Dấu ấn 200 ngày thi đua ở TP HCM
Hàng loạt dự án, đề án được lập và công trình đang băng băng về đích đã tạo ra những dấu ấn trong phong trào thi đua 200 ngày ở TP HCM
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), cho hay đúng 12 giờ ngày 30-9, đoàn tàu đầu tiên thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức rời cảng Kasado - Nhật Bản để nhập về Việt Nam. Theo kế hoạch, ngày 8-10 đoàn tàu sẽ cập cảng tại TP HCM và ngày 10-10 có mặt tại depot Long Bình (quận 9, TP HCM).
Metro số 1 băng băng về đích
"Đây là cột mốc thứ hai quan trọng trong lịch trình vận chuyển đoàn tàu về Việt Nam sau khi cột mốc thứ nhất vượt qua trơn tru - các chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh an toàn. Tin vui này đã tiếp thêm năng lượng cho tập thể công nhân, kỹ sư, nhân viên và lãnh đạo ban vì những nỗ lực không ngừng nghỉ" - ông Huỳnh Hồng Thanh chia sẻ.
Ở tuyến metro số 1, theo ông Huỳnh Hồng Thanh, MAUR đã đăng ký 6 công trình thi đua 200 ngày, qua tổng kết đã thực hiện vượt tiến độ 3/6 công trình, hoàn thành tiến độ 3/6 công trình. Trong đó, các hạng mục công trình thực hiện vượt tiến độ gồm bàn giao 2.177 m2 mặt bằng Công viên Lam Sơn trước Nhà hát Thành phố rút ngắn 17 ngày so với kế hoạch bàn giao và rút ngắn 137 ngày so với kế hoạch ban đầu của nhà thầu. Kế đến, thực hiện tháo dỡ toàn bộ rào chắn đoạn từ đường Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ, mặt bằng trước Nhà hát Thành phố sớm hơn 6 ngày so với kế hoạch báo cáo UBND TP và sớm hơn 127 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu của nhà thầu. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ bản tầng B1 ga Nhà hát Thành phố sớm hơn 6 ngày so với kế hoạch báo cáo TP và sớm hơn 96 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu của 12 nhà thầu… "Chúng tôi xác định dự án tuyến metro số 1 là công trình trọng điểm, mang ý nghĩa rất lớn đối với TP. Do đó, trong quá trình thực hiện, những vướng mắc phát sinh được ưu tiên giải quyết cấp bách, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án" - ông Thanh nhấn mạnh.
Theo MAUR, tính đến nay, tổng khối lượng thực hiện toàn dự án lũy kế đạt 76%. Hiện nay, MAUR phối hợp nhà thầu liên danh Sumitomo - Cienco triển khai thi công hạng mục kết nối với các nhà ga trên cao tại ga Khu Công nghệ cao, chính thức bắt đầu giai đoạn triển khai đồng bộ kết nối các nhà ga với những loại hình giao thông khác xung quanh nhà ga. Ngoài ra, công tác đào tạo 58 lái tàu, tuyển hơn 300 kỹ thuật viên, trưởng ga, nhân viên điều hành, bảo trì - bảo dưỡng đang được Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 triển khai rốt ráo, chuẩn bị công tác vận hành đoàn tàu vào cuối năm 2021 đúng tiến độ đặt ra.
Chạy nước rút cho thành phố thông minh
Ngoài tuyến metro số 1 để lại dấu ấn rõ nét trong phong trào thi đua 200 ngày, còn có dấu ấn mang tên "Đề án Xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025".
Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, TP HCM khởi động sớm nhất cả nước thực hiện mô hình TP thông minh thông qua đề án trên. Bởi TP HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa, giáo dục - đào tạo, đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế, là đầu tàu động lực, có sức lan tỏa lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song song với quá trình phát triển đô thị, TP phải đối mặt với nhiều thách thức như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở, dịch vụ y tế chưa cao… Do đó, TP đặt mục tiêu phải nâng cao hiệu quả và độ chính xác của công tác dự báo, hỗ trợ để có thể ban hành các chiến lược, mục tiêu, chính sách hợp lý nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề trên và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững thông qua đề án là việc làm kịp thời.
Để cụ thể hóa, TP đã triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc Kho dữ liệu dùng chung của TP - giai đoạn 1 gồm dữ liệu hộ tịch, dữ liệu dân cư, bản đồ số dùng chung. Riêng dữ liệu hộ tịch đã có 21/24 quận, huyện và Sở Tư pháp tiến hành số hóa, tạo lập dữ liệu với khối lượng được rà soát, kiểm tra và đưa vào kho dữ liệu chung là 1.196.224 hồ sơ, đạt tỉ lệ khoảng 11% tổng số hồ sơ. Ngoài ra, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh - giai đoạn 1 đã đi vào vận hành, kết nối, tích hợp gần 1.500 camera trên địa bàn. Mới đây nhất là việc nâng cấp hệ thống tổng đài liên thông 113-114-115 giúp người dân dùng ứng dụng (app) gọi nhanh nhất xe cấp cứu, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn bằng cách định vị vị trí phương tiện cấp cứu. Bên cạnh đó, cổng thông tin 1022 đã mở rộng 625 đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp với đủ các lĩnh vực từ hạ tầng giao thông, chiếu sáng, cấp điện, nước đến trật tự đô thị, xây dựng và ô nhiễm môi trường…
Ngoài ra, TP cũng vừa phê duyệt đề án thành lập Trung tâm An toàn thông tin, đây là bước chuẩn bị quan trọng cho công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, ngăn chặn kịp thời các sự cố liên quan đến an toàn thông tin. Không chỉ vậy, đề án Đô thị thông minh tại 24 quận, huyện đang được chờ phê duyệt và triển khai sau khi thí điểm thành công tại quận 1 và quận 12.
Ấn tượng "Đối thoại văn hóa"
Trong phong trào thi đua, có lẽ ấn tượng nhất là chương trình "Đối thoại văn hóa". Đây là chương trình đầu tiên được TP tổ chức với chủ đề "Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TP HCM - TP văn hóa". Tại chương trình, đa số các giới đồng bào, chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức TP đánh giá cao chương trình. Bởi chương trình "Đối thoại văn hóa" thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong giữ gìn, củng cố và phát huy những phẩm chất đáng quý của con người TP, là yếu tố quan trọng xây dựng và hình thành bản sắc văn hóa TP HCM.
Ngoài chương trình "Đối thoại văn hóa", UBND TP cũng đã ban hành các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2020-2025 với nội dung tiêu chuẩn xét tặng, công nhận lại các danh hiệu; triển khai thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" tại các quận, huyện đến các tầng lớp nhân dân; điều chỉnh nâng mức các chỉ tiêu thực hiện và bổ sung nội dung kế hoạch xây dựng TP Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025 vào các tiêu chuẩn văn hóa nhằm đẩy mạnh thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 gắn với chủ đề năm 2020 của TP "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị".
Đặc biệt, TP đã triển khai, tổ chức Ngày hội văn hóa đọc và các hoạt động đẩy mạnh thực hiện văn hóa đọc nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập, tiến dần phát triển văn hóa đọc mang nét đặc trưng của TP; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật đờn ca tài tử"; phối hợp với Sở Du lịch về đề án Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.
Ca mổ "vô tiền khoáng hậu"
TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi được tạm thời xuất viện để đón trung thu ấm áp bên gia đình, sau ca mổ tách dính lịch sử. Hiện sức khỏe của 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đã có những tiến triển tốt, được học các bài tập phát triển chức năng vận động, giúp bé kích thích cảm giác bản thể, tiền đình và phát triển thăng bằng ngồi. Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố vẫn tiếp tục theo dõi và điều trị cho 2 bé đến khi có được kết quả hoàn chỉnh.
Có thể nói, ngoài ca mổ tách dính anh em song sinh Việt - Đức vang danh thế giới cách đây hơn 30 năm thì ca mổ tách dính ca song sinh phức tạp Trúc Nhi - Diệu Nhi cũng thuộc dạng "vô tiền khoáng hậu" của ngành y tế TP HCM. Trong đó, GS-TS-BS Trần Đông A - thành viên Hiệp hội Các phẫu thuật viên tách dính thế giới - là người có mặt trong 2 ca đại phẫu thuật lịch sử này. Đây là trường hợp song sinh dính nhau cực kỳ phức tạp vùng bụng chậu mà theo y văn trên thế giới về các trường hợp dính nhau, với ước tính tỉ lệ song sinh dính nhau trên thế giới là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus với tỉ lệ cứu sống cả 2 bé là 75%.
Bộ Y tế đánh giá thành công của ca mổ không chỉ là thành quả của trí tuệ Việt Nam mà còn là thành quả của những trái tim ấm nóng với tình yêu, trách nhiệm, lòng dũng cảm của gần 100 y - bác sĩ và cả bố mẹ của 2 bé. Họ đã bắt tay vào cuộc đại phẫu lịch sử, đối đầu với thử thách của tạo hóa để đem đến niềm hạnh phúc cho những bệnh nhi kém may mắn. Ca mổ này đã đánh dấu một bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, một thành công rất đáng tự hào.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dau-an-200-ngay-thi-dua-20200930221412301.htm