Đặt tên cho xã, phường và tâm nguyện từ người dân
Việc đặt tên cho xã, phường cần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa...
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã có lời khen về cách đặt tên đơn vị hành chính mới của TP.HCM vẫn giữ lại các địa danh đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Khi nhắc đến những địa danh như Gia Định, Chợ Lớn, An Đông, Hóc Môn, Bà Điểm..., mỗi chúng ta đều thấy thân quen, dạt dào cảm xúc.
Địa danh là nơi neo ký ức và sự tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của bao người, bao thế hệ.

Tại tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP.HCM khóa X ngày 18-4, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nói cách đặt tên phường mới thân thương, gần gũi với người dân. Ảnh: NGUYỆT NHI
Lúc sinh thời, trong một lần trò chuyện với nhau, nhạc sĩ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển đã hỏi thăm tôi về đường đi từ Nông Sơn qua Đại Lộc, Quế Sơn (Quảng Nam). Ông định viết một nhạc phẩm về quê nhà và cần ôn lại chuyện cũ để có thêm cảm xúc. Trong cuộc trò chuyện, những địa danh Dùi Chiêng, Duy Vinh, Hòn Kẽm Đá Dừng... được ông chia sẻ với những kỷ niệm xúc động, khó quên thời tuổi trẻ. Ông chia sẻ cùng tôi với tư cách một người đồng hương xa quê, mưu sinh chốn thị thành nhưng vẫn luôn mang theo ký ức quê nhà.
Kể như vậy để thấy địa danh có vai trò quan trọng với những con người đồng hương khi xa quê thỉnh thoảng ngồi với nhau, nhắc nhớ.
Trong vấn đề đặt tên sau sắp xếp, đúng là mới đây Bộ Nội vụ có gợi ý cách đặt tên xã, phường mới theo kiểu “tên huyện cũ + số thứ tự” để thuận tiện cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Tuy nhiên, cần nhớ đây chỉ là một gợi ý và các địa phương không nhất thiết phải răm rắp làm theo nếu địa phương có phương án khác hay hơn, khoa học hơn, hợp lòng dân hơn.
Theo Quyết định 759/QĐ-TTg mới ban hành ngày 14-4, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sắp xếp phải tuân theo năm nguyên tắc. Trong đó, theo “nguyên tắc xác định tên gọi” thì việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa” là nguyên tắc đầu tiên nhất (nguyên tắc số 1). Còn việc nghiên cứu đặt tên đơn vị của xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin là nguyên tắc cuối cùng (nguyên tắc số 5).
Bên cạnh đó còn có một số nguyên tắc khác như tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp...
Nghĩa là theo quy định hiện hành thì không bắt buộc các địa phương phải đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp theo cách đánh số thứ tự. Việc này là do chính quyền địa phương tự quyết dựa trên ý nguyện của dân.
Vậy ý nguyện của dân như thế nào? Những ngày qua, nếu quan sát ý kiến của người dân trên các trang mạng xã hội, diễn đàn báo chí... sẽ thấy hầu hết mọi người không muốn chọn cách đặt tên địa danh đánh số thứ tự. Đây đó trong những bàn trà, cà phê, người ta râm ran hồi ức nhắc nhớ lại những tên làng, tên xã đã gắn bó lâu đời như một sự tiếc nuối, một khoảng trống sâu thẳm không thể gọi tên. Họ mong muốn được giữ lại tên địa danh để còn giáo dục con cháu biết cội biết nguồn.
Ban đầu TP Thủ Đức (TP.HCM) cũng đề xuất phương án đặt tên cấp xã là Thủ Đức 1, Thủ Đức 2, Thủ Đức 3... Nhưng sau đó người dân và các chuyên gia góp ý, báo chí phản biện. Cuối cùng chính quyền đã lắng nghe và chọn lựa phương án đặt tên phường là những địa danh lưu giữ ký ức vùng đất đó.
Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có lời khen về cách đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp của TP.HCM khi đã giữ lại các địa danh cũ từng ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Bởi theo Tổng Bí thư, khi nhắc đến Gia Định, Chợ Lớn, An Đông, Hóc Môn, Bà Điểm... người ta hình dung ra ngay, nhận diện ra ngay vùng đất đó.
Khi nói ở phường Bảy Hiền, người ta hình dung ra ngay khu vực có nhiều dấu ấn người Quảng Nam, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM hiện nay với bao nhiêu câu chuyện giữ đất giữ nước, nghĩa tình quân dân đùm bọc lẫn nhau, cùng xây dựng kinh tế, làm nên một Bảy Hiền xứng đáng là lực lượng Anh hùng vũ trang nhân dân. Chứ nếu nói “ở phường Tân Bình 11” thì khó ai hình dung ra được những chuyện xưa - nay, khó gợi được xúc cảm cho vùng đất đó để mà còn tự hào, để mà còn giáo dục các thế hệ sau.
Cha ông chúng ta đã để lại khối gia sản khổng lồ về tên gọi các vùng đất mà họ đã khai phá và gắn bó nhiều đời. Nó làm nên hồn cốt của một vùng đất, đi vào thơ nhạc, sưởi ấm lòng người ở xứ xa khi nhớ về xứ sở, gắn kết nhiều thế hệ. Chúng ta không nghèo nàn đến mức chỉ chọn giữ lại vài tên rồi thêm số thứ tự như Phú Ninh 1, Phú Ninh 2... Rồi những địa danh mang tính đồng phục, những con số vô hồn khô khốc đó sẽ đi vào thơ, vào nhạc theo cách nào khi nó không thể gợi lên cảm xúc?!
Cách làm hay nhất là lấy ý kiến số đông người dân để có thể giữ được nhiều tên gọi của các vùng đất, không bị trùng nhau trên toàn quốc và vẫn không ảnh hưởng gì việc quản lý thông tin.
Trong khí thế mới, người dân mong muốn những tên gọi mới có tính kế thừa và phát huy giá trị của các địa danh lịch sử, văn hóa, giữ gìn được hồn cốt quê hương. Để mai này khi con cháu tìm về cội nguồn, còn biết neo vào những địa danh quen thuộc đã ăn sâu vào tiềm thức, có trong những câu chuyện kể về đất về nước, về quê hương bản quán qua nhiều thế hệ.
Rất may, hiện có nhiều tỉnh, thành đã nghe thấy mong mỏi từ người dân... để có những điều chỉnh kịp thời.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dat-ten-cho-xa-phuong-va-tam-nguyen-tu-nguoi-dan-post845538.html