Đất tươi màu lửa mới

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

1

- Sao đêm nào mình cũng cần ngồi trước lửa hả bố?

- Màu lửa chính là màu đất bazan con ạ! Trước lửa con không bao giờ cô độc. Trước đất con không bao giờ bị đói khổ. Đất sẽ mang cho ta sự no đủ, yên bình.

Bố Đông trả lời, đôi mắt ông hấp háy, ánh lên một tia sáng lung linh giữa đêm cao nguyên gió lộng sương giăng đầy...

Đó là câu chuyện hồi bố Đông còn sống. Đêm nay cao nguyên lại nhiều gió. Cái lạnh tháng ba càng về khuya càng tê buốt. Chỉ một mình Đông với đống lửa sắp tàn. Anh có sở thích ngồi bên đống lửa, giữa đồi nương mênh mông mỗi khi có việc gì phải đắn đo suy tư nhiều. Điều này anh bị ảnh hưởng từ thói quen của bố hồi còn nhỏ. Ngày đó, Đông vẫn thường ngồi khoanh tròn trong lòng bố trên cái bạt cũ giữa đồi cà phê để nghe ông kể chuyện. Những câu chuyện dài không đầu, chẳng cuối. Đông cứ lắng nghe như một thói quen. Trong tiếng củi thông lép bép, mùi đất đai nồng nã, tiếng ếch nhái râm râm và sương mờ bảng lảng. Bố cứ kể, như là độc thoại. Ông nói về những ngày xưa binh lửa. Ông lại nói về chú Khương (đồng đội và cũng là bạn nối khố của ông từ tấm bé) đã ngã xuống trong cơn mưa đầu tháng ba ở chiến trường Buôn Mê như thế nào? Rằng: trong tiếng gió đêm đêm lúc nào ông cũng nghe tiếng bước chân của chú Khương trở về. Chú nhắc ông ước nguyện trước lúc ra đi: “Đất Tây Nguyên vạm vỡ, mỡ màu, toàn trái ngọt hoa thơm nhưng sao nhà tao với nhà mày vẫn nghèo mãi thế! Sau chiến tranh chúng mình nhất định phải làm giàu cho nhà mày, nhà tao và quê mình...!”. Chú nhắc ông về bụi chuối quý được trồng trong góc vườn nhà mẹ chú. Giống chuối tiêu đặc biệt: ruột vàng, sáp, dẻo, ngọt thơm mà ngày xưa chỉ dành để dâng lên vua...

2

Sau chuyến đi Nhật trở về, Đông lẳng lặng đóng cửa phòng. Cả nhà nhớn nhác: - Thế là thế nào? Hay là nó sang đó bị cô Keisha nào đánh bùa mê thuốc lú rồi nên mắc bệnh tương tư chăng?

Mẹ tặc lưỡi:

- Cái thằng, gần bốn mươi tuổi đầu rồi mà chẳng lo vợ con gì để cho mẹ nó nhờ, bằng tuổi nó người ta đã con bồng con dắt!

Đúng một tuần sau. Đông mở cửa dắt xe ra ngoài đi thẳng một mạch đến Sở Công thương. Công ty xuất khẩu nông sản Tiến Vua ra đời từ hôm đó.

Mẹ mừng rơi nước mắt, chắp tay trước ban thờ:

- Ông nó ơi, vậy là ước nguyện bao năm của ông nay sắp thành hiện thực rồi...

Bà Thương thêm một đêm không ngủ. Phần vì mừng, phần vì lo: “Cái thằng, bôn ba từ Bắc đến Nam, ra cả Phi Châu, Úc Châu. Trở về đi làm cho các công ty nước ngoài, dăm bảy tháng lại ở nhà vài tuần rồi chuyển công ty khác. Tính nết như con ngựa hoang: phóng khoáng, tự do không chịu được nơi nào gò bó, mà ở đời rặt cái gì không gắn bó lâu dài thì khó nên chuyện lớn được, an cư mới lạc nghiệp mà. May quá, giờ nó tự đứng ra làm chủ...”. Trong bụng khấp khởi nhưng bà vẫn băn khoăn: “Mở công ty, bao nhiêu vốn liếng đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tích góp được ngốn cả vào đó. Lỡ mà thua lỗ, phá sản thì sôi hỏng bỏng không mất. Thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty giải thể ầm ầm!”. Nghĩ đến đây bà rùng mình không dám nghĩ tiếp nữa. Thương trường là chiến trường chả biết đâu mà tính. Nhưng thôi, bà tin ở con trai bà - Một niềm tin bền chặt, sắt đá như những năm chiến tranh khốc liệt nhất, bà vẫn tin chồng bà sẽ trở về vậy.

3

Có một dạo vườn nhà Đông trồng đầy chuối. Trước nhà; sau nhà; đồi trên; đồi dưới... chỉ có chuối là chuối. Chuối Tiến Vua - Mẹ Đông bảo thế. Một vụ. Hai vụ. Ba vụ... Bố mẹ Đông cứ trồng rồi phá. Phá xong lại trồng. Chuối chín la liệt khắp trên nhà, dưới bếp. Đem đi bán thì rẻ quá không bõ công, mà để ở nhà thì vài đêm là chín nẫu ruột thối hết. Ngày nào Đông cũng ì ạch chở một bao tải đầy chuối chín thơm phức lên chia cho cả lớp ăn điểm tâm. Nhưng bố Đông vẫn trồng, dù xóm giềng có người xì xào bảo ông điên.

Cuối tháng chín năm ấy, mẹ Đông phá hết chuối trồng rau. Đó cũng là năm vết thương từ hồi chiến tranh của bố Đông tái phát. Ông không làm việc nặng được. Những bụi chuối cuối vườn gầy gò khô xác cứ lụi dần, lụi dần như đốm lửa tàn rồi tắt hẳn. Hai năm sau, bố Đông mất. Phút lâm chung ông gọi riêng Đông vào nói điều gì đó không ai rõ, rồi dặn cả nhà hãy chôn cất ông cạnh mộ chú Khương...

4

Công ty Tiến Vua của Đông đã trở thành một thương hiệu có tiếng trên thị trường xuất khẩu nông sản đi Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Lối xóm ai gặp bà Thương cũng nức nở khen Đông: Nào là, cái thằng đa tài, ngôn ngữ nào nó cũng nói được. Đối tác nào cũng tiếp được. Nào là: ông chủ mà làm việc chả khác gì công nhân; có hôm thức đến bốn giờ sáng để đóng cả chục tấn chuối giữa cái lạnh tái tê, mà sáng ra vẫn theo xe xuống tận cảng Cát Lái để bốc dỡ lên tàu xong mới yên tâm về nhà ngủ. Nào là, từ ngày có công ty của Đông cả vùng được hưởng lộc: Nông dân không còn phải nơm nớp lo cái cảnh mất mùa được giá, được mùa mất giá như trước nữa. Đông bỏ vốn ra đầu tư cây giống, chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm đến từng nhà. Bà con chỉ cần làm đúng quy trình là cuối vụ đến nhận tiền… Nhưng ít ai biết: từ khi họ được yên ấm trong những khu vườn xanh mướt rau quả của mình thì Đông vẫn từng đêm trăn trở. Tóc anh đã lốm đốm bạc dần, khuôn mặt đen sạm hơn vì sương gió. Đôi mắt ngày càng thâm quầng, sâu trũng hơn.

5

Mahiro đáp chuyến bay từ Tokyo đến Tân Sơn Nhất lúc 3 giờ chiều. Đây là lần thứ hai cô đến Việt Nam. Chuyến đi không hẹn trước. Cô định sẽ không sang Việt Nam nữa, nhất là sau khi việc hợp tác của công ty cô với Công ty Tiến Vua chấm dứt vì Tiến Vua vi phạm một nguyên tắc tối kỵ trong hợp đồng. Cũng từ khi xảy ra sự vụ mất uy tín ấy, công ty cô không có cách nào liên lạc với Đông được nữa. Lẽ nào, Đông chỉ là một kẻ nhạo báng niềm tin? Một chiếc thùng rỗng không hơn, không kém? Lẽ nào cô đã nhầm tưởng khi suốt ba năm nay vẫn thầm nhớ đến chàng trai nồng nã mùi núi đồi sương gió này?

Cô tìm được nhà Đông thì trời đã sẩm tối. Đêm tháng ba cao nguyên trong veo. Chỉ có vài đốm sao lấp lánh treo lủng lẳng trên những ngọn thông phía đỉnh đồi xa. Thoảng trong gió hiu hiu mùi hương hoa cà phê dìu dịu. Một không gian cổ tích. Đẹp. Buồn. Và mê hoặc. Nó gợi lại những ký ức xa xăm và dằn vặt. Nó gợi cho cô nhớ đến cái đêm tình đầy sương với Đông 3 năm về trước. “- Tôi yêu cô vì cô yêu chuối, yêu rau của đất nước tôi”! Mahiro trợn tròn mắt ngạc nhiên trước cách tỏ tình lạ của chàng trai xứ lạnh... Cuối cùng Đông trao cô nụ hôn nồng nàn, hoang dại đầy ma lực của rừng núi. Mùi hoa cà phê lìm lịm xóa nhòa chút khoảng cách mong manh.... Tình yêu của họ bắt đầu nhen nhúm cháy từ đó. Nó không bùng bùng như gió cao nguyên mà âm thầm, lặng lẽ nhưng chân tình. Suốt ba năm, hai bên hợp tác rất tốt. Mối thâm tình ngày càng sâu đậm. Thế mà...

Tai ương ập đến khi chuyến hàng lớn xuất đi Tokyo bị chín thâm đen trên đường đi. Tới nơi thì không còn trái chuối nào nguyên vẹn. Đó là chuyến hàng lớn nhất của công ty Đông xuất đi từ trước đến nay. Bao nhiêu vốn liếng, lãi lời từ trước đến nay đổ cả vào đó. Vậy là sôi hỏng bỏng không... Bà Thương nghe tin lăn đùng ngã ngửa, bà thương con trai nên đã thế chấp cả ngôi nhà hương hỏa cho chuyến hàng này của Đông, những mong nó thuận buồm xuôi gió sẽ mua thêm mấy hecta đất để mở rộng sản xuất. Ai dè, bão giông ập xuống bất ngờ quá! Mắt bà như tối sầm lại. Bà mường tượng ra cảnh ngân hàng nay mai sẽ đến siết nợ căn nhà mà lòng đau như ngàn mũi kim chích vào tim nhói buốt.

Đông hoàn toàn gục ngã. Anh như người mất hồn, đóng kín cửa phòng mấy ngày không ra khỏi nhà. Những đêm dài vật vã, Đông làm bạn với rượu tây với chuối xanh chát xít. Mỗi ngày trôi qua với anh như cực hình. Chỉ ngót một tuần mà anh xuống dốc thảm hại: Đôi má tóp sâu, người gầy xọp, tóc râu bù xù. Đông toan buông bỏ tất cả. Nhưng bất ngờ, một lần đi tìm chai rượu cuối cùng còn xót lại trong phòng, anh đã gặp được một báu vật. Đó là cuốn sổ nhật ký chiến trường của bố anh và chú Khương viết chung. Cuốn sổ nhàu nát, vàng ố nhưng vẫn còn rõ mồn một những dòng tâm tình đầy khát vọng của hai người lính trẻ một thời. Anh nhận ra dòng chữ nắn nót của bố anh:

“Chiến trường Pleiku, ngày... Nhận được thư nhà báo tin: Con trai Hừng Đông đã chào đời. Ôi vui quá! Không ngủ được! Dù đang sốt rét run người nhưng bỗng dưng thấy khỏe khoắn lạ thường!...

Bình Khê, ngày... cuộc chiến ngày càng ác liệt, nhận được thư của Thương mà không thể cầm lòng nổi. Cả nhà phải ăn chuối luộc trừ cơm thì em lấy đâu ra sữa cho con bú?...

Đức Lập, ngày... chiến tranh mà! Thương bảo: “Cũng may còn mấy bụi chuối Laba anh trồng trước khi lên đường nhập ngũ đã cứu đói cho cả nhà trong đợt mưa bão mất mùa vừa rồi!”. May quá, trời quả không phụ lòng người! Sau này xuất ngũ nhất định phải phát triển giống chuối quý hiếm này - giống chuối vốn được tiến lên cho vua Bảo Đại còn khen ngon cơ mà... Ôi chỉ mong chiến tranh mau kết thúc. Không biết lúc đó trở về cu Đông có nhận ra bố nó không nhỉ? Chỉ mong sao con chân cứng đá mềm, cứ thế mà mạnh mẽ lớn lên như cây chuối là được con trai của bố...”.

Đông đọc một mạch hết cuốn nhật ký của bố anh để lại. Gấp cuốn sổ lại, anh đi thẳng một mạch lên đồi, ngồi đốt lửa một mình. Đống lửa bập bùng cháy, sáng bừng cả một vùng đồi mênh mông. Tiếng dế kêu rả rích, hương rừng ngát thơm khiến lòng anh dịu lại. Lửa đỏ như màu đất. Trong làn khói mong manh Đông gặp lại bố mình. Vẫn nét trầm tư năm xưa, ông nhắc lại câu nói cũ: “Trước lửa con không bao giờ cô độc... Đất sẽ mang cho ta sự no đủ, yên bình!”. Rồi ông tan loãng. Nhẹ như một làn mây! Đông chợt thấy một ngọn lửa bất chợt cháy rực trong tim anh. Một ngọn lửa mới - mãnh liệt và rực rỡ hơn bao giờ hết. Nó như một dòng nham thạch bùng nổ trong anh, đánh bay những rác rến và những đám mây u ám đang bao phủ trong lòng anh bấy lâu nay. Đông thét lên: “- Phải rồi! Tất cả sẽ lại bắt đầu từ đất!”. Những thớ đất bazan vạm vỡ, đỏ rực giữa núi đồi bát ngát vẫn bao dung và độ lượng với con người bao đời nay sẽ giúp anh vực dậy cơ nghiệp. Nhưng bằng cái gì đây? Cách gì đây? Đông nắm chặt tay quả quyết: “- Chuối Laba, chắc chắn phải là chuối Laba! Không thể khác được”.

6

Hai năm sau. Cơ nghiệp của Đông như cây chuối non từng bị dập vùi rách bươm lá trong cơn mưa bão đã vặn mình lớn bùng lên mạnh mẽ. Lúc đầu, công ty anh vay vốn theo diện ưu đãi của Nhà nước, anh từ bỏ hẳn cách làm cũ. Rút kinh nghiệm từ bài học thương đau lần trước: lô hàng của anh bị hỏng là do những hộ gia đình mà anh liên kết trồng đã sử dụng phân và thuốc tăng trưởng quá liều. Sự tắc trách đó dẫn đến chuối bị hư hỏng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Muốn xuất được hàng tốt, phải chủ động được nguồn nguyên liệu. Từ bỏ hẳn phương cách sản xuất thiếu chuyên nghiệp, nhỏ lẻ, manh mún. Đông thuê đất của nông trường để tự trồng chuối và giám sát chặt chẽ các khâu từ A tới Z. Cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình đến quên mình của Mahiro, anh mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đại trà. Công ty anh đầu tư hẳn một hệ thống tưới tiêu tự động. Bên cạnh đó, các khâu khác như: bón phân, tỉa trái đều theo đúng lộ trình, kế hoạch, đạt tiêu chuẩn hàng nông nghiệp sạch của thế giới - Global Gap. Riêng khâu thu hoạch: anh học hỏi các công ty của Mỹ thiết kế một hệ thống ròng rọc chạy dài từ trang trại về bồn rửa, để chuối giữ nguyên vẹn được vẻ đẹp tự nhiên không một vết trầy xước, trước khi đưa vào phòng ủ lạnh. Song song đó, anh còn ý thức ngay từ đầu phải gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, để người tiêu dùng an tâm tuyệt đối khi sử dụng thành phẩm của công ty anh.

Đất không phụ người! Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng cao nguyên rất tốt: mưa gió thuận hòa, cộng với chất đất bazan mỡ màu tơi xốp đã cho ra những trái chuối to đều, ruột vàng ươm, dẻo, sáp, mùi hương thơm đặc trưng và độ dinh dưỡng cao. Có được hàng cao sản xanh, sạch, mẫu mã bắt mắt lại đầy đủ chứng nhận quốc tế, truy xuất nguồn gốc rõ ràng... Hàng của Công ty Tiến Vua đã nhanh chóng chinh phục được các thị trường khó tính nhất như Hàn Quốc, Nhật, Úc...

Ngày lô hàng đầu tiên tái xuất sang thị trường Nhật Bản cũng là ngày Mahiro về nước. Bà Thương không cầm được nước mắt, bà lại thắp nhang khấn nguyện trước ban thờ chồng: “- Ông ơi, ông sống khôn thác thiêng ông hãy phù hộ độ trì cho tôi giữ được đứa con gái quý này làm dâu nhà mình ông nhé!”. Đông nhìn mẹ lắc đầu mỉm cười. Anh biết mẹ anh đang rất hạnh phúc vì tâm nguyện của bố anh suốt một đời đã thành hiện thực.

Đông lái xe đưa Mahiro ra phi trường mà hồn bâng lâng như đang bay lướt trên những tàu lá chuối non mịn màng xanh mát trải dài khắp những triền đồi. Anh nắm chặt tay Mahiro: “- Em sẽ quay trở lại chứ! Nhớ lời hẹn của mình hai năm trước không?”. “- Chừng nào chuối Laba còn lớn lên trên mảnh đất yêu dấu này thì em còn trở lại”. Mahiro cố giấu niềm xúc động nghẹn ngào trong giọng nói của mình. Trời Tây Nguyên trong veo như mặt nước hồ thu tinh khiết, mùi hương hoa ngạt ngào bay trong nắng sớm long lanh!

(Sài Gòn, 18/4/2016 - 12/10/2019)

LÊ HÒA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202102/dat-tuoi-mau-lua-moi-3043875/