DẤU ẤN 15 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP: KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ CƠ QUAN NGHIÊN CỨU HÀNG ĐẦU VỀ KHOA HỌC LẬP PHÁP

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP) từng bước phát huy được vai trò là cơ quan nghiên cứu về khoa học lập pháp và thông tin khoa học lập pháp; chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu không ngừng được nâng lên. Kết quả nghiên cứu của Viện đã đóng góp tích cực vào công tác phục vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội.

Viện Nghiên cứu lập pháp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/2008

Viện Nghiên cứu lập pháp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/2008

Quá trình hình thành

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (viết tắt là Nghị quyết số 48-NQ/TW) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đề ra 07 giải pháp về xây dựng pháp luật nước ta đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, giải pháp thứ 03 là “Nâng cao trình độ và năng lực làm luật của Quốc hội”. Một trong những nội dung của giải pháp quan trọng này là:“Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật. Củng cố bộ phận pháp chế bộ, ngành, địa phương; thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội”.

Cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 29/4/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (viết tắt là UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 614/2008/UBTVQH12 về việc thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp (viết tắt là NCLP) là cơ quan thuộc UBTVQH và quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện NCLP. Trên cơ sở Nghị quyết này, sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Viện NCLP chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/2008. Các Nghị quyết số 1050/2015/UBTVQH13 ngày 09/10/2015, Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của UBTVQH quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện NCLP lần lượt được ban hành thay thế Nghị quyết trước đó, nhằm củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Viện NCLP đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, trao Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, trao Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Viện NCLP đang từng bước phát huy được vai trò là cơ quan nghiên cứu về khoa học lập pháp và thông tin khoa học lập pháp, tham gia tích cực, chủ động, “từ sớm”, “từ xa” phục vụ công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, UBTVQH, chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp được nâng lên, có những khởi sắc, hoàn thành một khối lượng công việc lớn; bước đầu đã có sự gắn kết chặt chẽ và từng bước tham gia có hiệu quả với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội trong các khâu của quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; phục vụ hoạt động giám sát trên thực tế và tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; công tác tham mưu, giúp việc cho UBTVQH, Hội đồng khoa học của UBTVQH được cải tiến, triển khai thường xuyên, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý hoạt động khoa học trong các cơ quan của Quốc hội. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện NCLP không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, tạo lập được môi trường công tác tốt, thực hiện tốt văn hóa công sở, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, chia sẻ trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Mô hình tổ chức Viện nghiên cứu lập pháp

Mô hình tổ chức Viện nghiên cứu lập pháp

Nghiên cứu, thông tin khoa học lập pháp góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Công tác nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp của Viện NCLP đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội. Các sản phẩm của Viện NCLP đã trở thành tài liệu có giá trị tham khảo hữu ích phục vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, nhà nghiên cứu; cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong suốt quá trình hoạt động, Viện NCLP luôn xác định rõ việc thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp là một trong những hoạt động trọng tâm. Việc phục vụ nhu cầu thông tin cho hoạt động của Quốc hội phải đảm bảo tính liên tục cả trong thời gian Quốc hội không họp và trong kỳ họp của Quốc hội với các đối tượng phục vụ trọng tâm theo từng thời điểm.

Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, Viện NCLP tập trung đáp ứng yêu cầu thông tin từ đại biểu Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp, Viện NCLP tập trung phục vụ yêu cầu thông tin từ UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Các sản phẩm cung cấp dưới dạng chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu, báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo, báo cáo khảo sát dư luận xã hội, các thông tin dưới dạng số liệu, tư liệu ảnh, văn bản pháp quy … Bên cạnh việc sử dụng phương thức cung cấp các sản phẩm ở dạng bản giấy truyền thống, Viện NCLP đã kết hợp cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội bằng bản điện tử trên môi trường mạng (qua App Quốc hội điện tử). Kết quả sau 15 năm, hoạt động nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp, Viện NCLP đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cụ thể:

Công tác nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp là một trong những hoạt động trọng tâm

Công tác nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp là một trong những hoạt động trọng tâm

. Nghiên cứu khoa học lập pháp dưới hình thức đề tài nghiên cứu khoa học: cán bộ, chuyên viên thuộc Viện NCLP đã tham gia tích cực, trực tiếp làm chủ nhiệm của 93/184 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; 126/174 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở, ngoài ra còn tham gia với tư cách thành viên của nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khác thuộc các khối cơ quan trong và ngoài Quốc hội.

. Nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp dưới hình thức báo cáo chuyên đề góp ý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết: Viện NCLP đã phục vụ 05 kỳ họp Quốc hội khóa XII, 10 kỳ họp Quốc hội khóa XIII, 10 kỳ họp Quốc hội khóa XIV, 06 kỳ họp thường kỳ, 03 kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV, với khoảng 700 chuyên đề nghiên cứu và chuyên đề thông tin tham khảo cung cấp phục vụ tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH, lãnh đạo Quốc hội trong việc xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết.

. Tổ chức khảo sát dư luận xã hội, tọa đàm, hội thảo khoa học góp ý dự án Luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết phục vụ lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội: Viện NCLP đã triển khai khoảng 160 hội thảo/tọa đàm đóng góp ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; 06 hoạt động khảo sát dư luận xã hội.

Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp, từ năm 2022 là năm đầu tiên Viện NCLP tham gia phục vụ một số nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể: năm 2022 tham gia giám sát 01 chuyên đề về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 01/7/2016 đến 01/7/2021” của UBTVQH; năm 2023, tổ chức, triển khai nghiên cứu chuyên đề “Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2011 đến nay” phục vụ Đoàn giám chuyên đề của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”; từ tháng 5/2023, theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Viện NCLP thực hiện nhiệm vụ tham gia rà soát, hoàn thiện kỹ thuật của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với 07 dự án luật, 01 Nghị quyết quy phạm.

Công tác quản lý khoa học có nhiều đổi mới, từng bước củng cố, tăng cường hiệu lực, hiệu quả

Quản lý khoa học trong phạm vi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội và VPQH là nhiệm vụ trọng tâm của Viện NCLP được quy định trong Nghị quyết số 614/2018/UBTVQH12, Nghị quyết số1050/2015/UBTVQH13, tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15. Đến nay, hoạt động quản lý khoa học đã có nhiều đổi mới, từng bước củng cố, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý khoa học trong khối các cơ quan Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và các khóa tiếp theo, Viện NCLP đã trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 1227/NQ-UBTVQH14 ngày 23/2/2021 về “Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội” thay thế Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 ngày 05/3/2010 về “Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội”.

Công tác quản lý khoa học của Viện NCLP luôn được đổi mới, chuẩn hóa, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật

Công tác quản lý khoa học của Viện NCLP luôn được đổi mới, chuẩn hóa, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch hội đồng khoa học của UBTVQH, công tác quản lý khoa học của Viện NCLP luôn được đổi mới, chuẩn hóa, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ quản, chủ trì đối với nhiệm vụ khoa học, từng quy trình được chuẩn hóa, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất từ việc xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ khoa học, tổ chức tuyển chọn nhiệm vụ, thẩm định nội dung; bố trí kinh phí, ký hợp đồng, tổ chức đánh giá giữa kỳ và nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ. Công tác phục vụ các hoạt động của Hội đồng khoa học của UBTVQH, công tác quản lý nghiệp vụ từng bước được củng cố, đi vào nề nếp, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học triển khai thực hiện đúng định hướng nghiên cứu, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Kết quả nghiên cứu đã được công bố công khai, phổ biến và từng bước áp dụng trên thực tế.

Qua đó, có những đóng góp nhất định tới việc cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói riêng và thế chế nhà nước nói chung.

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ khoa học năm 2023

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ khoa học năm 2023

Kết quả 15 năm hoạt động, Viện NCLP đã giúp UBTVQH thực hiện công tác quản lý một khối lượng lớn các nhiệm vụ khoa học trong khối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH và VPQH gồm: chủ trì, tổ chức nghiên cứu 01 nhiệm vụ khoa học độc lập cấp Nhà nước về “Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp tình hình mới” (gồm 10 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ); tổ chức nghiên cứu và quản lý 01 khung chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (gồm 21 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ); 252 nhiệm vụ khoa học cấp bộ và 174 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã từng bước được nâng cao về chất lượng, chú trọng yêu cầu ứng dụng, thể hiện qua việc góp phần cung cấp những luận cứ khoa học trực tiếp phục vụ Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hỗ trợ Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh

Đây là chức năng, nhiệm vụ mới được bổ sung từ Nghị quyết số 1050/2015/UBTVQH15. Mặc dù là nhiệm vụ mới, nhưng trước đó, từ đầu khóa XIII, Viện NCLP đã tổ chức các hội thảo/tọa đàm, giới thiệu chuyên gia, nhà khoa học để đại biểu Quốc hội tham vấn, trao đổi các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh. Khi đại biểu Quốc hội có yêu cầu đề nghị hỗ trợ, được sự chấp thuận của lãnh đạo Quốc hội và UBTVQH, Viện NCLP hỗ trợ, đồng hành cùng đại biểu Quốc hội thực hiện triển khai: Phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện việc trình kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh ra trước Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và UBTVQH; Hỗ trợ đại biểu Quốc hội về kỹ thuật lập pháp; Thực hiện hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoàn thiện Hồ sơ trình dự án luật, pháp lệnh.

Viện NCLP đã và đang hỗ trợ cho 03 đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Viện NCLP đã và đang hỗ trợ cho 03 đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Tính đến thời điểm hiện tại, Viện NCLP đã và đang hỗ trợ cho 03 đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh gồm: Hỗ trợ đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo xây dựng Hồ sơ đề xuất xây dựng “Pháp lệnh quy định về thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của Đại biểu Quốc hội”; Hỗ trợ đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh xây dựng Hồ sơ đề xuất xây dựng “Luật Hành chính công” và đang triển khai hỗ trợ đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng “Luật Chuyển đổi giới tính”.

Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị

Sau 10 năm trở thành đơn vị trực thuộc Viện NCLP (2013-2023), Tạp chí luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị; tiếp tục nâng cao chất lượng bài viết, đáp ứng được tiêu chí: kịp thời, chính xác, khoa học. Để triển khai nhiệm vụ, Tạp chí luôn trao đổi với cộng tác viên, nhà khoa học, nhà quản lý ngành - lĩnh vực, đặt bài theo yêu cầu nội dung của từng số Tạp chí; không ngừng phát triển nguồn bài, bảo đảm duy trì đủ lượng bài đăng (02 số/tháng). Bình quân mỗi năm, Tạp chí đặt và nhận hơn 400 bài viết của các tác giả trong nước và ngoài nước. Công tác biên tập luôn được thực hiện chuyên nghiệp, bảo đảm yêu cầu chất lượng chuyên môn, tuân thủ chặt chẽ quy trình biên tập, xuất bản.

Các ấn phẩm xuất bản đã thể hiện rõ định hướng trọng tâm là tăng cường chất lượng thông tin nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chung là tham mưu chính sách, phục vụ cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bên cạnh ấn phẩm Tạp chí in, từ năm 2019, Trang thông tin điện tử của Tạp chí đã được đầu tư nâng cấp, với địa chỉ tên miền mới là http://lapphap.vn, thu hút rất nhiều lượt truy cập của độc giả trong và ngoài nước. Đây là tiền đề để Tạp chí có thể triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xuất bảnTạp chí NCLP và Tạp chí NCLP điện tử, theo quy định tại Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15.

Thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học

Lễ Ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp

Lễ Ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp

Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 614/2018/UBTVQH12, khoản 8 Điều 2 Nghị quyết số 1050/2015/UBTVQH13 và tiếp sau này được quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, trong 15 năm hoạt động, Viện NCLP đã không ngừng phát triển và duy trì mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của Viện NCLP, góp phần nâng cáo chất lượng, hiệu quả trong công tác phục vụ các hoạt động của Quốc hội. Thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế với các cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước như: Đại sứ quán Vương Quốc Anh, Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Hoa kỳ, Tổ chức phát triển liên hiệp quốc (UNDP), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF),… để tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Viện NCLP.

Thu hút đông đảo sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến các dự luật

Thu hút đông đảo sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến các dự luật

Bên cạnh việc tổ chức được nhiều chuyến công tác đi học tập kinh nghiệm tại trên 20 quốc gia, Viện NCLP còn phối hợp chặt chẽ với Học viện Khoa học xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh … cùng gần 400 chuyên gia là các nhà khoa học, nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực trong nước tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, hoạt động điều tra xã hội học, nghiên cứu chuyên sâu đối với nội dung liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các dự án luật phục vụ kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH. Năm 2022, Viện NCLP đã ký kết 02 văn kiện thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021 - 2026 với Hội Luật gia Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội,... Thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại của Đảng, Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội, Viện NCLP đã hỗ trợ, tư vấn cho Quốc hội Lào thành lập Viện NCLP của Quốc hội Lào học tập theo mô hình của Viện NCLP thuộc UBTVQH Việt Nam.

Xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Trong 15 năm hoạt động, bên cạnh việc hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ, hoạt động nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng theo sự phân công, yêu cầu của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và UBTVQH cũng được Viện NCLP đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện tốt theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và cấp có thẩm quyền.

Các nhiệm vụ được Viện NCLP triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, kịp thời, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá tích cực trên phương diện chuyên môn, tính khoa học, tính phản biện và tính độc lập, khách quan, có sự đóng góp nhất định vào việc xây dựng chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, hoạt động chung của Quốc hội. Cụ thể: Phục vụ tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và phục vụ xây dựng Hiến pháp năm 2013; Đầu mối phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trương ương triển khai sơ kết 05 năm, tổng kết 10 năm và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; Phục vụ Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Báo cáo Tổng kết 30 năm đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đầu mối phục vụ lãnh đạo Quốc hội triển khai nhiệm vụ khoa học cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”;….

Viện nghiên cứu lập pháp không ngừng đổi mới hoạt động, góp phần quan trọng tăng hàm lượng khoa học trong các quyết sách của Quốc hội

Viện nghiên cứu lập pháp không ngừng đổi mới hoạt động, góp phần quan trọng tăng hàm lượng khoa học trong các quyết sách của Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập

Nhìn lại chặng đường 15 năm hình thành và phát triển, Viện NCLP đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao cũng như các nhiệm vụ triển khai thực hiện theo chức năng. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua các thế hệ nối tiếp nhau nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng đoàn Quôc hội, lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH tin tưởng giao. Các sản phẩm nghiên cứu của Viện NCLP đã đóng góp tích cực vào công tác phục vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội trong thời gian qua./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84602