quả thì vô cùng kinh khủng, để lại di họa mà con người hoàn toàn bất lực trong việc khắc chế hoặc khắc phục.
Thứ tạo ra sự khác biệt mà tôi đang nói là ĐẤT.
Đất thành thị chỉ còn tác dụng xây dựng, theo ngôn ngữ nhà nông là đất chết. Sự ô nhiễm của nó không còn quá ghê gớm khi đằng nào thì nó cũng bị ô nhiễm trong quá trình xây cất, đằng nào nó cũng chết rồi. Nó chết thêm vài lần nữa cũng chả ảnh hưởng đến tác dụng của nó với con người là tạo ra mặt bằng. Nhưng đất ở nông thôn là đất canh tác, cấy trồng, là sinh thổ, là dưỡng thổ. Không khí ô nhiễm có thể làm sạch dần. Nguồn nước ô nhiễm cũng có thể dùng công nghệ để hạn chế tác hại. Nhưng riêng với đất, một khi đã bị nhiễm độc thì chỉ còn cách…chuyển đổi mục đích sử dụng, xét trên mục tiêu canh tác để tạo ra nguồn sống coi như là thứ bỏ đi. Riêng đất, một khi đã chết, thì chết vĩnh viễn luôn. Riêng đất, không thể dùng từ ô nhiễm khi mô tả quá trình bẩn hóa, mà chỉ có thể nói là bị đầu độc.
Và riêng đất, có cả chục cả trăm cách…chết! Nói chính xác là có cả chục cả trăm cách con người biến đất sống thành đất chết, ngoài hiện tượng ô nhiễm thông thường.Chúng ta có thể thấy nhãn tiền điều này ở bất cứ đâu!
Để đất có thể cấy trồng bình thường, Tạo hóa phải mất hàng ngàn hàng vạn năm tích tụ, gạn lọc, chăm chút, dung dưỡng. Có những thứ cực kỳ đơn giản nhưng không mấy người chú ý. Không phải cứ san ủi, mang phù sa về cán lên, tháo nước vào là có thể trồng lúa. Chỉ riêng việc tạo ra cái màng sét giữ nước nằm sâu dưới bề mặt hàng mét, tôi cứ bạo miệng gọi là “màng trinh của đất”, cũng phải mất nhiều trăm năm. Không có cái màng ấy, không cách gì giữ được nước trên những cánh đồng trồng lúa. Sự kì công một cách tinh vi này chỉ thiên nhiên mới đủ thời gian và sự kiên nhẫn theo đuổi. Con người có thể làm ra đủ thứ to lớn, nhưng đành bất lực khi muốn tạo ra một thứ gì tương tự cái màng trinh của đất!
Chả thế, với các quốc gia văn minh, họ coi đất nông nghiệp, đất để canh tác sinh nhai, là loại tài nguyên đặc biệt, không chỉ bảo vệ bằng công cụ pháp luật, mà còn bằng cả đạo đức nữa. Ứng xử với thứ nuôi mình, đảm bảo cuộc sống cho con cháu mình, phải rất tinh tế và rất có trách nhiệm. Một nhà báo sinh sống lâu năm ở Pháp, có lần tâm sự với tôi rằng, để chuyển đổi một mảnh đất nông nghiệp sang công nghiệp, Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước quốc dân và trước trời đất. Không có chuyện thỏa sức mang cát, sỏi, bê tông, sắt thép… đến “hóa vàng” những mảnh đất bờ xôi ruộng mật, vì bất cứ lý do gì!
Còn các chuyên gia Nhật Bản, từ 10 năm trước, hễ có cơ hội, lại thống thiết khuyên người Việt đừng dẫm lại bước chân sai lầm và tàn bạo của họ đối với đất nông nghiệp và rừng. Nếu được làm lại, người Nhật sẽ cực kỳ nghiêm khắc trong việc bảo vệ những mảnh ruộng nhỏ bé hay những cánh rừng phòng hộ rộng lớn. Bởi cái giá mà họ trả cho việc biến đất sống thành đất chết là vô cùng lớn.
Chúng ta thì sao? Cũng khoảng 10 năm trước, số liệu của Viện Phát triển bền vững Đông Nam Bộ, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, chỉ tính từ năm 2000 đến năm 2011, riêng diện tích đất nông nghiệp Đông Nam Bộ đã giảm tới 90.000ha (từ 1,45 triệu ha, xuống còn 1,36 triệu ha). Với khu vực phía Bắc và miền Trung những con số cụ thể có khi còn không đáng lo bằng những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt sau khi đi một lượt qua các “vựa lúa” “vựa ngô” một thời.
Chúng ta đừng quên rằng, thiên nhiên là một tổng thể hài hòa tuyệt đối giữa các yếu tố, tạo ra sự cân bằng sinh thái tự nhiên và từ môi trường lý tưởng đó sự sống bắt đầu. Phải mất hàng tỷ năm Tạo hóa mới tạo ra được sự kỳ diệu đó. Nhưng khi hàng triệu ha đất bị nhiễm độc thì ngoài việc chúng mất khả năng canh tác, mất khả năng nuôi trồng, còn là việc nó tạo ra SỰ CHẾT phần quan trọng nhất của thiên nhiên, biến hàng tỷ năm lao động cật lực của mẹ Trái đất thành công cốc.
Và hậu quả khủng khiếp của nó thì không miễn trừ một ai, bất kể nông thôn hay thành thị.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dat-su-song-va-su-chet-1673950230384.htm