Đặt tên xã phường sau sáp nhập, sao cứ phải 1, 2, 3, 4

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội mới đây lại bày tỏ sự đồng tình, khen ngợi TPHCM là 'đặt tên rất hay' như các phường Chợ Lớn, An Đông, xã Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm.

Một trong những vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập xã, phường để giảm 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã là việc đặt tên cho các xã, phường mới như thế nào.

Bởi tên xã, phường không chỉ đơn giản là để phân biệt địa phương này với địa phương khác, mà còn hàm chứa những dấu ấn văn hóa, lịch sử, tiềm năng của một vùng đất, vốn gắn bó với bao thế hệ đã đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng nên vùng đất đó.

Nên đảm bảo các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa

Dù chưa chính thức sáp nhập, nhiều địa phương đã chọn phương án đặt tên xã, phường mới bằng cách lấy tên quận, huyện trước đó, kết hợp với số thứ tự 1, 2, 3, 4… Chẳng hạn, thành phố Đà Nẵng dự kiến sau sáp nhập sẽ còn 15 phường, 3 xã và 1 đặc khu. Việc đặt tên các phường chủ yếu lấy tên quận kết hợp với số thứ tự, như Hải Châu 1, Hải Châu 2, Hải Châu 3; Liên Chiểu 1, Liên Chiểu 2, Liên Chiểu 3; Cẩm Lệ 1, Cẩm Lệ 2, Cẩm Lệ 3…

Một kiểu đặt tên khác được Quảng Nam áp dụng. Để giữ lại tên các đô thị như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, tỉnh này giữ nguyên tên thành phố, rồi thêm yếu tố vị trí để thành tên phường mới, như phường Tam Kỳ Bắc, Tam Kỳ Nam, Tam Kỳ Đông; Hội An Đông, Hội An Tây…

Không chỉ Đà Nẵng và Quảng Nam, nhiều tỉnh khác cũng đặt tên xã, phường theo cách đánh số hoặc dựa trên vị trí đông, tây, nam, bắc. Tại Bình Định, thành phố Quy Nhơn sau khi sắp xếp còn 6 đơn vị hành chính, gồm các phường Quy Nhơn, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây và xã Nhơn Châu.

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hà

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hà

Tuy nhiên, khi sáp nhập với tỉnh Gia Lai, cái tên Bình Định được dùng để đặt tên cho một phường thuộc thị xã An Nhơn cũ, nhằm giúp người dân Bình Định không quên ký ức về miền đất võ.

Việc đặt tên xã, phường ở hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM càng được nhiều người quan tâm.

Hà Nội tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các nguyên tắc chung, đảm bảo chức năng của từng địa phương. Chẳng hạn, phường Ba Đình là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; phường Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của 36 phố phường cổ của kinh thành Thăng Long xưa.

Theo đó, dự kiến sau sáp nhập, tên các quận của Hà Nội đều được dùng để đặt tên cho phường trung tâm. Các phường còn lại được đặt tên dựa trên việc lựa chọn những cái tên tiêu biểu nhất, mang dấu ấn văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương.

Ví dụ, quận Ba Đình từ 13 phường sẽ sắp xếp thành 3 phường là Ba Đình, Ngọc Hà và Giảng Võ; quận Hoàn Kiếm từ 18 phường dự kiến sắp xếp thành 2 phường là Hoàn Kiếm và Cửa Nam; quận Đống Đa từ 17 phường sẽ sắp xếp thành 5 phường là Đống Đa, Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên và Văn Miếu - Quốc Tử Giám; quận Tây Hồ từ 8 phường dự kiến sắp xếp thành 3 phường là Tây Hồ, Hồng Hà, Phú Thượng; quận Long Biên từ 13 phường dự kiến sắp xếp thành 4 phường là Việt Hưng, Bồ Đề, Long Biên và Phúc Lợi; quận Hà Đông từ 15 phường dự kiến sắp xếp thành 5 phường là Hà Đông, Dương Nội, Yên Nghĩa, Kiến Hưng và Phú Lương.

Đặt tên như thế nào là do sự vận dụng của từng địa phương

Tại TPHCM, nơi có nhiều quận trước đây được đặt tên theo số thứ tự như quận 1, quận 3, quận 4, quận 5…, nhiều quận cũng đặt tên phường từ số 1 đến số trên 20.

Nay, khi thực hiện sắp xếp, các đơn vị hành chính mới dự kiến mang những cái tên đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử lâu đời của vùng đất này, như phường Sài Gòn, Gia Định, Bến Thành, Chợ Lớn, Cầu Ông Lãnh, Tân Định, Bảy Hiền, Khánh Hội, Xóm Chiếu, Nhiêu Lộc, An Đông, Bình Tây, Bình Đông, xã Củ Chi, xã Hóc Môn, xã Bà Điểm, xã Cần Giờ…

Trước đó, Bộ Nội vụ đã ban hành hướng dẫn về một số nguyên tắc cơ bản khi đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, đảm bảo các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa; ưu tiên sử dụng một số tên gọi trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị mới, hạn chế tối đa tác động đến người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.

TP Bà Rịa, Vũng Tàu nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế

TP Bà Rịa, Vũng Tàu nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế

Tên gọi cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập. Bộ Nội vụ cũng khuyến nghị đặt tên xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên cấp huyện trước sắp xếp, gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Tuy nhiên, đó chỉ là những hướng dẫn mang tính gợi ý. Việc đặt tên như thế nào cho phù hợp phụ thuộc vào sự vận dụng của từng địa phương.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội gần đây, bày tỏ sự đồng tình và khen ngợi TPHCM vì “đặt tên rất hay” như các phường Sài Gòn, Chợ Lớn, An Đông, xã Củ Chi, xã Hóc Môn, Bà Điểm… và gợi ý Hà Nội nên tham khảo cách làm này. Bởi cách đặt tên gắn với những địa danh nổi tiếng như vậy sẽ có hồn hơn, dễ nhận biết hơn nhiều so với việc gọi tên bằng những con số 1, 2, 3, 4… một cách khô khan.

Tiếc rằng, không ít địa phương lại chọn cách đặt tên bằng cách đánh số, như Đà Nẵng mà tôi đã nêu ở trên. Hay như Quảng Ngãi, nếu đúng theo phương án, sắp tới sẽ có nhiều xã được đánh số như Nghĩa Hành 1, 2, 3, 4; Mộ Đức 1, 2, 3, 4; Trà Bồng 1, 2, 3, 4, 5; Tư Nghĩa 1, 2, 3, 4…

Dẫu biết rằng đặt tên theo số thứ tự sẽ thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, nhưng liệu chúng ta có dễ dãi quá không khi đặt tên cho một vùng đất? Nhất là những nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, gắn với các danh nhân văn hóa, truyền thống khoa cử, hay những chiến công của cha ông trong hành trình khai hoang, lập ấp, mở rộng cõi bờ.

Dẫu biết rằng, lựa chọn một cái tên từ 3, 4, thậm chí 5, 6 cái tên xã, phường trước đó là điều không dễ, khi ai cũng muốn tên xã, phường mình được giữ lại. Nhưng cuộc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này là một cuộc cách mạng với “tầm nhìn trăm năm”, “phải xem đất nước là quê hương” để biết cần hy sinh những lợi ích riêng tư của một cộng đồng nhỏ, hướng đến những điều lớn lao hơn của đất nước.

Đừng vì ngại va chạm, hay tệ hơn là lười suy nghĩ, vin vào sự gấp gáp của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà tặc lưỡi cho qua, để rồi phải hối tiếc. Hà Nội, TPHCM làm được, lẽ nào các địa phương khác lại không?

Vân Thiêng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dat-ten-xa-phuong-sau-sap-nhap-sao-cu-phai-1-2-3-4-2393189.html