Đất thừa kế
Nam quê ở một Thị xã của miền Trung. Nhà có 8 anh chị em, Nam là út ít, con đông, lại không có việc làm, gia cảnh nghèo khó, nên Nam vào Sài Gòn tìm việc, lăn lộn mưu sinh. Tới nay cũng đã xa xứ 30 năm rồi. Nhờ chịu khó và chắt bóp dành dụm, giờ cuộc sống Nam đã tạm ổn.
Ảnh minh họa sưu tầm
6 năm trước, mẹ Nam qua đời. Mẹ có viết di chúc, phân chia đất đai tài sản cho các con, trừ căn nhà đang hiện hữu làm nơi hương khói thờ phụng. Đất rộng, sau khi chia làm 9 phần, giá trị mỗi phần vẫn rất lớn. Theo thời giá bây giờ, mỗi phần cũng được vài tỷ.
Anh thứ 2 sinh được hai người con, đứa lớn là trai, là cháu đích tôn ( Vì anh cả là thương binh, không có vợ con), vừa học xong phổ thông, đứa nhỏ là gái, đang học lớp 10. Còn Nam thì sinh được một bé gái. Thật ra, Nam không cố tình tranh chấp đất cát ở quê làm gì, vì cuộc sống gia đình Nam giờ không đến nỗi nào. Nhưng nói Nam không để tâm thì cũng không hẳn, vì đó là phước lộc của bố mẹ để lại cho con cháu, trong đó có con gái Nam. Năm ngoái, Nam có ý dò hỏi chuyện bán đi phần đất của mình, để lấy vốn làm ăn. Nam dự định nếu bán, sẽ trích ra tu sửa lăng mộ của gia tộc, một phần gửi anh chị hương khói cho gia tiên giùm, Nam chỉ lấy một nửa số tiền ấy thôi, chứ không tham lam gì.
Nghe Nam đề xuất nguyện vọng xong, anh trai Nam thủng thẳng nói "Phần của chú muốn bán là quyền của chú, nhưng không được bán cho người ngoài. Chờ đứa cháu đích tôn đi làm có tiền, rồi nó mua lại, chú đừng lo". Nghe anh nói vậy, Nam im lặng không nói gì, mà nói liệu có ích gì. Năm nay Nam cũng 55 tuổi rồi, không biết có chờ được đến ngày ấy không.
Cũng may, vợ Nam là người hiểu chuyện. Cô an ủi chồng "Thôi anh ạ. Đất của tổ tiên, mình đừng tranh giành làm gì, rồi sẽ không nên nổi gì đâu. Không có số tiền ấy, mình vẫn sống ổn thôi anh". Nam xúc động ôm gì lấy vợ, như nói lời cảm ơn, hai trái tim cùng hòa chung nhịp đập. Tự nhiên, Nam thấy mọi việc thật nhẹ nhàng, và cuộc đời vẫn luôn đáng sống...
Chuyện Làng quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dat-thua-ke-a10747.html