Dấu ấn lịch sử, văn hóa trong tên gọi
Sau Hội nghị lần thứ 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 trong đó nêu rõ về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 28 tỉnh, 6 thành phố trực thuộc Trung ương và đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Như vậy là đã rõ. Nhưng, cùng với sáp nhập tỉnh, các xã, phường tới đây cũng cần sáp nhập với nhau. Như thành phố Hà Nội là một ví dụ. Thủ đô sẽ tổ chức lại 526 xã, phường, thị trấn thành 126 đơn vị hành chính cơ sở mới theo đúng chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của Hà Nội; trong đó có 47 đơn vị hành chính phường và 79 đơn vị hành chính xã. Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng sẽ sắp xếp lại đơn vị hành chính cơ sở mới trên cơ sở sáp nhập các xã phường. Từ đây, câu chuyện đặt tên xã, phường đang nhận được sự quan tâm của người dân.
Nhiều nơi như Thái Bình, lãnh đạo các huyện khi bàn việc đặt tên xã phường sau sáp nhập đã “nâng lên, đặt xuống” để tìm cho được cái tền có ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhưng phải ngắn gọn, dễ nhớ. Còn ở Hà Nội, thành phố xác định khi đặt tên xã, phường mới phải đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu như vùng văn hóa Thăng Long, vùng văn hóa xứ Đoài…
Trong hướng dẫn đặt tên sau sáp nhập tại Đề án số 759 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký, có nêu, tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ưu tiên một số tên gọi trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.
Như vậy là đã rõ về nguyên tắc đặt tên gọi cho các tỉnh, thành và xã phường sau sáp nhập cả từ góc độ văn hóa và góc độ hành chính. Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Hoài Sơn đã từng chia sẻ với Đại Đoàn Kết: Tên gọi mới sau sáp nhập không chỉ đơn thuần là một quyết định hành chính, mà còn là vấn đề của lịch sử, văn hóa và bản sắc. Tên gọi của một địa phương không chỉ là một danh xưng, mà còn gắn liền với ký ức, niềm tự hào và sự gắn bó của người dân qua nhiều thế hệ. Vì vậy, việc giữ lại tên cũ hay chọn một tên gọi mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng và phù hợp với xu hướng phát triển. Nếu một cái tên đã gắn bó lâu đời, mang giá trị lịch sử sâu sắc và được nhân dân yêu quý, thì việc tiếp tục sử dụng là một lựa chọn hợp lý để đảm bảo tính kế thừa. Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng cho rằng, nếu việc sáp nhập mở ra một giai đoạn phát triển mới, việc tìm kiếm một cái tên phản ánh đầy đủ hơn về đặc trưng địa lý, văn hóa và tiềm năng của vùng đất cũng là điều đáng cân nhắc.
Từ những kiến giải của các nhà nghiên cứu và các hướng dẫn của Trung ương, có lẽ, việc đặt tên trước hết cần được xem xét ở góc độ lịch sử, giá trị đặc trưng- là cái đã làm nên bản sắc của vùng đất hay văn hóa bản địa của vùng và cũng cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai. Bởi, Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, với nhiều lớp trầm tích văn hóa. Nếu chỉ vì ngắn gọn mà bỏ quên lịch sử, văn hóa sẽ là điều đáng tiếc lắm thay! Và, dù đặt tên thế nào thì nhất thiết phải có sự tham vấn rộng rãi, lắng nghe ý kiến của nhân dân, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và quản lý để đảm bảo rằng tên gọi mới không chỉ hợp lý về mặt hành chính mà còn tạo được sự đồng thuận, niềm tự hào và cảm giác gắn kết cho người dân trong vùng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dau-an-lich-su-van-hoa-trong-ten-goi-10304124.html