Đặt tên xã phường theo số thứ tự có thể làm 'mờ hóa' địa danh, truyền thống
Nếu đặt tên theo phương án số thứ tự sẽ làm mờ hóa địa danh, mờ hóa truyền thống, văn hóa của vùng đất đó. Nguyên tắc đặt tên cần phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Dư luận nhân dân cả nước đang rất quan tâm việc đặt tên xã, phường mới sau sáp nhập. Trên mạng xã hội đã có những diễn đàn sôi nổi bàn luận, góp ý, khen chê và cho rằng, đây là chuyện đại sự của đất nước nên phải hết sức thận trọng. Đáng hoan nghênh là nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung đã lắng nghe, thuận theo nguyện vọng của nhân dân, khẩn trương điều chỉnh tên gọi xã mới gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương thay vì dùng tên số theo thứ tự.
Sau khi tỉnh Quảng Trị công bố rộng rãi “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã” để lấy ý kiến nhân dân, dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm về cách đặt tên xã mới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt tên xã mới theo cách để tên huyện hiện tại + số thứ tự là mang tính đánh số cơ học, cứng nhắc, không thể hiện được chiều sâu bản sắc lịch sử, văn hóa truyền thống. Người dân mong muốn chọn những địa danh giàu bản sắc, đặc tính địa phương để đặt tên cho xã mới nhằm kế thừa và phát huy giá trị của các địa danh lịch sử, văn hóa, giữ gìn hồn cốt quê hương. Thuận theo nguyện vọng của nhân dân, một số địa phương tại tỉnh Quảng Trị đã kịp điều chỉnh tên gọi xã mới thay vì dùng tên số theo thứ tự như Đề án ban đầu.

Trụ sở Đảng ủy xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị
Là người đã có nhiều góp ý tâm huyết và trách nhiệm về tên gọi xã, phường mới, ông Nguyễn Hoàn, nguyên Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (cũ) cho rằng, tên gọi gắn liền với văn hóa, lịch sử truyền thống. Nếu đặt tên theo phương án số thứ tự sẽ làm mờ hóa địa danh, mờ hóa truyền thống, văn hóa của vùng đất đó. Nguyên tắc đặt tên cần phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Tên phải phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập. Có lẽ do các địa phương chưa bám kỹ vào 2 điểm này và chưa có sự chỉ đạo thống nhất về cách đặt tên xã trên toàn tỉnh nên mới xảy ra tình trạng đặt tên máy móc như vậy.
Ông Nguyễn Hoàn hoan nghênh khi chính quyền địa phương đã lắng nghe dư luận và có sự điều chỉnh kịp thời: “Sau khi có ý kiến góp ý, các địa phương cũng đã kịp thời điều chỉnh về cơ bản cũng đã thể hiện được các yếu tố cốt lõi, phù hợp với các yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương và thể hiện được lợi thế so sánh của địa phương. Hiện nay, cấp tỉnh cần phải rà soát, cập nhật lại tổng thể toàn tỉnh để có một bộ tên cấp xã mới hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu đặt ra”.

Di tích Quốc gia đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị
Việc đặt tên mới cho một đơn vị hành chính nào đó rất khó thỏa mãn hết mong muốn, nguyện vọng của mọi người. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều địa phương sáp nhập 3 đến 4 xã phường lại với nhau, không ai muốn mất đi tên gọi của làng xã mình.
Ông Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng cho rằng, đặt tên mới cho các đơn vị hành chính rất quan trọng nhưng chủ trương làm rất nhanh, thần tốc mà “dục tốc bất đạt”. Việc đặt tên kèm theo con số chỉ có chức năng hành chính, thông tin, chứ không có chức năng biểu cảm về văn hóa lịch sử. Nhân dân Việt Nam sống nặng về hoài niệm, hướng về quá khứ, cội nguồn. Đặt tên gọi làm sao có yếu tố truyền thống để nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn có ý thức sâu sắc về cội nguồn.
Mấy ngày gần đây, ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chỉ trong thời gian rất ngắn có nhiều thay đổi về đặt tên gọi các xã phường mới. Điều đó, thể hiện các cấp chính quyền đã rất trách nhiệm, biết lắng nghe ý kiến người dân.
Ông Huỳnh Văn Hùng cũng mạnh dạn đề xuất, các đơn vị hành chính khác lâu nay định hình thành một khối, trở thành thương hiệu như Hội An, Đà Lạt, Nha Trang.. thì cần mạnh dạn đề xuất giữ lại thành 1 đơn vị hành chính, thành lập phường lớn. Nếu giữ như thế thì cái được sẽ lớn hơn rất nhiều, không bị xé lẻ nguồn lực, không để cho thương hiệu vốn đã ổn định rồi bị phân tán. Ông Huỳnh Văn Hùng giải thích: “Không có phương án tên gọi nào đều được mọi người tán thành cả đâu, nhưng mình lấy cái phương án nào nổi trội, hợp lý. Tôi rất vui mừng là trong mấy ngày gần đây, Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã cầu thị, lắng nghe, thể hiện qua việc làm ngày, làm đêm, làm cả ngày chủ nhật để thay đổi tên gọi cho phù hợp. Thậm chí ngày trước ban ngày nghị quyết rồi hôm sau lại thay đổi”.

Đa số ý kiến nhân dân mong muốn tên gọi xã, phường mới gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương
Thực tế thời gian qua, địa phương nào cũng tranh thủ sự tham gia rộng rãi của cộng đồng để tạo sự đồng thuận trong việc đặt tên xã phường. Điều quan trọng tên gọi cần đảm bảo hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu quản lý dễ tính nhận diện và giá trị biểu tượng. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Ngãi, lần đầu tiên, tên Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được dùng để đặt tên cho xã mới sau sáp nhập 2 xã Ba Trang và Ba Khâm, huyện miền núi Ba Tơ được nhân dân đồng tình rất cao.
Anh Phạm Văn Nhói, người H’re ở xã Ba Trang, huyện Ba Tơ tự hào khi quê hương mình có một tên gọi mới rất ý nghĩa: “Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng hy sinh trên mảnh đất Ba Trang. Vừa rồi lấy ý kiến cử tri thống nhất rất cao vì gắn với lịch sử. Chắc chắn phải tự hào vì mảnh đất đây mang lịch sử bây giờ là một địa danh mới. Bây giờ xã đây được lấy tên Đặng Thùy Trâm thì sau này cả nước sẽ biết nhiều hơn”.
Đến nay, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã tiến hành lấy ý kiến cử tri, nhân dân về cách đặt tên gọi đối với xã, phường mới. Đa số ý kiến nhân dân đều mong muốn thay đổi tên gọi xã phường mới theo hướng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương thay vì đặt theo số thứ tự. Đáng mừng là thuận theo nguyện vọng của nhân dân, nhiều địa phương đã kịp điều chỉnh tên gọi xã mới thay vì dùng tên số theo thứ tự như Đề án ban đầu.

Thành phố Đà Nẵng kịp thời điều chỉnh tên gọi xã mới gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương thay vì dùng tên số theo thứ tự.
Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết về điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính cấp xã (mới). Hầu hết các đơn vị hành chính cấp xã mới đều được đặt tên dựa theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương như mong muốn của đa số cử tri tỉnh này. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng cũng tổ chức họp thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Thay vì phương án đặt tên bằng cách lấy tên quận huyện rồi thêm số thứ tự, Đà Nẵng lấy lại những tên đất, tên làng có địa danh gắn liền với chiều sâu văn hóa khơi gợi lòng tự hào và tạo ra sự gắn kết tự nhiên, khơi dậy khát vọng phát triển của cả cộng đồng như Hải Châu, Sơn Trà, An Hải...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định cũng đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (bất thường) để cho ý kiến về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó chú trọng đến việc đặt tên xã phường mới. Việc đặt tên không áp đặt từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà lắng nghe ý kiến người dân và dư luận xã hội.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa
Ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho biết, trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến nhân dân bày tỏ mong muốn giữ lại các danh xưng mang giá trị lịch sử hoặc gắn liền với thi ca, ký ức cộng đồng: “Cũng có một số ý kiến trao đổi, đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu giữ lại các đơn vị hành chính cấp xã với tên gọi đã đi vào lịch sử, thi ca, được người dân tha thiết đề xuất giữ nguyên. Lần này, sau khi biểu quyết thông qua tại cấp tỉnh và trình HĐND ban hành nghị quyết, nếu được Trung ương phê duyệt, những cái tên này sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng ta trong phần còn lại của cuộc đời.”