Đặt tên 4 cây cầu bắc qua Thủ Thiêm
Tên gọi cầu Thủ Thiêm 1, 2, 3, 4 là những tên gọi được đưa ra để làm dự án. Sau khi dự án hoàn thành cần phải có những tên gọi chính thức
Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM (cơ quan thường trực Hội đồng đặt - đổi tên đường TP HCM) vừa đề xuất đặt tên cho 4 cây cầu tại khu vực Thủ Thiêm nối TP Thủ Đức với trung tâm thành phố qua sông Sài Gòn. Hiện 2 cây cầu là cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tên gắn liền địa danh lịch sử
Theo đó, Sở VH-TT đề xuất đặt tên 2 cầu Thủ Thiêm đã xây dựng xong như sau: Cầu Thủ Thiêm 1 kết nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức đặt tên là cầu Thủ Thiêm. Cây cầu này hoàn thành từ năm 2007, gắn liền với địa danh Thủ Thiêm mà người dân gọi từ thế kỷ XVIII đến nay.
Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối quận 1 và TP Thủ Đức, được khánh thành trong dịp 30-4-2022, sẽ đặt tên là cầu Ba Son. Ba Son là tên gọi có từ năm 1790 khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên bờ sông Sài Gòn. Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia.
Ngoài ra, Sở VH-TT cũng dự kiến với 2 cầu mới đang chuẩn bị khởi công xây dựng là Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4 sẽ được đặt tên là cầu Thủ Ngữ và cầu Bến Nghé để gắn với những địa danh lịch sử tại vị trí xây cầu.
Theo Sở VH-TT, Thủ Ngữ là tên một cột cờ đối diện Bến Nhà Rồng, được xây dựng vào tháng 10-1865 tại ngã ba rạch Bến Nghé - sông Sài Gòn. Cầu Thủ Thiêm 3 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 4, hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được triển khai. Bến Nghé là một địa danh của Sài Gòn - Gia Định đặt cho một bến thuyền ở Sài Gòn và một con rạch nhỏ. Cây cầu này sẽ nối TP Thủ Đức với quận 7, dự kiến sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2023.
Hoàn toàn đồng ý
Mỗi buổi chiều, ông Hồ Văn Hai (67 tuổi; ngụ quận 1, TP HCM) đều cùng với nhóm bạn đến khu vực chân cầu Thủ Thiêm 2 để tập thể dục. Hay tin cây cầu này được đề xuất đổi tên, nhóm bạn ông Hai bàn tán. Chỉ tay về phía cây cầu Thủ Thiêm 1, ông Hai nói: "Dưới kia có cây cầu Thủ Thiêm 1 rồi. Cầu này đổi sang tên khác thì hợp lý hơn. Có rất nhiều tên đẹp để đặt cho cây cầu, sao cứ phải lấy số 1, 2?".
Thường xuyên cùng bạn bè đến khu vực cầu Thủ Thiêm 2 vui chơi, hóng mát, anh Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết cầu Thủ Thiêm 2 sau khi được đưa vào sử dụng đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người, trong đó có anh và bạn bè.
"Cầu Thủ Thiêm 2 có kiến trúc đẹp, ấn tượng nhưng tên gọi lại chưa tương xứng. Nếu đặt tên cầu Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2, sau này có thêm cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4 thì sẽ dễ gây nhầm lẫn cho nhiều người, đặc biệt là những người lần đầu đến thành phố. Tên gọi kèm theo số cũng không có tính thẩm mỹ bằng những tên gọi khác" - anh Tuấn nêu ý kiến.
Nói về đề xuất của Sở VH-TT TP HCM, ông Nguyễn Kim Toản (chủ đầu tư dự án Saigon Waterbus) cho rằng việc đặt lại tên cho cầu Thủ Thiêm 1 và 2 bằng tên Thủ Thiêm và Ba Son là hoàn toàn hợp lý. Theo ông Toản, cầu Thủ Thiêm 1 là cây cầu đầu tiên nối TP HCM với bán đảo Thủ Thiêm.
Dùng tên gọi Thủ Thiêm để đặt cho cầu Thủ Thiêm 1 cũng là cách để ghi nhớ sự kiện này. Trong khi đó, đầu cầu Thủ Thiêm 2 được xây dựng tại khu vực cảng Ba Son, kế đó còn có Bảo tàng Tôn Đức Thắng. "Đặt tên cầu Ba Son cũng là cách để giúp người dân TP HCM nhớ về lịch sử, ý nghĩa của khu vực này" - ông Toản phân tích.
Tương tự, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hoàn toàn ủng hộ với tên gọi cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son. "Tên gọi cầu Thủ Thiêm 1, 2, 3, 4 thì bình thường quá. Đây là những tên gọi được đưa ra để làm dự án. Sau khi dự án hoàn thành cần phải có những tên gọi chính thức. Việc đặt lại tên cho những cây cầu này là một ý kiến hay" - ông Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, mỗi cây cầu gắn với địa danh và tên của cây cầu cũng cần phải thể hiện được giá trị của địa danh đó. Bên cạnh việc đặt lại tên, các cơ quan chức năng cũng cần có những bảng thông tin nhằm giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của tên gọi và vùng đất mà cây cầu bắc qua. Qua đó, người dân và khách du lịch có thể hiểu hơn về thành phố, góp phần nâng giá trị bản sắc văn hóa cho TP HCM.
Bảo đảm tính dân tộc, khoa học, đại chúng
Theo TS Trần Long, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH-NV - ĐHQG TP HCM, có rất nhiều quan điểm trong việc đặt tên cho các công trình. Trong đó, chủ yếu là đặt tên dựa theo tên địa lý hoặc sử dụng tên của các nhân vật có nhiều đóng góp cho đất nước.
Đặt tên công trình cũng cần quan tâm đến tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Cụ thể, tên được đặt cần mang từ thuần Việt, thể hiện truyền thống của người Việt Nam; tránh những tên gây tranh cãi phức tạp về sau. Ngoài ra, người dân có thể chấp nhận và hiểu được ý nghĩa của tên gọi đó.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/dat-ten-4-cay-cau-bac-qua-thu-thiem-20221028214823693.htm